Chiếc áo dài – một biểu tượng văn hóa độc đáo của người Việt Nam, vừa kết hợp yếu tố truyền thống lẫn yếu tố hiện đại, vừa đáp ứng được nhu cầu thẩm mỹ của thời đại và hội nhập thế giới.
Sự hình thành chiếc áo dài truyền thống trãi qua vài thế kỷ. Từ thời Võ vương Nguyễn Phúc Khoát (1744) là chiếc áo dài tứ thân, năm thân măc với váy. Đến sự cải cách trang phục thời vua Minh Mạng (1828) cấm đàn bà mặc váy và bắt phải mặc quần hai ống.
Sự cách tân trong thiết kế chiếc áo dài của họa sĩ Nguyễn Cát Tường trong thập niên 1930 ra đời áo dài Le Mur. Không dừng lại, hình dáng chiếc áo dài tiếp tục thay đổi trong thập niên 1950 là áo dài ôm eo. Cuối năm 1958, chiếc áo dài cổ hở (cổ thuyền) xuất hiện ở miền Nam. Thập niên 1960 là thời kỳ của chiếc áo dài chít eo và tôn ngực. Cuối năm 1960, hình ảnh chiếc áo dài vai raglan, quần ống rộng đã hấp dẫn cộng đồng.
Chiếc áo dài thêu hoa, chim, cây lá từ ngực xuống tới vạt bằng vải soie, suisse… đủ màu tùy theo lứa tuổi là sự lựa chọn của phụ nữ những năm 1980. Những năm 1990, chiếc áo dài tà rộng, vạt dài tới gót, nhấn ‘pince”, cổ áo cao hoặc với nhiều dạng cổ khác nhau như trẹt, vuông, trái tim…
Hiện nay áo dài được may bằng nhiều chất liệu: gấm, thổ cẩm, tơ lụa… với nhiều biến tấu của những nhà tạo mẫu cùng với thị hiếu của phụ nữ, song về cơ bản vẫn giữ được nét đặc trưng riêng của bản sắc dân tộc.
Chiếc áo dài hiện thân cho sự duyên dáng của phụ nữ Việt Nam, gắn bó mật thiết với người phụ nữ trong mọi mặt của đời sống xã hội. Trong hai cuộc kháng chiến, chiếc áo dài đồng hành cùng người phụ nữ len lỏi từng góc phố, con đường, tham gia biểu tình trong phong trào thanh niên, học sinh – sinh viên phản đối chiến tranh, làm giao liên, binh vận rải truyền đơn, vận chuyển vũ khí và đấu tranh trên chính trường quốc tế… Hình ảnh chiếc áo dài dịu dàng mà mạnh mẽ, có sức mạnh diệu kỳ thách thức đạn bom trở thành biểu tượng của vẻ đẹp và sự kiên cường của người phụ nữ Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới. Thời kỳ đổi mới, chiéc áo dài và phụ nữ có mặt trong mọi nghề nghiệp sánh bước ngang bằng với nam giới trên mọi lĩnh vực cống hiến cho xã hội.
Chiếc áo dài trở thành di sản trong tâm hồn người Việt qua nhiều thế hệ. Người phụ nữ cũng là người làm thăng hoa cho vẻ đẹp của chiếc áo dài trong ngày Tết, buổi lễ quan trọng trong sự nghiệp của người phụ nữ ngoài xã hội …
Nguồn: Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