Bên hành lang Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đang diễn ra tại Hà Nội, đồng chí Hà Thị Nga, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, đại biểu Khối các cơ quan Trung ương, cho biết, dự thảo văn kiện Đại hội có những nội dung rất rõ về vai trò phụ nữ và bình đẳng giới. Đây là cơ hội mà phụ nữ phải nắm lấy.
Trên 4.200 cán bộ nữ được giới thiệu và bầu trúng sau Đại hội Đảng ở 3 cấp
Ngày 27/1, trả lời phỏng vấn của phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam bên lề Đại hội Đảng, đồng chí Hà Thị Nga cho biết:
Một trong những thành công của công tác chỉ đạo Đại hội Đảng các cấp thời gian qua là tỷ lệ phụ nữ tham gia cấp ủy ở 3 cấp tăng cả về số lượng và chất lượng. Cụ thể, ở ấp cơ sở, tỷ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy đạt 21% – tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Đối với cấp trên cơ sở, tỷ lệ này đạt tỷ lệ 17% – cũng tăng 2% so với nhiệm kỳ trước. Đặc biệt với các Đảng bộ trực thuộc Trung ương, tỷ lệ này là 16% – tăng 3% so với nhiệm kỳ trước.
Chúng tôi cũng hết sức vui mừng khi ở cả 3 cấp, có trên 4.200 cán bộ nữ được giới thiệu và bầu trúng các chức vụ chủ chốt trong Đảng, chính quyền ở cả 3 cấp.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga trao đổi với phóng viên Báo Phụ nữ Việt Nam bên lề Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII sáng 27/1.
Có được kết quả này, trước hết là chúng tôi nhận thấy sự quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo của Ban chấp hành Trung ương, Ban Bí thư, Bộ chính trị; thứ hai là quyết tâm chính trị cao, tinh thần trách nhiệm và nghiêm túc của cấp ủy đảng trong việc thực hiện chỉ thị 35 của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Đặc biệt, đây là kết quả của sự trưởng thành, nỗ lực rất lớn trong việc vượt qua rào cản, định kiến giới của đội ngũ cán bộ nữ. Nhờ những nỗ lực ấy, các chị có thể khẳng định được vai trò, vị trí và năng lực trong thực hiện nhiệm vụ cụ thể của mình ở các lĩnh vực.
Phụ nữ cần được chia sẻ, hỗ trợ để phát huy năng lực
PV: Trong các dự thảo báo cáo văn kiện Đại hội Đảng lần này, theo đồng chí đâu là những nội dung thể hiện rõ về các vấn đề liên quan đến nữ giới để khi trở thành văn kiện Đại hội, vai trò, vị trí và đời sống của phụ nữ sẽ được tiếp tục nâng cao?
Đồng chí Hà Thị Nga: Theo tôi, văn kiện Đại hội lần này có nhiều nội dung được quan tâm rõ như: Thực hiện mục tiêu về bình đẳng giới, đặc biệt là phụ nữ tham chính, các vấn đề về an sinh xã hội trong đó có đối tượng phụ nữ như phụ nữ di cư, phụ nữ nông thôn…
Một trong những khâu đột phá chiến lược được Đại hội đặt ra chính là nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực nữ để tham gia thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển của đất nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới và giai đoạn dài hơn.
Với Đại hội lần này, tôi cho rằng cơ hội và điều kiện của phụ nữ đã được xác định rõ. Vấn đề là làm sao để phụ nữ phát huy được vai trò thông qua việc tham gia các vấn đề của đất nước trong đề xuất chính sách đối với phụ nữ ở các lĩnh vực đặc thù.
Bên cạnh nỗ lực tự thân của phụ nữ nữ, chúng tôi mong muốn các cấp ủy đảng, chính quyền dành sự quan tâm thỏa đáng hơn nữa để phụ nữ được tiếp cận kiến thức, từ giáo dục phổ thông đến các cấp học cao hơn, đặc biệt là quy hoạch đào tạo bồi dưỡng cán bộ nữ để làm sao cán bộ nữ có các yếu tố cần và đủ để họ vững vàng tham chính, cống hiến tốt nhất tài năng, trí tuệ, sức sáng tạo của mình cho sự phát triển đất nước trong thời gian sắp tới.
PV: Theo đồng chí, đâu là những khó khăn thách thức mà phụ nữ vẫn còn đang phải đối mặt trong lĩnh vực tham chính?
Đồng chí Hà Thị Nga: Phụ nữ tham chính là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm không chỉ trong nước mà còn quốc tế. Một trong những cam kết của Việt Nam với quốc tế trong việc thực hiện bình đẳng giới là nâng cao tỷ lệ phụ nữ tham chính. Tuy nhiên trên thực tế, tỷ lệ này chưa đạt được như kỳ vọng. Phụ nữ còn gặp khó khăn và rào cản như: định kiến giới, sự quan tâm chia sẻ của đồng nghiệp, của người quản lý trực tiếp… Một thách thức nữa đối với phụ nữ là phải làm tròn hai vai, vừa là vợ, là mẹ, vừa phải hoàn thành tốt công việc quản lý, chuyên môn.
Trong dự thảo văn kiện Đại hội có một mục nói về vai trò của phụ nữ, trong đó có nội dung xây dựng người phụ nữ hiện đại, nhất là trong bối cảnh đất nước hội nhập hiện nay. Theo tôi đây là một trong cơ hội mà phụ nữ phải nắm lấy. Chúng ta phải vừa cân đối hài hòa giữa việc thực hiện thiên chức làm vợ, làm mẹ và quỹ thời gian để đào tạo nâng cao kỹ năng, kiến thức, kinh nghiệm để hoàn thành hai vai.
Để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình, phụ nữ cần nhận được chia sẻ từ gia đình, từ lãnh đạo cấp ủy, chính quyền địa phương, người sử dụng lao động… để họ có điều kiện cơ hội phát huy tốt vai trò, đồng nghĩa với việc thực hiện tốt cam kết về bình đẳng giới và sự tiến bộ của phụ nữ trong thời gian tới.
Mong muốn của chúng tôi là phụ nữ được quan tâm nhiều hơn để có thêm các dịch vụ, qua đó giúp họ giảm bớt áp lực về gánh nặng gia đình, có điều kiện tham gia các khóa đào tạo, củng cố kiến thức, có thêm kỹ năng tốt hơn… Đây chính là những tiền đề, điều kiện để giúp phụ nữ tham chính tốt hơn. Bên cạnh sự nỗ lực của Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam, chúng tôi hi vọng nhận được sự quan tâm của các ngành, các cấp và tổ chức quốc tế trong việc tạo thêm điều kiện cơ hội cho phụ nữ tiếp thục hoàn thiện kỹ năng, tự tin thực hiện nhiệm vụ và có cơ hội tham chính tốt hơn.
PV: Xin đồng chí chia sẻ về kỳ vọng của mình vào Đại hội Đảng lần này?
Đồng chí Hà Thị Nga: Tôi kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ tiếp tục quan tâm và sáng suốt lựa chọn Ban chấp hành Trung ương khóa mới đủ điều kiện, sức mạnh để tiếp tục lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sắp tới. Đặc biệt, tôi mong muốn là các đại biểu quan tâm để tỷ lệ cán bộ nữ tham gia vào Ban chấp hành Trung ương khóa này được tăng lên, đạt được tỷ lệ như mong muốn. Theo đó, cán bộ nữ sẽ tham gia tích cực trong thực hiện, cụ thể hóa nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII vào cuộc sống, góp phần thực hiện cam kết của Việt Nam với quốc tế về mục tiêu bình đẳng giới và vì sự tiến bộ của phụ nữ.
PV: Xin trân trọng cám ơn đồng chí!
Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT