Đến thôn Dục Nhầy 3 (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi), tôi được nghe về chị Y Chi (46 tuổi, người Giẻ -Triêng) không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn tích cực giúp đỡ hộ gia đình khác cùng tiến bộ.

Qua sự giới thiệu của chị Y Chon – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Dục, tôi tìm đến nhà chị Y Chi. Trong căn nhà cấp 4 khang trang, chị Y Chi kể về câu chuyện vượt khó lập nghiệp của mình.

Cũng như nhiều người con gái Giẻ – Triêng khác, chị Y Chi lập gia đình sớm và lần lượt sinh hai người con rồi bố mẹ cho ra ở riêng. Tài sản của vợ chồng chị lúc đó chỉ có căn nhà tạm, vách nứa và vài sào đất bố mẹ cho làm quà cưới. Cuộc sống gia đình chị khi mới ra ở riêng gặp nhiều khó khăn, cơm ăn không đủ no, áo mặc không đủ ấm…

“Không để khó khăn bó buộc, tôi cùng chồng khai hoang mở rộng đất sản xuất. Từ hơn 6 sào đất ban đầu, tôi khai hoang, mở rộng diện tích đất lên 2ha để trồng mì. Cuộc sống gia đình dần dần ổn định” – Chị Y Chi tâm sự.

20200906162016chuyen-doi-co-cau-cay-trong-theo-huong-ben-vung-giup-kinh-te-gia-dinh-chi-ngay-cang-phat-trien.

Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng, kinh tế gia đình chị Y Chi ngày càng phát triển. Ảnh: V.T

Tuy nhiên, sau nhiều năm canh tác, đất trồng mì bạc màu, hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2005, trong một lần sang nhà người bạn ở Đăk Lăk chơi, thấy người dân nơi đây làm giàu từ cà phê, từ đó vợ chồng chị chuyển đổi đất mì sang trồng 2ha cà phê.

“Thấy tôi trồng cà phê, ban đầu bà con trong xã ai cũng cười. Bà con cho rằng, cà phê là cây công nghiệp khó tính, đòi hỏi kỹ thuật cao, lâu thu hoạch, mùa khô phải thường xuyên tưới nước. Tôi biết điều này và tự tìm hiểu các kiến thức trồng cà phê qua sách, báo, các chương trình trên tivi và kinh nghiệm từ bạn bè rồi áp dụng vào sản xuất”- chị Y Chi chia sẻ.

Từ khi cà phê cho thu hoạch, hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình chị lãi ròng trên 50 triệu đồng từ cà phê. Năm 2009, xem trên ti vi thấy nhiều người làm giàu từ cao su, chị mày mò tìm hiểu kỹ thuật và mua thêm đất trồng 2ha cao su.

Sau nhiều năm cần cù, chịu khó chăm sóc, vườn cao su xanh tốt. Cây cao su được chị đưa vào khai thác đúng độ tuổi và trở thành nguồn thu nhập chính. Trừ mọi chi phí, vợ chồng chị lãi ròng hơn 120 triệu đồng/năm từ cao su.

Hàn huyên chuyện sản xuất, chị Y Chi cho biết: Gia đình tôi còn nuôi heo lai hơn 15 năm rồi. Hồi trước nuôi ít, chủ yếu là heo nái, bây giờ nuôi thêm heo thịt. Trong làng, ai muốn nuôi heo lai, tôi đều chỉ họ cách nuôi, chọn con giống, cách xây chuồng trại và phòng chống dịch bệnh.

20200906162115chi-y-chi-chuan-bi-cho-heo-an.

Chị Y Chi chăm sóc đàn heo. Ảnh: VT

Dẫn tôi ra thăm chuồng heo, chị Y Chi cho biết: Trước đây, chị nuôi heo, nhưng ở quy mô nhỏ. Từ năm 2017, vay 50 triệu đồng Ngân hàng Chính sách xã hội cùng với số tiền tích lũy, chị đầu tư 100 triệu đồng xây dựng hệ thống chuồng trại nuôi heo quy mô theo hướng công nghiệp. Hiện nay, chị đang nuôi 40 con heo nái và heo thịt.

Chị Y Dom (láng giềng với chị Y Chi) đánh giá cao heo giống do chị Y Chi cung cấp. Y Dom khoe: Heo giống của chị Y Chi bán khỏe và mau lớn. Nhờ có Y Chi mà nhiều người trong làng học hỏi thêm kỹ thuật nuôi heo, trồng cà phê và cao su.

Không riêng gì Y Dom, chị Y Dêng cùng làng cũng xem chị Y Chi như ân nhân của mình. Y Dêng kể: Học theo chị Y Chi, gia đình tôi chuyển từ trồng mì sang cao su. Cây cao su của gia đình đi vào kinh doanh và cho thu nhập hơn 100 triệu đồng/năm. Gia đình tôi rất biết ơn chị Y Chi.

Các con chị Y Chi học nhiều từ tính cần cù, chịu khó của chị và ai cũng ngoan, lo học, lo làm. Người con trai lớn sau khi học xong 12, vào tỉnh Bình Dương học nghề, về nhà lập gia đình và đang phụ giúp chị sản xuất. Cháu gái út thì tốt nghiệp Đại học An ninh nhân dân, ra trường năm ngoái và hiện đang công tác tại Công an huyện Ngọc Hồi.

Đánh giá về hội viên, chị Y Chon cho hay: Nhờ cần cù, chịu khó làm ăn, gia đình chị Y Chi đã trở thành hộ khá giả trong xã, có của ăn của để . Chị Y Chi xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều chị em phụ nữ trong xã học hỏi theo.

Văn Tùng. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT