Nền móng của mối quan hệ hữu nghị đặc biệt Việt Nam – Lào
Quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào phát triển từ mối quan hệ truyền thống, do Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Chủ tịch Souphanouvong, Chủ tịch Kaysone Phomvihane và các nhà lãnh đạo cách mạng của hai nước xây dựng nền móng, dày công vun đắp, được các thế hệ lãnh đạo, các chiến sĩ cách mạng và nhân dân hai nước phát triển thành mối quan hệ thủy chung, trong sáng, đặc biệt, mẫu mực, hiếm có, là tài sản vô giá của nhân dân hai nước. Mối quan hệ đặc biệt giữa hai dân tộc là thành quả trực tiếp của cách mạng hai nước và đều bắt nguồn từ một lãnh tụ chung là Chủ tịch Hồ Chí Minh. Các văn kiện chính thức của Đảng và Nhà nước Lào đều viết Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đầu tiên tìm ra con đường cứu nước cho cả ba dân tộc trên bán đảo Đông Dương, là người đầu tiên truyền bá chủ nghĩa Mác – Lê-nin vào Đông Dương; tạo nên môi trường chính trị góp phần hình thành và rèn luyện những người cộng sản đầu tiên để trở thành những nhà lãnh đạo đầu tiên của Cách mạng Lào.
Sau khi tách ra theo Nghị quyết của Đại hội II Đảng Cộng sản Đông Dương năm 1951 để thành lập ở mỗi nước Đông Dương một đảng riêng, Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Lào vẫn tiếp tục giữ mối quan hệ mật thiết và luôn luôn giúp đỡ nhau trong sứ mệnh lãnh đạo cách mạng, giải phóng dân tộc ở hai nước trước đây, cũng như trong sự nghiệp bảo vệ và xây dựng đất nước ngày nay. Điểm nổi bật là cả hai dân tộc Việt Nam và Lào đã cùng chiến đấu, cùng giành thắng lợi trong cùng thời điểm của các chặng đường lịch sử cách mạng: Năm 1945, hai nước cùng giành được chính quyền, năm 1954 cùng đánh bại thực dân Pháp, năm 1975 cùng giành chiến thắng trong kháng chiến chống Mỹ, hoàn thành cuộc cách mạng giải phóng dân tộc và cùng tiến hành công cuộc đổi mới trong gần 35 năm qua. Mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước là mối quan hệ thủy chung, trong sáng, tôn trọng lẫn nhau, hết lòng giúp đỡ nhau vô tư, chí tình, chí nghĩa. Trải qua gian nan thử thách suốt hai phần ba thế kỷ, mối quan hệ đó không hề rạn nứt, cũng không bị phá vỡ cho dù các thế lực thù địch ra sức chống phá, mà ngược lại ngày càng son sắt, bền chặt. Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Choummaly Sayasone đã khẳng định: “Trong lịch sử quan hệ quốc tế đã có nhiều mô hình kiểu mẫu về tình đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc, nhưng mối quan hệ gắn bó keo sơn, sống chết có nhau và luôn sẵn sàng hết lòng và chân thành hỗ trợ giúp đỡ lẫn nhau, thủy chung trong sáng như mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam là mối quan hệ có một không hai trên thế giới, là tài sản vô giá của hai dân tộc chúng ta”(1).
Sau khi Hiệp định Giơnevơ về Lào được ký kết vào tháng 9-1962, Việt Nam và Lào đã nhất trí thiết lập quan hệ ngoại giao, mở ra một chương mới trong sự nghiệp củng cố và phát triển hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong quan hệ hai nước là Đoàn đại biểu cấp cao của Đảng và Chính phủ Việt Nam do Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thủ tướng Phạm Văn Đồng dẫn đầu sang thăm hữu nghị chính thức Lào từ ngày 15 đến ngày 18-7-1977. Hai bên trao đổi ý kiến về các vấn đề quốc tế quan trọng cùng quan tâm, cũng như các vấn đề nhằm phát triển mối quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, trên cơ sở đáp ứng nguyện vọng và lợi ích của hai dân tộc trong sự nghiệp bảo vệ độc lập dân tộc và xây dựng chủ nghĩa xã hội. Trong chuyến thăm này, hai nước chính thức ký kết các Hiệp ước đánh dấu bước ngoặt mới trong quan hệ giữa hai nước, bao gồm: Hiệp ước hữu nghị và hợp tác giữa Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; Hiệp ước hoạch định biên giới quốc gia giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào; và ra Tuyên bố chung về tăng cường sự tin cậy và hợp tác lâu dài giữa hai nước. Việc ký kết các hiệp ước này còn mang ý nghĩa quốc tế quan trọng, nêu cao tinh thần quốc tế trong sáng giữa hai nước và phát huy ảnh hưởng tích cực trong khu vực.
Tại lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh (tháng 5-1990), Tổng Bí thư Đảng Nhân dân Cách mạng Lào, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Kaysone Phomvihane đánh giá: “Trong lịch sử cách mạng thế giới đã có nhiều tấm gương sáng chói về tinh thần quốc tế vô sản, nhưng chưa ở nơi đâu và chưa bao giờ có tình đoàn kết, liên minh chiến đấu đặc biệt, lâu dài, toàn diện như quan hệ Việt Nam – Lào… Trong hơn nửa thế kỷ qua, nhiều thế hệ con em của nhân dân Việt Nam đã sang giúp nhân dân Lào chiến đấu giành độc lập, tự do và xây dựng cuộc sống mới hướng tới ấm no, hạnh phúc. Nhiều đồng chí đã cống hiến cả cuộc đời để phục vụ cách mạng Lào, coi Lào như Tổ quốc thứ hai của mình. Trên khắp mọi miền của đất nước Lào, máu của các chiến sĩ Việt Nam đã hòa quyện với máu của các cán bộ, đảng viên, chiến sĩ và nhân dân Lào. Nhân dân Lào cũng đã hy sinh biết bao xương máu góp phần vào việc tăng cường và củng cố mối quan hệ đặc biệt thiêng liêng đó… Để thực hiện Di huấn của Bác Hồ, để xứng đáng với xương máu của biết bao liệt sĩ, anh hùng, với bao dòng nước mắt của những bà mẹ, người chị, bao công sức và tâm huyết của đồng bào, đồng chí hai nước chúng ta, chúng tôi nguyện cùng nhân dân Việt Nam giữ gìn mãi mãi tình đoàn kết đặc biệt đó”.
Năm 1991, Việt Nam và Lào đã ký kết nhiều hiệp định hợp tác quan trọng nhằm tăng cường quan hệ hữu nghị giữa hai dân tộc. Năm 1992, Ủy ban Hợp tác liên Chính phủ Việt Nam – Lào được thành lập nhằm tạo điều kiện cho Chính phủ hai nước triển khai các thỏa thuận hợp tác thuận lợi hơn. Bên cạnh đó, hoạt động ngoại giao nhân dân giữa hai nước được triển khai thường kỳ giúp đưa mối quan hệ này ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu với nội dung thiết thực, từ các vấn đề lý luận và thực tiễn cho đến kinh nghiệm và phương thức hợp tác giữa hai nước.
Quan hệ Việt Nam – Lào trong giai đoạn hiện nay
Việc hai bên nhất trí nâng cấp từ mối quan hệ “hữu nghị truyền thống” lên thành quan hệ “hữu nghị vĩ đại” nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức Lào của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng vào tháng 2-2019 được coi là một mốc lịch sử quan trọng, tạo ra sự đột phá trong quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.
Trong gần 35 năm đổi mới, với nền tảng truyền thống đoàn kết đặc biệt Việt Nam – Lào được xây dựng bởi sự hy sinh xương máu của cả hai dân tộc trong nhiều thập niên qua, hai Đảng tiếp tục tăng cường quan hệ mật thiết và hợp tác toàn diện, cùng nhau tìm ra những hình thức và phương pháp hợp tác phù hợp với tình hình thực tế và tiềm năng ở mỗi nước.
Hai bên luôn hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc trao đổi về lý luận và thực tiễn của công cuộc đổi mới, kinh nghiệm xây dựng Đảng, phát huy hợp tác giữa các địa phương, giữa các tổ chức quần chúng của nhân dân, từ đó thúc đẩy hợp tác kinh tế – thương mại, đầu tư phù hợp với tình hình thực tế của hai bên, phù hợp với các dự án, kế hoạch hợp tác đã ký kết hằng năm giữa hai nước, tạo điều kiện để hợp tác có trọng điểm và mang lại bước tiến triển rõ rệt. Hiện nay, Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về đầu tư và là đối tác thương mại lớn của Lào. Lãnh đạo cấp cao hai nước luôn chỉ đạo quyết liệt các cơ quan chức năng hai bên cần đẩy mạnh kết nối hai nền kinh tế, nhất là kết nối về kết cấu hạ tầng, giao thông vận tải, khai thác phát triển năng lượng, bên cạnh đó cũng cần giải quyết và khắc phục những vướng mắc còn tồn tại đề có thể đưa hợp tác đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả, tương xứng với tiềm năng của hai nước.
Trong giai đoạn 2011 – 2016, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Lào đã có những bước phát triển đáng kể, tốc độ tăng bình quân 4%/năm. Năm 2017, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam – Lào đạt trên 935 triệu USD, tăng 13,6% so với năm 2016; năm 2018, con số này đạt trên 1,03 tỷ USD. Năm 2019, kim ngạch thương mại Việt Nam – Lào đạt 1.038,4 triệu USD, tăng 12,5% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào đạt 633,4 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018; kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam từ Lào đạt 405 triệu USD, tăng 4,9% so với cùng kỳ 2018 (2). Các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước ngày càng đa dạng và phong phú hơn. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giữa Việt Nam và Lào cũng có nhiều khởi sắc, Việt Nam là nước đứng thứ ba trong số các nước đầu tư vào Lào.
Hai dự án tiêu biểu của các doanh nghiệp Việt Nam là dự án thủy điện Xekaman 1 và Xekaman Xanxay (công trình thuộc chương trình hợp tác năng lượng giữa Chính phủ hai nước Việt Nam và Lào) đã mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách Lào. Ngoài ra, hợp tác giữa hai nước trong dự án phát triển cảng Vũng Áng 1, 2, 3 và thỏa thuận mua – bán điện sẽ càng giúp gia tăng giá trị thương mại song phương giữa hai nước. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Thongloun Sisoulith, hai bên đã “nhất trí tiếp tục thúc đẩy các biện pháp xúc tiến thương mại nhằm đưa kim ngạch hai chiều tăng trưởng ổn định từ 10% – 15%/năm”.
Hợp tác trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần bảo đảm vững chắc ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội của mỗi nước. Hai bên tiếp tục phối hợp triển khai thực hiện tốt theo các thỏa thuận đã ký về biên giới, ngăn chặn và xử lý kịp thời mọi hành động xâm phạm biên giới, phối hợp đấu tranh chống tội phạm xuyên biên giới, thúc đẩy ký kết các hiệp định trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh. Theo yêu cầu và thỏa thuận giữa hai nước, Bộ Công an Việt Nam cung cấp tài liệu, cử cán bộ, chuyên gia và giảng viên sang Lào để hỗ trợ biên soạn giáo trình, giáo án và mở lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngắn hạn cho lãnh đạo an ninh các cấp tại Lào. Bên cạnh đó, Lào cũng gửi cán bộ công an sang đào tạo chính quy tại các trường an ninh, cảnh sát ở Việt Nam. Hằng năm, Việt Nam đều tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho các đơn vị an ninh, quân đội của Lào.
Trong lĩnh vực đối ngoại – lĩnh vực tạo nền tảng cho tình hữu nghị đặc biệt và tin cậy lẫn nhau giữa Việt Nam và Lào, tạo tiền đề nâng cao vị thế và uy tín của hai nước Việt Nam – Lào ở khu vực và trên thế giới, hầu hết lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hai nước đều có các chuyến thăm lẫn nhau. Qua các chuyến thăm và buổi làm việc, hai bên luôn khẳng định sẽ tiếp tục tăng cường, củng cố và nâng tầm mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào trong bối cảnh mới, phù hợp với tình hình mỗi nước nói riêng và tình hình chung của khu vực, thế giới. Với đường biên giới chung dài hơn 2.300km, Chính phủ hai nước luôn khuyến khích quan hệ hợp tác trực tiếp, toàn diện giữa các địa phương có chung đường biên giới, tổ chức các hoạt động đối ngoại chính thức và đối ngoại nhân dân, đưa ra các mô hình hợp tác, kết nghĩa từ cấp tỉnh đến cấp huyện, hình thức này đã trở nên phổ biến, được mở rộng trên nhiều lĩnh vực và mang lại hiệu quả ngày càng thiết thực. Điều này không chỉ tạo điều kiện và cơ chế để các địa phương hỗ trợ nhau phát triển kinh tế, cải thiện đời sống người dân mà còn giúp bảo đảm an ninh vùng biên, xây dựng đường biên giới Việt Nam – Lào hòa bình, ổn định và phát triển dài lâu. Trong quá trình hội nhập và phát triển, hai nước thường xuyên trao đổi thông tin và tham khảo ý kiến của nhau, điều này khẳng định trách nhiệm và quyết tâm coi trọng, gìn giữ và tăng cường quan hệ đặc biệt giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân hai nước Việt Nam – Lào.
Các lĩnh vực văn hóa, giáo dục – đào tạo, khoa học – kỹ thuật tiếp tục gặt hái được những kết quả khả quan. Hai bên đang tích cực hoàn thành các thủ tục chuẩn bị cho Dự án xây dựng công viên Hồ Chí Minh tại Thủ đô Viêng-chăn; phối hợp chuẩn bị cho việc đưa giáo trình “Lịch sử quan hệ đặc biệt Việt Nam – Lào, Lào – Việt Nam (1930 – 2007)” vào giảng dạy tại các trường học của hai nước, qua đó sẽ góp phần tuyên truyền, giáo dục nhân dân hai nước, đặc biệt là thế hệ trẻ về truyền thống, ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của mối quan hệ Việt Nam – Lào. Sự hợp tác, giao lưu hữu nghị giữa các bộ, ban, ngành, đoàn thể ở Trung ương và các địa phương cũng ngày càng được chú trọng về chất lượng và đạt hiệu quả thực chất hơn.
Về hợp tác đa phương, kể từ khi gia nhập tổ chức ASEAN, Việt Nam và Lào đã phối hợp, hỗ trợ nhau triển khai các hoạt động do Hiệp hội đưa ra. Hai nước luôn ủng hộ lập trường của nhau trong nhiều vấn đề được đưa ra thảo luận tại các diễn đàn ASEAN. Hai bên đã hỗ trợ đắc lực cho nhau trong việc tổ chức thành công các hội nghị về chính trị, an ninh và quốc phòng trong năm Lào hoặc Việt Nam giữ cương vị Chủ tịch ASEAN. Trong buổi tiếp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28 và 29 kết thúc, Chủ tịch Bounnhang Vorachit đánh giá: “Thành công của Lào trong vai trò Chủ tịch ASEAN có đóng góp quan trọng của Việt Nam, nhất là tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 49”(3). Lào và Việt Nam cùng các nước trong ASEAN nỗ lực kiên trì xây dựng Cộng đồng ASEAN (năm 2015) nhằm thúc đẩy sự phát triển chung của khu vực; nỗ lực cùng các nước giải quyết tranh chấp, thúc đẩy tuân thủ và thực hiện các nguyên tắc cơ bản phù hợp với luật pháp quốc tế. Lào đã thể hiện lập trường đoàn kết và quyết tâm trong vấn đề Biển Đông khi giữ cương vị Chủ tịch ASEAN (năm 2016). Bên cạnh đó, hai nước cũng cùng phối hợp để đối phó với các thách thức đến từ ô nhiễm môi trường, tham gia bảo vệ môi trường sinh thái, tham gia ký kết các chương trình hành động như Hiệp định ASEAN về ô nhiễm Haze xuyên biên giới (năm 2002), Nghị quyết Yangon về phát triển bền vững (năm 2003), Hiệp định thành lập trung tâm đa dạng sinh học ASEAN (năm 2005), Tuyên bố ASEAN về bền vững môi trường (năm 2007).
Với tư cách là thành viên của ASEAN, Lào và Việt Nam luôn tôn trọng, ủng hộ các nguyên tắc của Liên hợp quốc, đồng thời luôn nỗ lực để nâng cao hiệu quả hợp tác giữa ASEAN và Liên hợp quốc thông qua các kế hoạch chiến lược dài hạn, tăng cường thúc đẩy các hợp tác cụ thể liên quan đến an ninh – quốc phòng nhằm hướng tới một tương lai hòa bình, ổn định và thịnh vượng hơn.
Việt Nam – Lào cùng hướng tới tương lai
Mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện giữa Việt Nam – Lào là kết tinh và là sự hội tụ phẩm chất cách mạng trong sáng, trách nhiệm cao cả và tình cảm sắt son, nồng thắm mà cả hai dân tộc Việt Nam – Lào đã dành cho nhau, gắn bó bền chặt với nhau, chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do, vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trên các chặng đường cách mạng đầy gian khổ và thắng lợi vẻ vang của hai dân tộc Việt Nam, Lào đều thể hiện rõ vai trò quan trọng, giá trị cách mạng, nhân văn và hiệu quả to lớn của quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Nhìn về tương lai, chúng ta càng thấy rõ sự cần thiết phải bảo vệ, phát triển mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt này. Đồng thời, cần cảnh giác, đấu tranh không khoan nhượng với các luận điệu thù địch, phá hoại mối quan hệ hữu nghị vĩ đại, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện Việt Nam – Lào. Đồng chí Kaysone Phomvihane từng khẳng định: “Chúng ta phải nhận thức rằng mối quan hệ giữa Lào và Việt Nam tuy là quý hơn ngọc quý nhất, song cũng phải thường xuyên chăm lo vun đắp cho trong sáng hơn nữa. Để tăng cường củng cố mối quan hệ đoàn kết Lào – Việt Nam trong hoàn cảnh mới, cán bộ, đảng viên cần nhận thức, quán triệt quan điểm, thái độ cũng như phương pháp nhận xét và giải quyết đúng đắn những vấn đề thực tế thường xảy ra”(4).
Việt Nam và Lào cần nỗ lực hơn nữa để xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, tạo dựng cơ chế ngăn ngừa và giải quyết các thách thức an ninh xuyên biên giới, để gia tăng sự gắn bó về mọi mặt và gìn giữ tình cảm tốt đẹp giữa nhân dân hai biên giới. Hai nước cũng cần tìm các lĩnh vực song trùng lợi ích để tạo nền tảng hợp tác cho quan hệ song phương; tăng cường giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử gắn bó giữa hai dân tộc.
Trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực có nhiều biến động, khó lường như hiện nay, nhất là khi cả Việt Nam và Lào đang trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng, bên cạnh những vận hội phát triển, mối quan hệ hợp tác giữa hai nước cũng đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức gay gắt từ chính sự phát triển của bản thân mỗi nước nói riêng và từ môi trường quốc tế, khu vực nói chung. Trong bối cảnh mới hiện nay, bên cạnh sự gắn bó tự nhiên do địa lý, những tương đồng về hệ thống chính trị và chiến lược phát triển, cần nhận thức được rằng, tất yếu sẽ có điểm khác biệt về lợi ích trong quá trình phát triển, nhưng quan trọng hơn hết là hai bên tìm ra cách ứng xử phù hợp khi xảy ra điểm khác biệt. Điều này đòi hỏi hai nước đều phải kiên trì con đường chủ nghĩa xã hội, kiên trì đoàn kết, hợp tác toàn diện để cùng vươn lên. Tình hữu nghị vĩ đại, mối quan hệ đặc biệt và sự hợp tác toàn diện giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân Lào với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam mãi mãi là kiểu mẫu trong quan hệ quốc tế, là sức mạnh, quy luật tồn tại, một trong những nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng mỗi nước./.
Nguồn: http://tuyengiaokontum.org.vn/-MT
———————————-
1. Báo Nhân dân, ngày 10 tháng 8 năm 2011, tr. 3
2. Hoa Quỳnh: “Việt Nam – Lào nỗ lực đưa kim ngạch thương mại song phương phát triển”, https://congthuong.vn/viet-nam-lao-no-luc-dua-kim-ngach-thuong-mai-song-phuong-phat-trien-130457.html, ngày 23-12-2019
3. Xem: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-su-kien/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-du-hoi-nghi-cap-cao-asean-lan-thu-28-29-271901, ngày 6-9-2016
4. Bài phát biểu của đồng chí Kaysone Phomvihane, Tổng Bí thư Đảng Nhân dân cách mạng Lào tại Hội nghị cán bộ toàn quốc ngày 15-5-1974, tài liệu lưu tại Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.