Trong quá trình truyền bá đường lối cách mạng theo chủ nghĩa Mác – Lênin, đồng chí Nguyễn Ái Quốc không chỉ đặt vấn đề giải phóng dân tộc mà con nêu cao khẩu hiệu giải phóng phụ nữ. Người chỉ rõ: “Phụ nữ muốn giải phóng, phải cùng dân tộc và giai cấp đứng lên làm cách mạng”.

bác hồ với đại biểu dự đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ III- 3-1961

Từ năm 1925-1929, cả nước có 5 nhóm phụ nữ tổ chức các hoạt động cách mạng. Ở miền Bắc, nhóm 3 chị em bà Cả Khương (gồm Nguyễn Thị Lưu, Nguyễn Thị Minh Lãng và Nguyễn Thị Thủy ở làng Phật Tích, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) đã xây dựng được tổ học nghề đăng ten gồm 30 chị vừa học nghề, vừa học chữ và tuyên truyền hoạt động cách mạng. Ở Vinh (Nghệ An), nhóm chị Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Thị Xân, Nguyễn Thị Thủy và Nguyễn Thị Thuận tham gia tổ Sinh hội đỏ và thành lập tổ Phụ nữ Giải phóng. Trước 4/1930, chị Nguyễn Thị Minh Khai còn là thư ký Ban Phụ nữ tại thành phố Vinh. Ở Triệu Phong (Quảng Trị) nhóm chị Hoàng Thị Ái, Lê Thị Quyết đã tổ chức cửa hàng Hưng Nghiệp Hội Xã để làm tài chính cho Hội Việt Nam Cách mạng Thanh niên. Nhóm chị Thái Thị Bôi, Lê Trung Lương, Huỳnh Thị Thuyên và Nguyễn Thị Quang Thái ở Huế tham gia Sinh hội đỏ ở trường Nữ học Đồng Khánh.

Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam thành Đảng cộng sản Việt Nam (từ 6/1-8/2/1930 tại Cửu Long, gần Hương Cảng, Trung Quốc) đã thông qua Cương lĩnh Chính trị đầu tiên của Đảng. Cương lĩnh chỉ rõ một trong các mục tiêu và nội dung đấu tranh của cách mạng Việt Nam là thực hiện nam nữ bình quyền. Hội nghị quyết định thành lập ra các tổ chức quần chúng do Đảng lãnh đạo: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, Thanh niên cộng sản đoàn, Hội Phụ nữ giải phóng, Hội cứu đỏ và Hội phản đế đồng minh…

Hội nghị TW Đảng lần thứ nhất (14-31/10/1930 tại Hương Cảng, Trung Quốc) đã ban hành Án Nghị quyết về Phụ nữ vận động và đề ra Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội. Án Nghị quyết nêu rõ: Lực lượng cách mạng của phụ nữ là lực lượng rất trọng yếu. Nếu quảng đại quần chúng phụ nữ không tham gia vào những cuộc đấu tranh cách mạng thì cách mạng không thắng lợi được. Bởi vậy, công tác trong quần chúng phụ nữ là nhiệm vụ lớn và rất trọng yếu. Và xác định rõ: Muốn thâu phục cho được hết các phần tử phụ nữ thì Đảng cần tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ “phụ nữ hiệp hội” để mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng.Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội xác định rõ mục đích là: liên hiệp quần chúng phụ nữ với các lực lượng nông dân và công nhân để chống lại sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến để giàng quyền thắng lợi và giải phóng cho phụ nữ.

Hội nghị TW Đảng lần thứ nhất có ý nghĩa lịch sử hết sức quan trọng, đánh dấu sự hình thành tổ chức Hội Phụ nữ đầu tiên, mở đầu cho trang sử mới của phong trào phụ nữ và tổ chức Hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Là mốc ghi nhận tổ chức Hội phụ nữ và phong trào xuất hiện sớm cùng với các tổ chức cách mạng khác do Đảng lãnh đạo.

Điều lệ Phụ nữ Liên hiệp Hội

Tên: Phân hội Đông dương phụ nữ Liên hiệp hội

1. Mục đích: Liên hiệp quần chúng phụ nữ với các lực lượng nông dân và công nhân để chống lại sự áp bức của chủ nghĩa đế quốc và chủ nghĩa phong kiến để giàng quyền thắng lợi và giải phóng cho phụ nữ.

2. Hội viên: có thể gia nhập phân hội mọi phụ nữ và thanh niên tán thành mục đích và điều lệ của Liên hiệp hội.

3. Tổ chức:

a) Mỗi phân hội được thành lập ở mỗi miền. Đại hội hàng năm các đại biểu Đông Dương là tổ chức cao nhất của Liên hiệp hội. Đại hội bầu ra Ban chấp hành ủy viên có quyền cao nhất trong thời gian giữa các kỳ Đại hội các cấp dưới nghiêm chỉnh tuân theo các chỉ thị và mệnh lệnh của cấp trên trực tiếp.

b) Cơ cấu tổ chức của Liên hiệp hội:

Phụ nữ Liên hiệp hội Đông Dương gồm: một Ban Chấp hành ủy viên Đông Dương, 5 xứ phụ nữ hiệp hội (Bắc Kỳ, Trung Kỳ, Nam Kỳ, Lào, Cao Miên). 5 ban xứ chấp ủy viên, mỗi tỉnh một phụ nữ hiệp hội và một tỉnh chấp ủy viên

Một phân hội phụ nữ và một Ban Chấp hành ủy viên trong mỗi thành phố hay mỗi phủ, huyện.

c) Các cơ quan Phụ nữ Liên hiệp hội Đông Dương gồm gồm:

Một bộ Bí thư chịu trách nhiệm về thư tín và tài chính.

Một tổ chức chịu trách nhiệm về tổ chức giao thông liên lạc các loại về điều hành các nhiệm vụ của các cấp. Một bộ tuyên truyền chịu trách nhiệm về công việc tuyên truyền.

4. Tài chính: số tiền hội phí và quyên góp được là nguồn tài chính của Liên hiệp hội.

5. Kỷ luật: mọi sự vi phạm Điều lệ của Liên hiệp hội đều bị trừng phạt, từ khiển trách đến khai trừ vĩnh viễn tùy theo lỗi nặng nhẹ khác nhau.

6. Điều phụ: Đại hội đại biểu của Liê hiệp hội có thể thay đổi Điều lệ này.

Biên niên lịch sử và Lịch sử Hội LHPN Việt Nam

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT