Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài (giữa), Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, Phó trưởng Ban Chỉ đạo TƯ, phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: Minh Trang
Sáng 24/11, Đoàn khảo sát Ban Chỉ đạo Trung ương do đồng chí Bùi Thị Minh Hoài, Bí thư TƯ Đảng, Trưởng ban Dân vận TƯ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo TƯ, làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đảng đoàn Hội LHPN Việt Nam về đánh giá 20 năm thực hiện Nghị quyết 23-NQ/TW ngày 12/3/2003 của BCH TƯ Đảng (khóa IX) về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho biết: Để chuẩn bị cho việc tổng kết 20 năm thực hiện Nghị quyết 23 (khóa IX) của Đảng về “Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”, Ban Chỉ đạo Tổng kết TƯ đã tổ chức một số đoàn đi khảo sát, làm việc tại một số địa phương và Đảng Đoàn một số cơ quan TƯ nhằm đánh giá, nhìn nhận những kết quả đạt được, những vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là các bài học kinh nghiệm sau 20 năm triển khai thực hiện Nghị quyết. Trên cơ sở các phân tích, đánh giá được thống nhất, Ban Chỉ đạo TƯ sẽ đề xuất với Bộ Chính trị xem xét trình BCH TƯ ban hành Nghị quyết mới phù hợp với bối cảnh, tình hình thực tiễn trong nước cũng như trong khu vực và trên thế giới.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cho rằng Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam đã chuẩn bị Báo cáo triển khai thực hiện Nghị quyết đầy đủ, cô đọng và toàn diện sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng Đoàn trong toàn hệ thống Hội và cơ quan TƯ Hội LHPN Việt Nam. Bên cạnh việc nghe Báo cáo của Đảng Đoàn trong việc thực hiện Nghị quyết; làm rõ hơn những vấn đề cần trao đổi; Đoàn công tác muốn lắng nghe những tâm tư nguyện vọng, những đề xuất kiến nghị và đặc biệt là phân tích, làm rõ hơn những điểm mới, những đổi mới, sáng tạo của Hội LHPN Việt Nam từ thực tiễn triển khai Nghị quyết. Ví dụ việc đổi mới, đa dạng hóa phương thức hoạt động nhằm tăng tỷ lệ tập hợp, thu hút hội viên; cách làm mới trong việc tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo, làm giàu…
Đồng thời, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cũng yêu cầu Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam cần nêu rõ hơn vai trò, những việc cần làm của Hội trong tình hình mới, có thể là tầm nhìn đến năm 2045, việc triển khai thực hiện đến năm 2030 để phù hợp với các Nghị quyết khác của Đảng.
Toàn cảnh buổi làm việc
Báo cáo thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW của Đảng Đoàn Hội LHPN VN do đồng chí Nguyễn Thị Minh Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, trình bày nêu rõ: Đoàn Chủ tịch TƯ Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng Chương trình hành động và nghiêm túc lãnh đạo, tổ chức quán triệt, học tập nội dung Nghị quyết đến cán bộ, hội viên, phụ nữ bằng nhiều hình thức gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị, tổ chức. Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam đã ban hành nhiều Nghị quyết, Chương trình hành động nhằm cụ thể hóa Nghị quyết 23-NQ/TW trong hệ thống Hội. Các cấp Hội và đơn vị trực thuộc đã xây dựng chương trình, kế hoạch hành động và cụ thể hóa phù hợp với đặc điểm, điều kiện thực tế; chủ động tham mưu với cấp ủy quan tâm, tạo điều kiện để các cấp Hội thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, làm cơ sở thực hiện hiệu quả Nghị quyết. Công tác hướng dẫn, đôn đốc, giám sát, kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết luôn được quan tâm.
Về kết quả thực hiện Nghị quyết: Các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Đảng Đoàn, Đoàn Chủ tịch đã tạo bước chuyển biến tích cực về nhận thức trong cán bộ, hội viên, phụ nữ về phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Các cấp Hội đã bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và Hội cấp trên để thể chế hóa thành các hoạt động phù hợp, thiết thực, hiệu quả; phát huy tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ, góp phần tạo sự đồng thuận trong xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc nhằm thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Tiêu biểu như: Hội là cơ quan đề xuất và chủ trì soạn thảo Luật Bình đẳng giới và được Quốc hội thông qua năm 2006. TƯ Hội đã đề xuất thành công nhiều chính sách, trong đó có những chính sách mang lại lợi ích thiết thân cho phụ nữ. Chỉ riêng nhiệm kỳ 2017-2022, Hội đã tham mưu đề xuất một số nội dung trong 3 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Về cơ chế phối hợp, nhiệm kỳ 2017-2022, Hội LHPN một số tỉnh/thành phố đã tham mưu tổ chức 700 cuộc đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, có nơi đối thoại đến tận cấp xã/phường để nắm bắt và giải quyết các vấn đề bức xúc. Các cấp Hội đã triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”, góp phần xây dựng nông thôn mới và được Chính phủ đưa vào Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
Trong hoạt động ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội, Hội luôn là đoàn thể đi đầu với “6 điểm nhất”: Dư nợ cao nhất; tỷ lệ nợ quá hạn thấp nhất; sổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nhất; tỷ lệ thành viên tham gia tiết kiệm cao nhất; số lượng thành viên nhiều nhất; tổ vay vốn và tiết kiệm có chất lượng tốt nhất.
Về tham mưu, đề xuất công tác cán bộ nữ: Lần đầu tiên từ khi đất nước đổi mới, tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội đạt trên 30%…
Bên cạnh những kết quả đạt được, Báo cáo cũng nêu lên những hạn chế, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và những nhiệm vụ, giải pháp, kiến nghị.
Tại buổi làm việc, các đồng chí trong Đoàn khảo sát và các đồng chí lãnh đạo TƯ Hội LHPN Việt Nam đã tập trung thảo luận, chia sẻ các vấn đề nêu trong Báo cáo và những vấn đề Đoàn quan tâm như: Các hoạt động hỗ trợ và bảo vệ phụ nữ và trẻ em; các sáng kiến, chương trình thiết thực hỗ trợ người yếu thế trong đại dịch và phục hồi sau đại dịch như “Mẹ đỡ đầu”, “Triệu phần quà san sẻ yêu thương”, kinh nghiệm xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, đầu tư đổi mới phương thức hoạt động Hội theo hướng thiết thực gắn với từng đối tượng phụ nữ; xây dựng nhiều mô hình hiệu quả giúp phụ nữ phát triển kinh tế và tham gia giải quyết các vấn đề xã hội một cách đa dạng; những khó khăn trong công tác tập hợp, thu hút hội viên ở các khu công nghiệp, tổ chức Nhà nước; những bất cập, hạn chế về nguồn lực, trang thiết bị nhằm ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý hội viên và trong hoạt động công tác Hội.
Kết luận buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài đánh giá cao công tác chuẩn bị khẩn trương, kịp thời của các đồng chí lãnh đạo Hội, nhất là đồng chí Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam nhằm phục vụ Đoàn khảo sát. Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cũng tâm đắc và ghi nhận những kết quả đạt được của Hội LHPN Việt Nam trong triển khai thực hiện Nghị quyết. Đồng thời chỉ ra một số hạn chế và gợi ý một số vấn đề Hội cần quan tâm chỉ đạo hiệu quả hơn trong thời gian tới.
Thay mặt Đảng Đoàn Hội LHPN Việt Nam, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Đảng Đoàn, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, cảm ơn và tiếp thu những ý kiến chỉ đạo, đóng góp và hứa sẽ sớm hoàn thiện Báo cáo để gửi Đoàn khảo sát.