Với quan niệm “ở đâu có người học là ở đó có người dạy”, những năm qua nhiều giáo viên, đặc biệt các nữ giáo viên đã không ngại khó khăn, vất vả, tình nguyện đến vùng biên giới Mô Rai để dạy học cho học sinh nơi đây. Hy sinh cả những hạnh phúc riêng tư, các cô lặng lẽ, miệt mài bám trường bám lớp để ươm mầm con chữ trên vùng đất khó.

Cách trung tâm huyện hơn 60 cây số, Mô Rai là xã khó khăn nhất hiện nay của huyện Sa Thầy. Cho đến giờ, việc ra vào Mô Rai vẫn là điều ái ngại nhất bởi đường xá xa xôi lại gập ghềnh, khó đi.

Ấy vậy mà, với các giáo viên ở Mô Rai, hàng tuần, hàng tháng, họ phải vượt qua những cung đường khó nhọc ấy để đến với học trò nơi vùng sâu này, bởi đa số họ đều có gia đình ở thị trấn Sa Thầy hoặc các xã khác trên địa bàn huyện. Với các giáo viên nam đã đành, với các cô giáo việc phải xa gia đình, đến một nơi xa xôi, khó khăn công tác là điều không hề dễ dàng.

những người gieo chữ ở mo rai

Đối với học sinh ở Mô Rai, các cô giáo vừa là thầy vừa là mẹ. Ảnh: T.H

Cô Đinh Thị Thành – Hiệu trưởng Trường Mầm non Mô Rai chia sẻ: Nhà mình ở xã Sa Bình,10 năm qua kể từ ngày lên đây nhận công tác, cả nhà mình đã quen với cảnh mình biền biệt từ đầu tuần đến cuối tuần mới về. Đó là khi thời tiết thuận lợi thì cứ sáng thứ Bảy về nhà chiều Chủ nhật lên xã, nhưng những khi mưa to gió lớn, đường lầy lội không đi được thì vài ba tuần mới về nhà một lần. Đường vào đây thì nhà báo thấy rồi đấy, mỗi lần đi lại là một lần đánh vật với đường.

Chẳng thế mà, xe của giáo viên cái nào cũng được băng đầu băng đuôi bằng dây thun, bởi các theo các cô nếu không “băng bó” cẩn thận thì không biết những “chú ngựa sắt” chịu được mấy chuyến đi về.

Ví như chuyện của cô Đinh Thị Thành nghe mà cười ra nước mắt, có lần từ xã về nhà, trên đường đi không biết sao phần nhựa ốp vào đầu chiếc xe máy Wave α bể thành mấy mảnh rồi rơi mất, nhưng khi về đến nhà nhìn lại chiếc xe thì phần đèn hậu và cả biển số xe cũng không biết rơi ở đâu. May mà có mấy thầy cô đi sau nhặt được, biết rõ đó là chiếc biển số xe của cô Thành nên đã mang về để cô đi gắn lại.

Không chỉ cô Thành mà nhiều giáo viên cũng đã từng rơi vào tình cảnh tương tự. Thế nên, để bảo vệ những “con ngựa chiến”, họ mới nghĩ ra cách băng hết các bộ phận dễ rung, dễ bể lại cho chắc ăn.

Để chinh phục những cung đường khó, các cô giáo đều phải trở thành những tay lái cừ khôi, luôn luôn trong tư thế sẵn sàng đẩy xe, khiêng xe. Đặc biệt, trong cốp xe của mỗi người luôn có một vài miếng vá, một chiếc ruột xe, một chiếc bơm tay và một bộ dụng cụ sửa xe, gặp bất kể một trục trặc nào trên đường các cô đều có thể tự sửa xe rất nhanh gọn.

Trong bữa cơm tối với các cô giáo Trường Mầm non Mô Rai, trong căn phòng chừng 20m2 là nơi sinh hoạt của 4 cô giáo, tôi được đi hết từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác. Các cô còn kể, nhiều khi trên đường đi không may mà bị rơi dép xuống dưới vũng lầy, cúi xuống mò đến lúc tìm được lại không phải dép của mình mà là của người khác, có khi còn mò được vài ba chiếc nữa. Rồi nhiều khi mua thức ăn mang theo, nhưng khi đến nơi không biết rơi từ lúc nào.

Người ta nói “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”, đúng ra người phụ nữ phải ở gần nhà để ngày ngày lo cho con cái, nhà cửa. Nhưng với các giáo viên nữ ở Mô Rai, để thực hiện sứ mệnh “trồng người” nơi vùng khó này, các cô đều phải để nhiệm vụ chăm lo gia đình cho chồng hay gửi con cho ông bà nội ngoại nuôi dạy.

Ví như trường hợp của cô Bùi Thị Thu Hà – Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú THCS Nguyễn Huệ, gia đình có 3 người thì mỗi người ở một nơi. Chồng cô Hà làm giáo viên bên xã Ia Tơi (huyện Ia H’Drai), con thì gửi ông bà ngoại ở tận Quảng Ngãi, nhà cửa thì lại ở thị trấn Sa Thầy. Vậy là cứ vài tuần hai vợ chồng mới về nhà một lần, rồi đôi ba tháng mới về thăm con một lần. Thời gian cả gia đình được đoàn tụ, ở bên nhau dài nhất chính là vài tháng hè.

Cô Hà chia sẻ: Mình đến Mô Rai dạy từ năm 2003, sau đó kết duyên cùng ông xã mình cũng là giáo viên của trường. Khi sinh con do điều kiện trong này nhiều khó khăn quá, con lại thường xuyên ốm đau, mỗi lần đưa con ra huyện thăm khám quá khổ sở, vì vậy, bố mẹ mình ở quê nói gửi con về để ông bà trông giúp. Ông xã mình thì từ năm 2014 được điều chuyển lên huyện Ia H’Drai (trước là Nam Sa Thầy) để dạy, vậy là mỗi người một nơi, gia đình cứ như cảnh vợ chồng ngâu ấy.

“Còn mình thì mấy năm nay, mọi việc trong nhà đều một mình ông xã lo toan hết. Hai cậu con trai thì đã quen với cảnh mẹ vắng nhà nên cũng tự biết cách chăm lo cho bản thân. Những giờ lên lớp thì không sao chứ mỗi sáng ngủ dậy, tối đến ngồi nghĩ đến con lại chảy nước mắt”- Cô Nguyễn Thị Yến – giáo viên Trường Mầm non Mô Rai trải lòng.

Vất vả, khó khăn và thiệt thòi là vậy, nhưng các cô vẫn lạc quan, động viên nhau nỗ lực bám trường bám lớp, dạy chữ cho con em đồng bào DTTS nơi biên giới này.

Trước đây, việc vận động học sinh tới lớp là một vấn đề nan giải với các giáo viên. Các cô phải đến từng nhà, nhờ già làng dẫn đường; rồi phải cùng ăn, cùng ở, cùng sinh hoạt với các em mới đưa được các em đến lớp. Và chính từ những cố gắng đó, các bậc phụ huynh, học sinh ở Mô Rai ngày càng yêu mến các cô, tin tưởng đưa con em tới trường, tới lớp.

Cô Bùi Thị Thu Hà chia sẻ: Ngày mới lên dạy học ở đây, mỗi lần vào đầu năm học mới hay đến mùa rẫy là giáo viên phải lặn lội xuống làng, đến từng nhà để gọi học sinh đến lớp. Khổ thế đấy, nhưng thấy hoàn cảnh của gia đình các em lại thương hơn. Đời sống quá khó khăn, nhà nào cũng sinh nhiều con, cộng với nhận thức hạn chế nên phụ huynh, học sinh mới thờ ơ việc học, do đó, mình càng phải nỗ lực nhiều hơn để giúp cho các em có kiến thức. Năm tháng trôi qua, mình thương học trò, học trò thương mình; còn người dân thì coi mình như người trong nhà nên dẫu vất vả nhưng mình cũng thấy hạnh phúc.

Còn cô giáo trẻ Phan Thị Lệ – giáo viên Trường Tiểu học, Trung học cơ sở Võ Nguyên Giáp thì giãi bày: Gia đình em đều ở ngoài Quảng Bình nên quanh năm suốt tháng em chỉ ở trường, ngoài thời gian dạy học em đều dành thời gian chăm lo cho những học sinh ở bán trú. Dù chưa lập gia đình riêng, nhưng mấy năm nay, em luôn có cả một đàn con cùng ăn, cùng ở, cùng làm việc nhà như một gia đình.

Điều đặc biệt, ở Mô Rai, ngoại trừ học sinh mầm non, còn phần lớn học sinh bậc tiểu học và trung học cơ sở của các làng đồng bào DTTS đều ở bán trú tại trường suốt từ đầu tuần đến cuối tuần; thế nên hơn ai hết các cô giáo chính là những người mẹ chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ cho các em. Hy sinh hạnh phúc riêng, các cô ai nấy đều dồn hết tâm huyết, tình cảm để chăm lo cho học sinh.

Gắn bó với sự nghiệp trồng người vùng đất biên giới Mô Rai, trong mỗi giáo viên nói chung và các cô giáo nói riêng đều mang trong mình những nỗi niềm rất riêng. Nhưng rồi, tất cả họ đều vì lòng yêu nghề, mến trẻ, vì học trò mà tình nguyện đến, ở lại để chắp cánh cho những ước mơ của học trò vùng khó được bay xa…

Thuỳ Hương

Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT