Sau hơn 8 tháng triển khai, mô hình tổ liên kết kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây ở xã Ngọc Linh và xã Mường Hoong (Đăk Glei, Kon Tum) do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ đã cho kết quả tích cực, mở ra triển vọng phát triển và nâng cao thu nhập cho hội viên phụ nữ vùng khó khăn này.

Tháng 5/2017, chị Y Nương (thôn Tân Rát, xã Ngọc Linh, huyện Đăk Glei) tham gia mô hình tổ liên kết trồng sâm dây cùng với 34 hội viên phụ nữ trong xã. Tham gia mô hình, chị được Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 50 kg giống sâm dây và kỹ thuật để trồng trên 2 sào đất rẫy của gia đình. Sau hơn 8 tháng chăm sóc, vườn sâm dây chuẩn bị cho thu hoạch, giúp gia đình chị có nguồn thu nhập và điều kiện để mở rộng thêm diện tích. Chị Y Nương nói: “Tôi được hỗ trợ 50 kg sâm dây, trồng thấy phát triển tốt. Tôi sẽ cố gắng chăm sóc tốt để cho thu hoạch nhiều. Sắp tới tôi sẽ tiếp tục trồng thêm 1 sào nữa để có thu nhập ổn định sau này và thoát nghèo bền vững”.

MO-HINH-TO-LIEN-KET-TRONG-SAM-DAY...-300x240

Trồng sâm dây trên dãy Ngọc Linh

Thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, trong năm 2017, Hội LHPN tỉnh Kon Tum đã tiến hành khảo sát thực tế và thành lập 2 mô hình tổ liên kết phụ nữ dân tộc thiểu số trồng sâm dây tại xã Ngọc Linh và xã Mường Hoong, huyện Đăk Glei, với 59 hội viên phụ nữ đăng ký tham gia mô hình. Trong đó, Hội LHPN tỉnh hỗ trợ cho 26 hội viên phụ nữ nghèo, mỗi hội viên 50 kg giống sâm dây, tổng trị giá 130 triệu đồng. Từ diện tích 5 ha ban đầu, đến nay đã tăng lên gần 7 ha; có thêm 15 hộ dân chủ động trồng sâm dây thay thế các loại cây trồng có giá trị kinh tế thấp và có nguyện vọng đăng ký tham gia mô hình do Hội LHPN tỉnh thành lập. Chị Y Long, Phó Chủ tịch Hội LHPN xã Ngọc Linh nói: “Sâm dây đây đất phù hợp, mình trồng không phải làm luống, mình làm sẵn luôn giống cuốc rẫy. Hội LHPN xã cũng hay vào trong chi hội, trong tổ họp liên kết chị em để tập trung làm sâm dây, phát triển kinh tế”.

Hiện nay, diện tích trồng sâm dây của các hộ tham gia mô hình tổ liên kết đã bắt đầu đến mùa thu hoạch, với giá bán bình quân từ 100 nghìn đến 180 nghìn đồng một kg tươi. Nhằm phát triển và mở rộng mô hình, Hội LHPN tỉnh đã và đang tăng cường công tác kêu gọi sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh. Bà Phạm Thị Chính, Ban Cộng đồng, Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh vừa qua đến thăm mô hình đã cho biết: “Hội Nữ doanh nhân của Thành phố Hồ Chí Minh muốn tiếp tục đồng hành với Hội LHPN tỉnh Kon Tum để hỗ trợ vốn giúp cho phụ nữ yếu thế. Cụ thể chúng tôi hỗ trợ vốn, còn chính quyền địa phương hỗ trợ về các kỹ thuật để trồng sâm dây và Hội LHPN kết nối đầu ra, chúng tôi khép kín giúp cho phụ nữ vùng sâu, vùng xa có kinh tế ổn định hơn để thoát nghèo. Dự kiến chúng tôi sẽ hỗ trợ 100 triệu đồng”.

“Sau khi ra mắt mô hình tổ liên kết trồng sâm dây ở xã Mường Hoong, Ngọc Linh, qua kiểm tra chúng tôi thấy diện tích trồng sâm dây, đặc biệt là đối với các hội viên phụ nữ được nhận hỗ trợ trong đợt ra mắt thì phát triển rất tốt. Trong thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ thành lập các tổ thu mua sản phẩm sâm dây, hỗ trợ cho các chị khởi nghiệp từ hình thức thu mua và bán các sản phẩm từ sâm dây từ các mô hình .này”. Bà Trần Thị Phong Lan, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum nói.

Thời gian tới, HLPN tỉnh tiếp tục phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương, các ngành chức năng để mở rộng diện tích trồng sâm dây, đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm, giám sát về kỹ thuật và bảo vệ diện tích trồng sâm dây, quá trình tiêu thụ sản phẩm, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá cho sản phẩm sâm dây của các tổ liên kết. Với mục tiêu, tạo điều kiện cho nhiều chị em người DTTS thoát nghèo bền vững và làm giàu từ cây sâm dây tại chính quê hương mình.

Ngọc Chí – Đức Thắng

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT