Hiện nay, tỉnh Kon Tum có hơn 90.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên (trong diện thu hút tham gia tổ chức hội); trong đó, phụ nữ dân tộc thiểu số chiếm khoảng 52%, phụ nữ tôn giáo chiếm khoảng 44,5%. Đời sống của hội viên, phụ nữ nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhiều chị em còn tự ti, an phận, chưa có ý chí tự lực, vươn lên thoát nghèo.
Xác định rõ vai trò, trách nhiệm của các cấp Hội trong hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, ngay từ đầu nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIII, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã tập trung nguồn lực cho hoạt động này, trong đó ưu tiên thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể để thu hút, tập hợp hội viên, phụ nữ, trong đó chú trọng vận động hội viên, phụ nữ nghèo, dân tộc thiểu số, tôn giáo tham gia.
Theo đó, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao nhận thức về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể; đưa chỉ tiêu giúp hộ phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững và thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể thành tiêu chí đánh giá thi đua hằng năm trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở; hỗ trợ các thành viên tham gia mô hình phát triển kinh tế tập thể được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi; đẩy mạnh công tác phối hợp với các cấp chính quyền và ban, ngành chức năng trong tuyên truyền, tập huấn và định hướng sử dụng vốn vay có mục đích gắn với các chương trình phát triển kinh tế của địa phương, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, ngành nghề phù hợp, các chương trình dạy nghề, chuyển giao công nghệ, khuyến nông, khuyến lâm, tìm đầu ra cho sản phẩm… Đến nay, các cấp Hội đã thành lập và duy trì hoạt động của 30 mô hình tổ liên kết/tổ hợp tác với hơn 1.000 hội viên phụ nữ tham gia sản xuất, kinh doanh, tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn.
Các gian hàng trưng bày sản phẩm của hội viên, phụ nữ tại sự kiện Đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp năm 2018. Ảnh: P.L
Đối với mô hình phát triển kinh tế tập thể do Hội LHPN tỉnh thành lập, bám sát chủ trương, định hướng phát triển cây dược liệu của tỉnh, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã thành lập tổ hợp tác phụ nữ dân tộc thiểu số trồng hồng đảng sâm tại 4 xã: Măng Ri, Tê Xăng của huyện Tu Mơ Rông và Mường Hoong, Ngọc Linh của huyện Đăk Glei với 256 thành viên và trên 17ha diện tích trồng hồng đảng sâm, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số.
Hội LHPN tỉnh đã kết nối với các tổ chức, doanh nghiệp như: Trung ương Hội, Hội Nữ doanh nhân Thành phố Hồ Chí Minh, Hội Nữ doanh nghiệp vừa và nhỏ thành phố Hà Nội hỗ trợ trên 600 triệu đồng để cung cấp giống cây, trang bị kiến thức khoa học kỹ thuật, kỹ năng điều hành hoạt động của Ban quản lý các tổ hợp tác; Công ty CP Xuất nhập khẩu nông sản và thực phẩm Việt Nam và Công ty CP Ứng dụng công nghệ cao Hoàng Linh đã ký kết hợp đồng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm hồng đảng sâm của các mô hình.
Từ những thành công bước đầu của mô hình phụ nữ dân tộc thiểu số trồng hồng đảng sâm, hiện nay Hội LHPN tỉnh đã kêu gọi được nguồn hỗ trợ từ Trung ương Hội, ngành chức năng, các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để thành lập mới 4 mô hình tổ hợp tác: trồng mì cao sản (tại xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy); nuôi heo lai lấy thịt (xã Đăk Nhoong, huyện Đăk Glei); nuôi heo sọc dưa địa phương (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi); trồng cây ăn quả (thôn Plei Sar, xã Ia Chim, thành phố Kon Tum) với tổng nguồn vốn hỗ trợ gần 800 triệu đồng, thu hút 90 hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số tham gia.
Hỗ trợ tìm thị trường và quảng bá cho sản phẩm của các mô hình, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức thành công Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2018; giới thiệu, quảng bá các sản phẩm của hội viên, phụ nữ sản xuất tại các sự kiện như: Đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số khởi nghiệp của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Triển lãm Sâm Ngọc Linh Kon Tum và các dược liệu khác của tỉnh Kon Tum, giao lưu giữa các ngân hàng nhà nước 8 tỉnh Tây Nguyên và miền Trung…
Nhìn chung, việc thành lập các mô hình kinh tế tập thể của các cấp Hội đã bước đầu thay đổi nhận thức, tư duy và thói quen sản xuất manh mún, nhỏ lẻ của hội viên, phụ nữ; tăng cường sự gắn kết giữa các thành viên để trao đổi kinh nghiệm và hợp tác liên kết phát triển sản xuất; tiếp cận với các tiến bộ khoa học kỹ thuật, các nguồn vốn đầu tư, cập nhật các thông tin, chính sách, kết nối thị trường tiêu thụ sản phẩm… để thoát nghèo bền vững và vươn lên làm giàu chính đáng. Đồng thời, đã phát huy tốt vai trò của các cấp Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình phát triển kinh tế – xã hội, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững.
Trần Thị Phong Lan-PL-HT