Sáng nay 15/6, Hội nghị lần thứ 4, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa XIII đã khai mạc trọng thể tại thành phố Hải Phòng – thành phố hoa phượng đỏ anh hùng.
Tham dự lễ khai mạc có các đồng chí: Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Thị Thanh Hòa, nguyên Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em; Bùi Thị Hòa, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ Việt Nam; các đồng chí Phó Chủ tịch Hội; đại biểu cán ban Đảng phụ trách Hội; đồng chí Phạm Mạnh Hiến, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hải Phòng; các Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội khóa XIII.
Hội nghị có nhiệm vụ: Đánh giá kết quả hoạt động Hội 6 tháng đầu năm, xác định nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2023; thảo luận, góp ý những định hướng lớn cho năm 2024; cho ý kiến vào các dự thảo: Báo cáo chuyên đề “Kết quả thực hiện 8 chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII và đề xuất các giải pháp thực hiện trong thời gian tới”; Kế hoạch triển khai thực hiện 2 khâu đột phá (1) Đổi mới phương thức hoạt động Hội, trọng tâm là ứng dụng công nghệ thông tin; (2) Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh; Công tác cán bộ chủ chốt theo quy định…
Các đại biểu tham dự khai mạc Hội nghị
Hội nghị Ban Chấp hành diễn ra trong bối cảnh nhiều vấn đề liên quan đến phụ nữ, trẻ em đang đặt ra
Phát biểu khai mạc Hội nghị, đồng chí Hà Thị Nga, Ủy viên BCH TW Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam đánh giá khái quát về tình hình thế giới, khu vực và trong nước hiện nay. Theo đó, Hội nghị Đoàn Chủ tịch và Hội nghị Ban Chấp hành lần này diễn ra trong bối cảnh Hội nghị giữa nhiệm kỳ BCH TW Đảng khóa 13 và đang diễn ra Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa 15 với nhiều nội dung quan trọng, trong đó có nhiều nội dung liên quan trực tiếp tới bình đẳng giới, đời sống phụ nữ, trẻ em.
Tình hình thế giới tiếp tục biến động khó lường, tác động đến hầu hết các quốc gia, lạm phát ở mức cao, biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh ảnh hưởng nặng nề. Ở trong nước, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn dẫn đến người lao động mất việc làm, giảm thu nhập, trong đó có nhiều lao động nữ trên 40 tuổi; những vụ việc nghiêm trọng về xâm hại, bạo lực bạo lực đối với phụ nữ, trẻ em, bạo lực học đường tiếp tục diễn ra; thời tiết thất thường, nắng nóng gay gắt trên diện rộng kéo dài dẫn đến nhiều hồ lớn thiếu nước, tác động đến sản xuất, phát triển kinh tế xã hội và đời sống người dân…
Trước tình hình đó, Đảng, Nhà nước đã kịp thời lãnh đạo và thực hiện kịp thời các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy sản xuất, hỗ trợ phát triển kinh tế, hỗ trợ người lao động, thực hiện an sinh xã hội. Các vấn đề về an ninh, chính trị, xã hội tiếp tục được giữ vững, một số lĩnh vực có nhiều khởi sắc như: du lịch đón gần 4,6 triệu lượt khách đạt 57% kế hoạch cả năm 2023; thể thao thành tích cao tiếp tục được đẩy mạnh, đặc biệt, Đoàn Thể thao Việt Nam đạt kết quả nhất toàn đoàn tại SEA Games 32, trong đó, có nhiều nữ vận động viên đạt thành tích xuất sắc, là niềm tự hào của phụ nữ Việt Nam. Đặc biệt, xếp hạng về Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 77 năm 2022 lên thứ 65 vào năm 2023 trong Báo cáo Hạnh phúc Thế giới của Liên Hợp Quốc.
Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội nghị
Công tác Hội và phong trào phụ nữ 6 tháng đầu năm 2023 đạt được nhiều kết quả nổi bật
Trong bối cảnh đó, 6 tháng đầu năm 2023, Đoàn Chủ tịch, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam đã tập trung chỉ đạo tổ chức thực hiện nhiệm vụ công tác Hội đạt được những kết quả nổi bật.
Việc xác định đúng và trúng chủ đề năm 2023 “Tập trung xây dựng cơ sở Hội vững mạnh, trọng tâm là nâng cao năng lực cán bộ Hội cơ sở” đã định hướng cho các cấp Hội trong việc tập trung nguồn lực, có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, đặc biệt là hoạt động nâng cao năng lực và chăm lo cho đội ngũ cán bộ cơ sở, chi tổ Hội, tạo sự chuyển biến bước đầu. Đến nay, đã có 20 tỉnh, thành đạt tỷ lệ 100% cán bộ Hội chuyên trách cả 3 cấp và 44 tỉnh, thành đạt tỷ lệ 100% cán bộ Hội chuyên trách cấp tỉnh sử dụng thành thạo các phần mềm cơ bản trong công tác Hội.
