Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Đại đoàn kết dân tộc không chỉ là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của Đảng mà còn là mục tiêu, nhiệm vụ hàng đầu của cả dân tộc”, thấm nhuần lời dạy của Người, trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội phụ nữ tỉnh Kon Tum không ngừng đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền,vận động, tập hợp thu hút hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo, góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh.
Với đặc thù của tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, có hơn 56% dân số là người dân tộc thiểu số, 40% tỷ lệ giáo dân (Công giáo, Tin Lành, Phật giáo và Cao Đài), do vậy ngay từ đầu nhiệm kỳ, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã xác định công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, là điều kiện tiên quyết trong triển khai thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh lần thứ XII. Và điều đó càng được khẳng định rõ ràng hơn khi Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam ban hành Nghị quyết số 06/NQ-BCH, ngày 19 tháng 2 năm 2014 về “Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong tình hình hiện nay”.
Với quan điểm “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, trước hết các cấp Hội đã tập trung nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ Hội cơ sở, xây dựng tổ chức cơ sở Hội vùng dân tộc thiểu số, có đạo vững mạnh. Để làm được điều này Hội LHPN tỉnh đã phát huy tối đa vai trò, trách nhiệm của đội ngũ ủy viên Ban Chấp hành chuyên trách trong việc phân công phụ trách từng địa bàn. Triển khai thực hiện có hiệu quả Quy chế định đi cơ sở và đăng ký thực hiện trách nhiệm nêu gương của cán bộ Hội chuyên trách trong học tập và làm theo Bác. Qua đó vai trò, trách nhiệm của cán bộ Hội, hội viên nòng cốt đã được cụ thể hơn thông qua việc chủ động xây dựng lịch đi cơ sở nắm bắt tình hình tư tưởng và tham gia sinh hoạt tại các chi hội phụ nữ DTTS, chi hội có đông phụ nữ tôn giáo và giúp tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc tại cơ sở, nhất là công tác tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số theo đạo Thiên chúa giáo thực hiện kế hoạch hóa gia đình để giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên, thành lập các mô hình tiết kiệm… Đồng thời, tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ Hội tại các vùng đặc thù dân tộc, tôn giáo, đưa nội dung tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trở thành một trong những chuyên đề thường xuyên của các lớp Bồi dưỡng nghiệp vụ công tác Hội hàng năm.
Cùng với việc nâng cao vai trò, trách nhiệm, gương mẫu đi đầu của đội ngũ cán bộ Hội các cấp, đội ngũ cộng tác viên vùng DTTS, có đạo đã phát huy vai trò tích cực của mình trong công tác nắm bắt tại các điểm nóng, tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ dân tộc thiểu số, tôn giáo thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo; nâng cao ý thức, tinh thần cảnh giác trước âm mưu của các thế lực thù địch; tích cực tham gia vận động đấu tranh xóa bỏ “tà đạo Hà Mòn”; giúp Hội LHPN xã nắm bắt kịp thời và phản ánh cho cấp ủy Đảng, chính quyền giải quyết những vấn đề liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ; tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước của Hội, của địa phương. Nhiều chị đã thực sự là tấm gương sáng cho hội viên, phụ nữ noi theo tiêu biểu như: chị Y Piên, Y Bden (huyện Sa Thầy), Quách Thị Tám trong công tác xây dựng tổ chức Hội cơ sở, chị Y Đai (thành phố Kon Tum ) trong tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ thực hiện phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình…
Tập trung đổi mới nội dung, phương thức tuyên truyền, vận động, tập hợp phụ nữ vùng dân tộc thiểu số, có đạo tham gia tổ chức Hội. Trong nhiệm kỳ qua, các cấp Hội đã tổ chức tuyên truyền với nhiều hình thức sáng tạo, đa dạng, thiết thực, phù hợp với đặc thù văn hóa tín ngưỡng của địa phương như tổ chức các buổi sinh hoạt văn hóa văn nghệ tôn vinh các loại hình nghệ thuật của dân tộc tại địa phương, sử dụng tiếng của người dân tộc tại chỗ trong sinh hoạt Hội, phối hợp với các tổ chức tôn giáo, chức sắc tôn giáo, những người có uy tín trong cộng đồng, khai thác các điểm tương đồng của giáo luật, giáo điều với nhiệm vụ, mục tiêu của Hội trong tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ chấp hành đúng chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
Việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội các cấp đã góp phần nâng sự đổi mới phương thức hoạt động, đa dạng hình thức tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ dân tộc, tôn giáo. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng các loại hình truyền thông cộng đồng, các cấp Hội chủ động phối hợp với cấp ủy, chính quyền và lực lượng chức năng đã thuyết phục, giáo dục có hiệu quả đối với những hội viên, phụ nữ bị các thế lực thù địch lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo kích động tổ chức tụ tập đông người, gây rối công cộng, tranh chấp đất đai… Tiêu biểu như đã vận động 38/42 hội viên, phụ nữ về nhận nhà và đất sản xuất khu tái định cư tại thôn Đăk Wớt, xã Hơ Moong (huyện Sa Thầy); tranh chấp đất đai, giải phóng mặt bằng tại khu tái định cư giãn dân xã Hòa Bình (tp Kon Tum); mâu thuẫn trong việc chia phần trăm mủ cao su giữa một số hộ dân tại xã Sa Sơn và thị trấn Sa Thầy (huyện Sa Thầy) với Nông trường cao su Sa Sơn (huyện Sa Thầy); xã Ngọc Bay, Ya Chim, hòa Bình, Đăk Cấm (tp Kon Tum), xã Đăk Nên (huyện Kon PLông); đã tuyên truyền, vận động 804/938[1] hội viên, phụ nữ tin theo “tà đạo Hà Mòn” quay về sinh hoạt tôn giáo chính thống…
Song song với công tác tuyên truyền, trong 5 năm qua, các cấp Hội đã triển khai nhiều hoạt động nhằm phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo trong công tác xóa đói giảm nghèo như hỗ trợ vay vốn phát triển kinh tế gia đình, phối hợp dạy nghề, giới thiệu việc làm, triển khai hiệu quả phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình“. Nhằm tạo điều kiện hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số, phụ nữ có đạo nghèo được tiếp cận các nguồn vốn phát triển kinh tế gia đình, Hội đã chú trọng thực hiện tốt hoạt động phối hợp với Ngân hàng CSXH, Ngân hàng Nông nghiệp và các nguồn tín dụng khác để chị đã được tín chấp vay vốn phát triển kinh tế gia đình. Qua đó nhiều chị em đã thay đổi được cách nghĩ, cách làm, dần dần xóa bỏ tư tưởng mặc cảm, tự ti, ỷ lại, nhiều hộ gia đình đã thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng. Nhiều chị em đã thực sự trở thành tấm gương điển hình vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng được biểu dương tiêu biểu như chị Y Bắp, Y HLạng (huyện Tu Mơ Rông), Y Ró (huyện Kon PLong)…
Với sự nỗ lực không ngừng của các cấp Hội, công tác tuyên truyền, vận động phụ nữ dân tộc, tôn giáo ngày càng đi vào chiều sâu, góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng hoạt động của công tác Hội và phong trào phụ nữ, khẳng định vai trò vị thế của Hội trong thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng, xây dựng hệ thống chính trị cơ sở vững mạnh./.
Đồng chí Đoàn Thị Thường
Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh- MT
[1] Số liệu được tính từ năm 2012 đến tháng 12/2015