Đó là khẳng định của Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 – tại Hội thảo về các chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017 diễn ra ở Hà Nội ngày 8/12.
Đây là sự kiện khởi động cho các hoạt động của APEC sẽ diễn ra trong năm 2017 tại Việt Nam và là dịp để Việt Nam tranh thủ ý kiến rộng rãi cũng như ý tưởng của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của khu vực và thế giới để xây dựng các ưu tiên hợp tác của APEC trong năm 2017.
Phát biểu chỉ đạo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia APEC 2017, nhấn mạnh, APEC cần tự đổi mới để khẳng định vai trò là diễn đàn kinh tế hàng đầu ở khu vực; các hoạt động hợp tác và liên kết của APEC cần được mở rộng và thực chất hơn.
Các vấn đề lớn cần tập trung giải quyết trong Năm APEC 2017 là: Thực hiện các chiến lược của APEC về tăng trưởng chất lượng, kết nối, nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và dịch vụ. APEC cần thúc đẩy tăng trưởng bền vững, sáng tạo và bao trùm, đặc biệt là xây dựng các cộng đồng vững mạnh, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm. Các nền kinh tế cùng đẩy mạnh kết nối và hội nhập khu vực sâu rộng, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực, hỗ trợ các doanh nghiệp siêu nhỏ, nhỏ và vừa (MSMEs) tăng cường năng lực cạnh tranh, sáng tạo và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu; tăng cường an ninh lương thực và phát triển nông nghiệp bền vững…
Còn theo Đại sứ Nguyễn Nguyệt Nga – Cố vấn cao cấp Ban Thư ký APEC Việt Nam 2017 – bình đẳng giới là ưu tiên trong APEC 2017 thể hiện sự ưu tiên của Việt Nam trong việc cải thiện các chính sách hỗ trợ phụ nữ phát triển. Việt Nam sẽ tổ chức Hội nghị cấp Bộ trưởng về chủ đề “Phụ nữ và kinh tế” lần thứ 6 tại thành phố Huế tháng 9/2017. Ngoài ra còn có các hội thảo đối thoại với doanh nghiệp về vấn đề bình đẳng giới, phát huy vai trò và vị thế cho phụ nữ trong phát triển kinh tế.