Vượt qua những khó khăn, thách thức, đội ngũ cán bộ giáo viên vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum đã âm thầm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, trong đó có thầy giáo Bế Văn Luân và cô giáo Phan Thị Lý.
Ngay từ khi là sinh viên sư phạm, thầy giáo Bế Văn Luân (sinh năm 1990, giáo viên Trường Tiểu học xã Đăk Na, Tu Mơ Rông) đã có nguyện vọng được công tác ở vùng sâu, vùng xa để cống hiến cho sự nghiệp giáo dục. Năm 2013, khi tốt nghiệp Cao Đẳng Sư phạm tiểu học, được phân về công tác tại Trường Tiểu học xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông, một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Kon Tum, thầy Luân có cơ hội để đạt được nguyện vọng của mình. 5 năm công tác cũng là khoảng thời gian thầy không ngại khó, không ngại khổ trong việc đến từng hộ gia đình, lên từng nương rẫy để vận động học sinh ra lớp, đến trường. Trong giảng dạy, thầy luôn tìm tòi, nghiên cứu bài giảng để giúp học sinh tiếp thu bài được tốt nhất. Nhờ vậy, nhiều học sinh do thầy dạy đạt thành tích học tập tốt. Thầy giáo Bế Văn Luân chia sẻ: “Theo đúng nguyện vọng của tôi khi ra trường là đi vùng sâu vùng xa, khi được phân công về trường tôi đã cống hiến hết mình giúp các em học tập tiến bộ, ngày càng học tốt hơn”.
Thầy giáo Bế Văn Luân hết lòng vì học sinh thân yêu
Cùng công tác ở Trường Tiểu học xã Đăk Na, cô giáo Phan Thị Lý (sinh năm 1992) có hơn 6 năm công tác tại điểm trường thôn Đăk Ríp. Đây là địa bàn cách trung tâm xã gần 3 km nhưng đường giao thông đi lại rất khó khăn, phần lớn bà con trong thôn thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo. Thương học sinh và quý bà con đồng bào Sê Đăng làng Đăk Ríp, cô giáo Phan Thị Lý luôn tận tâm, nhiệt tình dạy dỗ các em và thường xuyên động viên các bậc phụ huynh đưa con em đến trường. Theo đó, các em học sinh và cả đồng nghiệp đều dành cho cô nhiều tình cảm tốt đẹp. Cô giáo Mai Thị Tiên, điểm trường Đăk Ríp ghi nhận: “Cô Lý rất nhiệt tình trong công tác giảng dạy, đặc biệt nhà trường tin tưởng phân công cô dạy lớp 1 đã ba năm nay. Việc dạy lớp 1 các em còn nhỏ nên việc nắm các con chữ viết thế nào gặp nhiều khó khăn”.
Tại vùng đất gian khó, tình yêu đã nảy nở giữa thầy giáo Bế Văn Luân và cô giáo Phan Thị Lý. Năm 2016 họ tổ chức đám cưới và đã sinh cháu Phan Hạo Nhiên. Công tác và nuôi con nhỏ ở vùng đặc biệt khó khăn, vợ chồng thầy cô gặp không ít vất vả. Do không có điểm giữ trẻ ở thôn nên phải gửi con cho dân làng trong giờ lên lớp; đường giao thông cách trở nên việc đi lại khó khăn, nguồn nước sạch ở khu tập thể trường chưa đảm bảo… nhưng chính từ tình yêu nghề, vì tình cảm dành cho học sinh, thầy Luân cùng cô Lý đã cùng nhau vượt qua nhiều khó khăn, thách thức. Cô giáo Phan Thị Lý chia sẻ: “Vợ chồng tôi bảo ban nhau tất cả vì học sinh thân yêu, nhìn các em đến lớp được vui, được học vợ chồng tôi cảm thấy rất hạnh phúc, cùng nhau vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình”.
Trải qua 43 năm kể từ ngày quê hương Kon Tum được giải phóng, sự nghiệp giáo dục của tỉnh Kon Tum nói chung và tại các địa phương đặc biệt khó khăn nói riêng có nhiều khởi sắc. Thành quả này có sự đóng góp rất lớn của đội ngũ cán bộ, giáo viên qua các thế hệ, trong đó có vợ chồng thầy giáo Bế Văn Luân cùng cô giáo Phan Thị Lý.
Văn Hiển – Lê Đại
Nguồn: http://kontumtv.vn-HT