Đó là yêu cầu của Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa tại Hội nghị tổng kết giai đoạn 2013 – 2017 và Ký kết chương trình phối hợp vận động phụ nữ tôn giáo giai đoạn 2018 – 2022 của Hội LHPNVN và Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức chiều 17/1.
Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa và Phó trưởng Ban Tôn giáo Chính phủ Dương Ngọc Tấn ký kết chương trình phối hợp (ảnh H. Hòa)
Cùng nhìn lại chặng đường 5 năm phối hợp, Phó Chủ tịch Hội LHPNVN Bùi Thị Hòa khẳng định, đây là chương trình mang tính chất đặc thù và có ý nghĩa chính trị quan trọng của 2 ngành, đã được triển khai bài bản, phù hợp với đặc thù từng vùng miền. Đã có 62/63 tỉnh thành có ký kết phối hợp giữa Ban tôn giáo địa phương với Hội địa phương và đạt được những kết quả rất tích cực.
Đề cập tới việc nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng của phụ nữ vùng có đạo, theo Phó Chủ tịch Bùi Thị Hòa, “Hội cần đi sâu, chia sẻ, gần gũi hơn nữa, tạo ra niềm tin của phụ nữ với tổ chức Hội, thì mọi khó khăn đều có thể giải quyết được”. Đồng thời phát huy vai trò tiên phong của chức sắc, chức việc của tôn giáo với hoạt động của Hội, sẽ tạo ra sự chia sẻ để giải quyết những khó khăn. Bên cạnh đó, vận động hội viên phụ nữ có đạo tham gia phong trào chung của Hội, chính là đưa ra các hoạt động phù hợp với nguyện vọng, nhu cầu hoàn cảnh của phụ nữ có đạo. “Khi hoạt động của Hội bắt kịp với hoạt động của các tôn giáo, sẽ huy động được sự tham gia của chị em”.
Đặc biệt là phát huy vai trò, vị thế, tiếng nói của các chức sắc, chức việc tôn giáo, cần phải thu hút, chia sẻ nhiều hơn để các chị em hiểu hơn nữa về Hội, qua đó góp phần tập hợp phụ nữ có đạo tham gia các phong trào, cuộc vận động chung.
Phó Chủ tịch cũng đề nghị đẩy mạnh chương phối hợp tốt hơn nữa giữa các hoạt động của Ban Tôn giáo và Hội LHPNVN, thế mạnh của 2 ngành phải được nhân lên khi cùng phối hợp để có thể tiến xa, tiến vững chắc trong vận động, tuyên truyền phụ nữ tôn giáo, tạo khối đại đoàn kết toàn dân.
Ông Dương Ngọc Tấn, Phó trưởng Ban tôn giáo Chính phủ, đánh giá cao vai trò, vị trí của phụ nữ có đạo. “Phụ nữ là một thành phần rất quan trọng, giữ lửa ấm trong gia đình và giữ niềm tin tín ngưỡng tôn giáo”. Những năm qua, đóng góp của phụ nữ có đạo là rất nổi bật, góp phần tích cực vào sự phát triển của cộng đồng; cụ thể như đóng góp ở các hoạt động thiện nguyện, nuôi dạy trẻ, y tế và hoạt động nhân đạo… Để phát huy hơn nữa những đóng góp của phụ nữ có đạo, ông Tấn khẳng định, Ban Tôn giáo Chính phủ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội LHPNVN để chương trình phối hợp các năm tiếp theo đạt được những kết quả như mong muốn.
Theo báo cáo 5 năm thực hiện chương trình phối hợp, công tác vận động phụ nữ tôn giáo được 2 ngành chỉ đạo triển khai có hệ thống và ngày càng đi vào nền nếp với sự phối hợp thực hiện linh hoạt, sáng tạo, phù hợp với đặc thù phụ nữ tôn giáo từng vùng. Đặc biệt, điểm mới trong hoạt động phối hợp trong 5 năm qua là bắt kịp những vấn đề thời sự của đất nước như ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng Nông thôn mới, đô thị văn minh… để tổ chức các hoạt động tuyên truyền, giáo dục có quy mô lớn, thiết thực, có tính lan tỏa, thu hút đông đảo phụ nữ, hội viên tham gia.
Hai ngành đã tổ chức 43 hội nghị tuyên truyền pháp luật, tập huấn nâng cao kiến thức về tôn giáo cho chức sắc, nhà tu hành, tín đồ tôn giáo, cán bộ ban ngành đoàn thể các cấp. Tổ chức 16 lớp tập huấn nghiệp vụ công tác tôn giáo cho 1.684 cán bộ Hội các cấp. Xây dựng tổ chức Hội vùng có đông đồng bào tôn giáo vững mạnh; phát huy vai trò tổ chức Hội tham gia công tác tôn giáo. Tính đến tháng 6/2017, tổng số hội viên tôn giáo là hơn 1,596 triệu người, đạt tỷ lệ thu hút 45,3%.
Tại hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, bàn giải pháp để kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các nữ tín đồ tôn giáo. Nâng cao tiếng nói của phụ nữ có đạo trong gia đình và cộng đồng và tham gia tích cực vào các phong trào, hoạt động của Hội. Đồng thời các đại biểu chia sẻ giải pháp phát huy hơn nữa vai trò của các nữ chức sắc, chức việc; tranh thủ sự ủng hộ của lãnh đạo tôn giáo với hoạt động của Hội. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu góp ý chương trình phối hợp 2 ngành trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, qua đó nhân đôi sức mạnh của Hội và cơ quan quản lý tôn giáo, để người có đạo thực hiện đúng chủ trương, chính sách của nhà nước.
Chương trình phối hợp vận động phụ nữ tôn giáo giai đoạn 2018 – 2022 tiếp tục tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên về chủ trương, chính sách về tín ngưỡng, tôn giáo. Tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ công tác tôn giáo cho cán bộ Hội các cấp. Vận động phụ nữ các tôn giáo tích cực tham gia thực hiện có hiệu quả phong trào thi đua và các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Xây dựng tổ chức cơ sở Hội vững mạnh trên địa bàn tôn giáo. Nghiên cứu, đề xuất chính sách liên quan đến phụ nữ tôn giáo…
PVH
Nguồn: http://phunuvietnam.vn-HT