TW Hội hỗ trợ các cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội; kế hoạch phát triển hội viên danh dự; tổ chức ký kết tăng cường công tác phối hợp, thu hút tập hợp các hội viên nữ là cán bộ, công chức, viên chức người lao động. Với nhiều giải pháp, hoạt động đi vào chiều sâu mang tính bền vững, đã phát triển thêm 98.478 hội viên. Số cơ sở Hội có tỷ lệ tập hợp dưới 60% phụ nữ có mặt tại địa bàn tham gia tổ chức Hội giảm 204 cơ sở so với cuối năm 2022.
Công tác tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ được đổi mới nội dung theo hướng phù hợp với nhu cầu của từng nhóm đối tượng hội viên, phụ nữ; đa dạng, linh hoạt hình thức tuyên truyền. Tính đến hết tháng 5/2023, có 877.122 hội viên, phụ nữ được tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chính sách, pháp luật;1.225.546 phụ nữ được tập huấn, trang bị kiến thức về bình đẳng giới và kỹ năng lồng ghép giới.
Phong trào thi đua “Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới” được 100% Hội LHPN tỉnh, thành, đơn vị triển khai sâu rộng với nhiều cách làm mới, 6 tháng đầu năm đã có gần 13 triệu lượt cán bộ, hội viên, phụ nữ được học tập, tập huấn, tuyên truyền về nội dung phong trào.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, 100% Hội LHPN tỉnh, thành, đơn vị đã hưởng ứng, đồng loạt triển khai các sự kiện, chuỗi hoạt động lớn do TW Hội phát động (Chương trình xuân biên phòng ấm lòng dân bản, phát động tuần lễ áo dài, Chương trình đồng diễn dân vũ và phát động Hội thi dân vũ và thể dục thể thao phụ nữ toàn quốc 2023…). Các hoạt động, sự kiện được chú trọng đổi mới cách thức tổ chức, phối hợp, phương thức vận động nguồn lực, tổ chức với quy mô lớn, tạo điểm nhấn, đáp ứng nhu cầu của hội viên, phụ nữ, có sức lan tỏa sâu rộng.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam Đỗ Thị Thu Thảo trình bày tóm tắt dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả công tác Hội 6 tháng đầu năm; phương hướng nhiệm vụ 6 tháng cuối năm
Các Chương trình MTQG, các đề án của Chính phủ do Hội chủ trì được triển khai có trọng tâm, trọng điểm. Dự án 8” Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” chú trọng thực hiện các chỉ tiêu cốt lõi của Dự án, xác định kết quả mức độ đạt các chỉ tiêu làm căn cứ quan trọng để tiếp tục lựa chọn giải pháp thực hiện trong thời gian tới. Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch”; “Gia đình 5 có, 3 sạch” lựa chọn nội dung “Vun đắp, gìn giữ giá trị tốt đẹp và phát triển hệ giá trị gia đình Việt Nam” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” năm 2023; chủ động đăng ký các công trình/phần việc tham gia trong xây dựng NTM.
Đề án “Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030” (Đề án 01) được triển khai gắn với các nhiệm vụ thường xuyên của Đề án “Hỗ trợ Phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025” (Đề án 939). Các cấp Hội đã vận động, hỗ trợ thành lập mới 48 hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý. Tính đến 30/4/2023, dư nợ ủy thác Ngân hàng Chính sách xã hội qua Hội Phụ nữ tiếp tục đạt cao nhất với trên 114 nghìn tỷ đồng tăng 6.080 tỷ đồng so với năm 2022. Trong 6 tháng đầu năm, hoạt động tài chính vi mô do Trung ương Hội quản lý đã hỗ trợ hơn 200.000 phụ nữ tiếp cận vốn với dư nợ khoảng 2.700 tỷ đồng.
Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan tới phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (Đề án 938) tiếp tục thực hiện giai đoạn II, triển khai xây dựng mô hình câu lạc bộ phụ nữ hội nhập trên môi trường mạng, nâng cao nhận thức và kỹ năng cho phụ nữ để sử dụng mạng an toàn, hiệu quả; duy trì và nhân rộng nhiều mô hình đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng của hội viên phụ nữ, gắn với thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2030, các hoạt động vun đắp giá trị gia đình Việt Nam.
Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” tập trung huy động nguồn lực hỗ trợ mô hình sinh kế mới, xây dựng công trình dân sinh, tặng Mái ấm tình thương, trao tặng học bổng cho học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn; phối hợp tổ chức khám chữa bệnh hỗ trợ máy tính.
Đặc biệt, Chương trinh “Mẹ đỡ đầu” từ khởi điểm mang tính thích ứng trong bối cảnh đại dịch Covid-19, đến nay đã tạo được sức lan tỏa to lớn, thu hút sự quan tâm, tích cực hưởng ứng của các cấp, các ngành. Nhiều tổ chức, cá nhân đã trở thành ông bố, bà mẹ đỡ đầu, trong đó có nhiều mẹ là cán bộ Hội. Sự kiện Trại hè “Hoa hướng dương” năm 2023 dành cho các cặp mẹ con trẻ mồ côi quy mô cấp toàn quốc vừa được Hội tổ chức thành công là nguồn động viên, khích lệ các cháu thêm nỗ lực cố gắng, đồng thời nhân rộng tình thương yêu của cộng đồng dành cho trẻ em thiệt thòi, có hoàn cảnh khó khăn. Tại Trại hè đã có thêm 7.850 cháu được nhận đỡ đầu từ năm 2023. Đến nay, Chương trình “Mẹ đỡ đầu” đã huy động được 115 tỷ đồng, hỗ trợ chăm sóc, đỡ đầu cho 19.760 trẻ mồ côi có hoàn cảnh khó khăn, trong đó có hơn 3.000 trẻ mồ côi do dịch bệnh Covid-19.
Toàn cảnh Hội nghị
Công tác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái chủ động, kịp thời hơn. Tính đến hết tháng 5/2023, Trung ương Hội đã tham mưu lên tiếng 10 vụ việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, tiếp nhận và xử lý 106 đơn thư; các cấp Hội phụ nữ đã tham gia giải quyết 294 vụ việc bảo vệ quyền lợi của phụ nữ, trẻ em, tư vấn pháp luật cho 9.876 công dân. Một số tỉnh, thành phố đã chủ động phối hợp, chủ trì tổ chức các Hội nghị đối thoại với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương để trao đổi về các vấn đề liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em.
Nhiều hoạt động đối ngoại nhân dân được thực hiện thành công như tiếp đoàn đại biểu cấp cao của Cuba sang thăm và làm việc; tổ chức đoàn cấp cao của Hội LHPN Việt Nam thăm và làm việc tại Lào; tham gia các đoàn cấp cao do Chủ tịch Quốc hội, Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước làm trưởng đoàn; tổ chức thành công nhiều diễn đàn, hội thảo quốc tế, được các đối tác đánh giá cao.
Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Tôn Ngọc Hạnh báo cáo tóm tắt kết quả Công tác Kiểm tra, giám sát của Hội LHPN Việt Nam 6 tháng đầu năm 2023
Phát huy vai trò quan trọng các Ủy viên Ban Chấp hành trong chỉ đạo, tổ chức triển khai nhiệm vụ công tác Hội
Trong phát biểu khai mạc, Chủ tịch Hội Hà Thị Nga khẳng định, những kết quả quan trọng đạt được trên đã thể hiện sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể; sự nỗ lực của các cấp Hội, đặc biệt là vai trò của các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành đã chủ động nắm bắt thực tiễn, tháo gỡ khó khăn, triển khai có hiệu quả nhiệm vụ công tác Hội tại địa phương, đơn vị; các chị Ủy viên Ban Chấp hành khối bộ, ngành đã phát huy tầm ảnh hưởng, tích cực tham mưu, đề xuất nhiều nội dung quan trọng đóng góp cho công tác Hội và phong trào phụ nữ.
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ 4 được tổ chức trong 2,5 ngày với nhiều nội dung quan trọng, Chủ tịch Hội đề nghị các đại biểu tập trung trí tuệ, thảo luận, cho ý kiến vào các nội dung, các văn bản trình để cùng nhau đề ra được những nội dung, phương hướng, giải pháp chất lượng, khả thi nhất trong công tác Hội và phong trào phụ nữ thời gian tới.
Các đại biểu bỏ phiếu bầu quy hoạch lãnh đạo Hội chủ chốt theo quy định
Trong khuôn khổ Chương trình Hội nghị Ban Chấp hành lần này, nhiều hoạt động, sự kiện ý nghĩa được tổ chức: Hội nghị chuyên đề về Công tác kiểm tra, giám sát trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam nhiệm kỳ 2022-2027; Phát động ủng hộ xây dựng nhà đại đoàn kết cho các hộ nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực Tây Bắc; Triển lãm/ hội chợ quê an toàn thực phẩm; Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình – Ấm áp yêu thương”; Hội nghị sơ kết 2 năm Chương trình phối hợp giữa Chính phủ với Hội Nông dân Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam về “Tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm chất lượng, an toàn vì sức khỏe cộng đồng, phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2025”.
Tại lễ khai mạc, đã diễn ra hoạt động trao biểu trưng ủng hộ nhà đại đoàn kết ủng hộ người dân nghèo tỉnh Điện Biên và khu vực lân cận với tổng số nhà sau gần 1 tháng vận động đạt được là 87 căn, trị giá 4.367.000.000 đồng.
Các đồng chí lãnh đạo chụp ảnh với đại diện các cụm, đơn vị ủng hộ nhà đại đoàn kết
Chiều cùng ngày, các đại biểu tham gia thảo luận theo tổ.
Nguồn: hoilhpn.org.vn