“Tôi nhận thấy Hợp tác xã (HTX) cộng đồng phụ nữ Đăk Viên (xã Tê Xăng, huyện Tu Mơ Rông) có tiềm năng, không chỉ về tinh thần tham gia của các thành viên, mà còn bởi sản phẩm sâm dây ở đây luôn có những lợi thế nhất định khi tiếp cận thị trường. Nếu có sự đầu tư hợp lý, tương lai sản phẩm này có thể đạt tiêu chuẩn hạng 3 sao và phát triển lên hạng 4 sao trong Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP)” – Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn, cố vấn cao cấp Chương trình OCOP quốc gia đánh giá.

Xuất phát từ lợi thế, tiềm năng của địa phương, HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên được thành lập với mục tiêu hỗ trợ, giúp đỡ các thành viên hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả từ sâm dây. Sau khi thành lập và đi vào hoạt động, HTX thu hút  30 thành viên tại thôn Đăk Viên tham gia với tổng vốn điều lệ 671 triệu đồng. Thông qua mô hình phát triển cây dược liệu này, HTX tạo việc làm ổn định cho hội viên phụ nữ, tăng thu nhập và góp phần thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Ơn nhìn nhận: “Đối với một HTX được thành lập tại vùng đồng bào DTTS, nguồn vốn điều lệ lên tới 671 triệu đồng là một con số không hề nhỏ, chưa kể đa phần các thành viên trong HTX đều là phụ nữ. Điều này có thể hiểu, mỗi thành viên trong HTX đều rất nghiêm túc, ý thức được vai trò và trách nhiệm của bản thân với mô hình. Với nguồn vốn này, HTX có thể đáp ứng được điều kiện cần trước mắt là xây dựng một nhà xưởng với quy mô phù hợp. Qua đó, HTX có thể sản xuất, chế biến dược liệu đáp ứng với quy chuẩn của Chương trình OCOP Quốc gia, cho ra những sản phẩm có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế. Trong vai trò là cố vấn kỹ thuật của dự án HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên, tôi sẽ tiếp tục tư vấn, định hướng về đầu ra của sản phẩm, cũng như kế hoạch kinh doanh dài hơi để tận dụng hết được thế mạnh của địa phương”.

20201206165140cac-thanh-vien-htx-cong-dong-phu-nu-dak-vien-phan-khoi-trong-sam-day.-2-

Các thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên phấn khởi trồng sâm dây. Ảnh: T.T

Được biết, để chuẩn bị cho HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên đi vào hoạt động, năm 2017, Hội LHPN tỉnh phối hợp cùng tổ chức CARE quốc tế tại Việt Nam triển khai xây dựng thương hiệu cho sản phẩm sâm dây và tổ chức các lớp nâng cao kiến thức, kỹ năng cho hội viên phụ nữ tại thôn Đăk Viên. Nhờ làm tốt công tác chuẩn bị, đến nay, đa số hội viên phụ nữ trên địa bàn thôn đều đã nắm vững kiến thức, hiểu rõ về mô hình và yêu cầu về quy cách, chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, hội viên còn được hỗ trợ về nguồn giống và các điều kiện cơ bản để thực hiện mô hình phát triển sâm dây của HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên.

Chị Trần Thị Phong Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Việc phát triển kinh tế tại các vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh đa phần đều mang tính chất nhỏ lẻ, từng hộ gia đình. Điều này đem lại những khó khăn nhất định, khi những cá nhân này không đủ tiềm năng và sức lực để sản xuất quy mô lớn. Bởi vậy, họ khó có thể vươn xa, mà đa phần đều chỉ dừng lại ở quy mô nhỏ lẻ, trong tầm địa phương… Chính vì vậy, việc thành lập các HTX là điều kiện cần thiết, bởi có thể huy động được sức lực và nguồn vốn của tập thể để đưa mô hình, sản phẩm đi xa hơn. Thông qua HTX, chúng tôi mong muốn có thể góp phần thay đổi cách nghĩ, nếp sống của đồng bào DTTS trong đời sống sinh hoạt và phát triển kinh tế; loại bỏ suy nghĩ trông chờ, ỷ lại vào các chính sách hỗ trợ của Nhà nước.

Sâm dây là loại cây dược liệu có tác dụng bồi bổ cơ thể, với hàm lượng chất saponin có thể phòng được một số loại bệnh, do vậy được người tiêu dùng ưa chuộng, nhất là sản phẩm có chất lượng đảm bảo và xuất xứ nguồn gốc rõ ràng. Thông qua mô hình HTX, các hội viên phụ nữ thôn Đăk Viên có thể liên kết để sản xuất được lượng sâm dây vừa nhiều, vừa có chất lượng nhằm đáp ứng được nhu cầu người tiêu dùng.

Chị Y Gian, thành viên HTX cộng đồng phụ nữ Đăk Viên phấn khởi khoe: So với mì, bời lời, thì sâm dây trồng dễ hơn. Ai cũng hài lòng khi tham gia HTX, bởi giá trị của các sản phẩm từ sâm dây cho hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn với những loại cây trồng khác. Nhờ các lớp tập huấn, mình đã biết cách trồng, chăm sóc sâm dây sao cho hiệu quả. Thay vì đào củ sớm và bán dần ít một như trước đây, bây giờ trồng sâm dây mình sẽ đợi củ từ 1 – 2 năm mới thu hoạch. Lúc đó sâm dây sẽ cho củ to, đồng thời nguồn lá thu hoạch cũng chất lượng hơn”.

Việc khai thác tiềm năng phát triển sâm dây ở HTX cộng đồng phụ nữ thôn Đăk Viên đã cho thấy hiệu quả bước đầu. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện tại, HTX đang cần sự hỗ trợ của chính quyền về nguồn lực để đứng vững và phát triển sản xuất hiệu quả theo hướng bền vững.

Tất Thành. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT