Với nhiều cách làm sáng tạo, thời gian qua, các cấp Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông đã thành lập được nhiều mô hình hay, thu hút hội viên phụ nữ tham gia để giúp nhau phát triển kinh tế, xoá đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường nông thôn, xây dựng gia đình hạnh phúc…, góp phần xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh việc duy trì các mô hình: “Đoạn đường phụ nữ tự quản”, “Hũ gạo tình thương”, “Vay vốn tiết kiệm”, từ đầu năm 2018 đến nay, các cấp Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông đã cho ra mắt các mô hình: Gia đình hội viên phụ nữ “Treo ảnh Bác Hồ”, “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi”, “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới”, “Làm men địa phương” và “Thu gom phân chuồng”…
Hoạt động của các mô hình trên nhìn chung đều mang lại hiệu quả thiết thực, trong đó, mô hình “Làm men địa phương” ở thôn Kon Ling (xã Đăk Hà) và mô hình “Thu gom phân chuồng” ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng) là hai trong số những mô hình được ghi nhận và đánh giá cao.
Chia sẻ về ý tưởng thành lập mô hình “Làm men địa phương”, chị Y Xuân – Tổ trưởng mô hình cho biết: Làm men để nấu rượu ghè là phong tục truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số nói chung và đồng bào Xơ Đăng ở thôn Kon Ling nói riêng. Men truyền thống được làm từ các nguyên liệu gạo tẻ, lá cây hái trong rừng…, bảo đảm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm. Để bảo tồn văn hóa truyền thống độc đáo này, tôi cùng 4 chị em hội viên trong chi hội phụ nữ thôn đã chọn mô hình để đăng ký thực hiện.
Chị Y Xuân đang giã gạo để làm mẻ bánh men mới
Theo chị Y Xuân, quy trình, cách thức làm men truyền thống rất tỉ mỉ, trải qua nhiều công đoạn, sau đó mới vo lại thành bánh, ủ gác bếp và phơi ngoài nắng khoảng 10 ngày mới thành sản phẩm. Sản phẩm men truyền thống làm ra được bán lại cho các hộ dân có nhu cầu làm rượu ghè trong làng và các làng lân cận. Tuy mô hình mới được xây dựng nhưng các thành viên đều đã có thành phẩm bán ra thị trường với giá 10.000 đồng/bánh men.
“Nhằm bảo tồn văn hóa truyền thống và giúp chị em phụ nữ có thêm nguồn thu nhập, thời gian sắp tới, chúng tôi sẽ kêu gọi thêm nhiều hội viên phụ nữ trong chi hội cùng tham gia mô hình, đặc biệt là các chị em trẻ tuổi – chị Y Xuân nói.
Chia sẻ ý tưởng thành lập mô hình “Thu gom phân chuồng” ở thôn Đăk Viên (xã Tê Xăng), chị Y Bắp – Chủ tịch Hội LHPN xã Tê Xăng bộc bạch: Xuất phát từ nhu cầu lấy phân chuồng để bón cây trồng, cũng như tạo cảnh quan sạch đẹp, bảo vệ môi trường nông thôn, tháng 2/2018, Hội LHPN xã Tê Xăng đã triển khai thí điểm mô hình “Thu gom phân chuồng” tại chi hội thôn Đăk Viên.
Mô hình đã phát động chị em phụ nữ đi thu gom và đóng góp nguồn phân chuồng để gây quỹ. Qua 8 tháng thực hiện, mô hình đã thu hút được 59 hội viên phụ nữ trong thôn Đăk Viên tham gia và phát động được 2 đợt gom phân chuồng với số lượng 445 bao phân trâu, bò. Nguồn phân chuồng đã được hội viên phụ nữ bán ra với số tiền hơn 11 triệu đồng. Toàn bộ số tiền trên đã giúp 2 hội viên trong chi hội có hoàn cảnh khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế gia đình.
Chị Y Bắp cho biết, nhờ nhận thức rõ về ý nghĩa của mô hình, các chị em hội viên, phụ nữ trong chi hội tham gia rất tích cực. Từ thành công của mô hình điểm, trong thời gian tới, Hội LHPN xã sẽ tiếp tục vận động nhân rộng mô hình ra chi hội các thôn Tu Thó, Đăk Sông và Tân Ba (xã Tê Xăng).
Đánh giá kết quả của các mô hình do hội phụ nữ cơ sở thành lập, chị Nguyễn Thị Vân – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông nhận xét: Hầu hết các mô hình đều mang lại ý nghĩa thiết thực và hiệu quả, đặc biệt là 2 mô hình “Làm men địa phương” và “Thu gom phân chuồng” đã phát huy được vai trò của phụ nữ trong tham gia xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông sẽ tiếp tục vận động hội phụ nữ các xã xem xét, vận động các chi hội phụ nữ thôn nhân rộng các mô hình hiệu quả, đẩy mạnh phong trào thi đua của phụ nữ đi vào chiều sâu, góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Bài, ảnh: Đức Thành
Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT