Dám từ bỏ công việc với mức lương ổn định để khởi nghiệp, chị Nguyễn Thị Thùy Anh (thôn 3, xã Đăk Mar, Đăk Hà, Kon Tum) đã thành công với mô hình sản xuất cà phê, tiêu theo hướng hữu cơ, mang lại nguồn thu nhập hơn 30 triệu đồng/tháng.
Chị Nguyễn Thị Thùy Anh chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp
Hơn 8 năm làm trong ngành Ngân hàng, năm 2014, chị Nguyễn Thị Thùy Anh đã quyết định từ bỏ công việc mình yêu thích để xây dựng mô hình sản xuất cà phê, tiêu theo hướng hữu cơ. Chị Nguyễn Thị Thùy Anh chia sẻ: “Động lực của mình là mình cảm thấy mình sinh ra trong môi trường này, điều kiện này rất thuận lợi để mình phát triển những sản phẩm nông nghiệp, công nghiệp ở địa phương. Mình nghĩ như vậy là mình thực hiện”.
Dám nghĩ, dám làm và hơn hết là đam mê với cây cà phê, cây tiêu trên vùng đất quê hương, chị Nguyễn Thị Thùy Anh đã vượt qua khó khăn, thử thách để làm cho bằng được quy trình sản xuất cà phê, tiêu theo hướng hữu cơ. Hiện nay, chị đã có 8 ha cà phê cho năng suất bình quân hơn 40 tấn cà phê nhân/năm và 1.000 trụ tiêu cho năng suất hơn 2 tấn khô/năm. Chị Thùy Anh nói: “Tiêu chí đầu tiên của mình là sản phẩm phải sạch, hai là sản phẩm phải thực sự thuần organic, để mình có một cái điểm gì đó nó nổi trội so với những sản phẩm ngoài thị trường đang có. Bắt đầu cách đây trước 4 năm là vườn cây của mình đã hạn chế bón phân hóa học, chủ yếu là bón phân hữu cơ. Ở vùng mình đây rất thuận lợi để có phân hữu cơ để bón, đi mua phân bò, phân gà hoặc vỏ cà phê ủ với chế phẩm sinh học tạo ra phân hữu cơ rất là dễ”.
Trăn trở trước việc bán cà phê thô mang lại lợi nhuận thấp, chị Nguyễn Thị Thùy Anh đã tìm cách học hỏi ở rất nhiều nơi về quy trình, kinh nghiệm chế biến cà phê bột. Năm 2019 này, chị đã quyết định đầu tư máy móc chế biến cà phê bột mang thương hiệu Bana’A. Hiện nay, mỗi tháng chị xuất ra thị trường gần 1 tấn cà phê bột, mang lại lợi nhuận hơn 30 triệu đồng/tháng. Chị Thùy Anh cho biết: “Với việc sản xuất của mình bây giờ thì còn đang trong giai đoạn đầu tư xây dựng cơ bản thì thực sự những tiền mình thu lại mình đang tái đầu tư. Nên đồng tiền thừa bây giờ không có, nhưng khi đã làm được cà phê, một quy trình từ A đến Z thì thực sự lợi nhuận thu lại cao hơn so với chế biến nguyên liệu thô xong mình bán cho người khác. Mình thấy đây là một hướng sẽ mang lại nguồn thu nhập tốt cho gia đình sau này”.
“Chị Anh là gương phụ nữ khởi nghiệp tốt, chúng tôi sẽ nhân rộng ra đối với các chị khác nữa trong các chi hội. Chị đã sáng tạo mọi công việc, từ khởi nghiệp ban đầu chị đã có sự sáng tạo rồi, chị đam mê với khởi nghiệp của mình, đam mê ngành mình đã chọn. Không chỉ tốt về khởi nghiệp mà mọi công tác hội khi chúng tôi triển khai thì chị đã thực hiện tốt mọi phong trào thi đua, nhiệm vụ trọng tâm của hội”. Chị Mai Thị Lý, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà ghi nhận.
Bằng ý chí và nghị lực vươn lên, chị Nguyễn Thị Huyền Anh là một trong những điển hình trong phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn huyện Đăk Hà.
Ngọc Chí – Huỳnh Đại
Nguồn: http://kontumtv.vn