Phát biểu tại phiên hội trường sáng nay, 9/11, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà cho rằng, định kiến giới còn tồn tại thì vẫn là rào cản, cần đẩy mạnh các biện pháp để thúc bình đẳng giới, tạo công bằng về cơ hội để phụ nữ phát triển, không ai bị bỏ lại phía sau.
Tôi cơ bản nhất trí với Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo của Ủy ban Các vấn đề xã hội với những đánh giá rất thẳng thắn, trách nhiệm. Với sự quan tâm thiết thực của Đảng, của Quốc hội, những nỗ lực của Chính phủ, các cấp, các ngành, sự sẻ chia, trách nhiệm của nam giới và sự phấn đấu vươn lên mạnh mẽ của phụ nữ, chúng ta đã đạt được những kết quả quan trọng trong việc thực hiện mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.
Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu tại nghị trường Quốc hội. Ảnh: PNVN
Việt Nam được quốc tế đánh giá có nhiều tiến bộ trong xây dựng hệ thống chính sách pháp luật về bình đẳng giới. Từ năm 2016 đến nay, đã có 7 chương trình, đề án thúc đẩy bình đẳng giới được Chính phủ ban hành. Tiếp nối ý kiến của một số đại biểu phát biểu, tôi xin phân tích thêm về tình hình thực hiện chỉ tiêu mục tiêu về bình đẳng giới.
Trong số 22 chỉ tiêu, còn gần 2/3 số chỉ tiêu không đạt hoặc không đo đếm được. Trong đó có những chỉ tiêu hoàn toàn có thể định lượng được nhưng liên tiếp nhiều năm vẫn chưa thu thập được số liệu. Có những chỉ tiêu rất quan trọng, thể hiện rõ thành tựu bình đẳng giới nhưng nhiều năm, nhiều nhiệm kỳ chúng ta không đạt. Đơn cử như chỉ tiêu về tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo quản lý. Trong mục tiêu này, có 3 chỉ tiêu thì có đến 2 chỉ tiêu không đạt và một chỉ tiêu không đo đếm được.
Một số chỉ tiêu đạt nhưng không phản ánh thực chất. Ví dụ như chỉ tiêu giảm tỷ lệ phá thai đang được đánh giá là đạt và vượt kế hoạch nhưng đây mới là thống kê ở hệ thống y tế công, chưa phải là con số thực. Không những thế, tỷ lệ phá thai của Việt Nam vẫn rất cao so với thế giới, đặc biệt phá thai ở tuổi vị thành niên. Thậm chí, có những chỉ tiêu tuy đạt nhưng đang ở mức báo động đáng lo ngại như: tỷ số giới tính khi sinh mà nhiều đại biểu đã phân tích. Báo cáo cho rằng đang trong tầm kiểm soát và được coi là đạt nhưng hiện nay Việt Nam đang đứng thứ 140/144 nước, nghĩa là đứng ở cuối bảng xếp hạng.
Về nguyên nhân (hôm nay là ngày Pháp luật Việt Nam), tôi xin đề cập đến nguyên nhân đầu tiên là việc thực thi pháp luật ở một số bộ, ngành địa phương. Trong khi 39 tỉnh, thành vẫn đảm bảo tỷ lệ nữ ứng cử viên theo Luật Bầu cử thì có tới 24 tỉnh, thành không bố trí đủ 35% nữ ứng cử viên trong danh sách bầu cử Quốc hội khóa XIV. Nghị định 39 của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho phụ nữ nghèo là người dân tộc thiểu số sinh con theo đúng chính sách dân số thể hiện sự nhân văn ưu việt của chế độ, nhưng Nghị định này vẫn chưa thực hiện đầy đủ ở các địa phương. Ngay cả việc 2/3 số chỉ tiêu không đạt, không đo đếm được, số liệu cũng là minh chứng cho việc thực thi chính sách chưa nghiêm.
Nguyên nhân thứ hai, tôi xin phân tích liên quan đến cơ hội đối với phụ nữ. Chúng ta thấy quyền bình đẳng của phụ nữ được quy định trong pháp luật tương đối đầy đủ nhưng trong nhiềutrường hợp chị em khó có cơ hội để thực hiện quyền đó nếu như trong triển khai thực hiện không tính yếu tố giới. Nam và nữ đều được tham gia đào tạo bồi dưỡng, tuy nhiên theo quy định độ tuổi học sau đại học phải dưới 40 và học cao cấp lý luận chính trị tập trung đối với nữ dưới 35, đây thường là giai đoạn phụ nữ đang mang thai và nuôi con nhỏ trong khi hầu hết các trường đào tạo bồi dưỡng chưa có nhà trẻ mẫu giáo, mà sau 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, chính sách hỗ trợ cho phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi tham gia đào tạo bồi dưỡng chưa được ban hành.
Một số chính sách quy hoạch bổ nhiệm, luân chuyển khi xây dựng đều căn cứ trên tuổi nghỉ hưu cho nên cơ hội của phụ nữ bị hạn chế. Hoặc vì nhiều lý do khác nhau, cơ hội để phụ nữ trúng cử cũng thấp hơn. Trong bầu cử Quốc hội khóa XIV vừa qua số liệu cho thấy, cơ hội trúng cử của nam ứng cử viên là 68,4% và của nữ chỉ là 39,2%.
Thứ ba, công tác nghiên cứu dự báo chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu các giải pháp căn cơ mang tính chiến lược đối với các vấn đề mới thách thức như: vấn đề lao động nữ, tỷ lệ lao động qua đào tạo, nguy cơ thất nghiệp, vấn đề ly hôn, bạo lực, xâm hại, mua bán phụ nữ, trẻ em mà rất nhiều đại biểu đã phân tích. Tất cả những vấn đề này đang tác động xấu đến sự an toàn phát triển của phụ nữ, trẻ em và sự bền vững của gia đình.
Bức trần kính vô hình với bản chất là định kiến giới vẫn còn hiện diện cả trong gia đình và xã hội và vẫn là rào cản mà nhìn bề ngoài thì không thấy, khó thấy nhưng không dễ để vượt qua. Thực tế đó cho thấy đường xa, gánh nặng trên tiến trình bình đẳng giới. Vì vậy, trong thời gian tới tôi đề nghị:
Thứ nhất, đồng thời với các giải pháp nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội, của từng gia đình, tôi đặc biệt quan tâm đến giải pháp tập trung nâng cao nhận thức, trách nhiệm và vai trò của người đứng đầu về công tác phụ nữ và bình đẳng giới. Gắn liền với đó là tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, công tác thi đua khen thưởng, phê bình.
Thứ hai, rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các quy định đảm bảo quyền và cơ hội bình đẳng cho cả nam và nữ. Cần nghiên cứu điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cho phù hợp để tạo cơ hội cho cả hai giới theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng. Quan tâm phát triển dịch vụ hỗ trợ gia đình, sớm ban hành các chính sách còn đang nợ chưa ban hành, ví dụ: như chính sách hỗ trợ cho phụ nữ mang theo con nhỏ dưới 36 tháng tuổi khi tham gia đào tạo, bồi dưỡng; hoặc có giải pháp để bảo vệ quyền cho lao động nữ nghỉ hưu từ ngày 1 tháng 1 năm 2018 và một số các chính sách khác.
Thứ ba, Chính phủ cần định kỳ công bố chỉ số giới và chỉ đạo quyết liệt trong việc thực hiện để đạt được các chỉ tiêu về bình đẳng giới. Thống kê, thu thập đầy đủ số liệu, đánh giá thực trạng, thực chất các chỉ tiêu còn bất cập.
Thứ tư, cần quan tâm tạo nguồn cán bộ nữ dài hạn. Có các giải pháp mạnh mẽ hơn trong công tác cán bộ nữ và quan tâm, hỗ trợ trẻ em gái. Trong bối cảnh ở Việt Nam, khi phụ nữ đang gặp nhiều khó khăn thì các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới để tiến tới sự công bằng giới đóng vai trò quyết định trực tiếp đến thực hiện mục tiêu bình đẳng giới ở nước ta.
Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đối với lao động nữ để có giải pháp phù hợp. Đồng thời xây dựng các chính sách hỗ trợ cho một số nhóm đối tượng phụ nữ đặc thù, như lao động nữ di cư, phụ nữ vùng miền núi khó khăn, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ khuyết tật, phụ nữ vùng thường xuyên bị thiên tai, bão lũ để đảm bảo không còn ai ở lại phía sau trong quá trình phát triển.
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT