Người già ở làng Le kể lại rằng, ngày xưa, khi ấy đồng bào Rơ Măm còn sống ở vùng rừng núi cao, ngoài trồng lúa nếp, lúa tẻ, bắp, mì để ăn và làm rượu cần, bà con còn biết lấy cây rừng (cây bông) để làm sợi dệt vải may mặc và trao đổi hàng hóa. Thổ cẩm của người Rơ Măm ngày trước đơn giản, chỉ có một màu trắng của vải mộc, không nhuộm; chứ không nhiều màu sắc như thổ cẩm của đồng bào các dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, Gia Rai…
Ngày rảnh rỗi, thấy chị em phụ nữ trong làng tập trung lên nhà rông để dệt thổ cẩm, bà Y Điết (67 tuổi) cũng tham gia cùng. Người phụ nữ Rơ Măm này cho biết, phải đến hơn 45 năm rồi, bà mới có cơ hội được ngồi lại bên khung dệt, công việc mà từ thời còn con gái rất yêu thích.
Trong trí nhớ của bà Y Điết, làng Le (xã Mô Rai, huyện Sa Thầy) mấy chục năm về trước có rất đông người Rơ Măm sinh sống (bây giờ là 1 trong 3 dân tộc có số người ít nhất, cùng với dân tộc Brâu và dân tộc Ơ Đu với 488 khẩu). Hồi ấy, người Rơ Măm ngoài trồng lúa nếp, lúa tẻ, bắp, mì để ăn và làm rượu cần, còn biết trồng cây bông để làm sợi dệt vải. Vải của người Rơ Măm dệt ra không chỉ cung cấp đủ nhu cầu may mặc cho gia đình mà còn dùng làm hàng hóa để trao đổi lấy dầu đốt, muối ăn và các loại công cụ lao động bằng sắt mà họ không làm ra được.
Theo truyền thống, đàn ông Rơ Măm mặc khố, phía sau buông đến ống chân. Phụ nữ quấn váy và ở trần, một số mặc áo cộc tay. Khác với đồng bào các dân tộc thiểu số khác ở Kon Tum, váy và khố của đồng bào Rơ Măm chỉ có một màu trắng của vải mộc, không nhuộm. Tuy nhiên, theo quá trình phát triển của xã hội và những yếu tố khác tác động, nghề dệt của người Rơ Măm dần bị mai một.
Bản thân bà Y Điết, hồi mới 13 tuổi đã được mẹ truyền dạy cho nghề dệt thổ cẩm. Mẹ bà Y Điết – tên Y My – ngày trước là phụ nữ nổi tiếng với tài dệt thổ cẩm ở làng Le. Không chỉ dệt thổ cẩm đẹp, bà Y My còn chịu khó vào rừng hái nấm đỏ giã với hạt cà ri để nhuộm sợi vải đỏ lên hoa văn thổ cẩm cho đẹp hơn. Bà Y Điết cũng đã được học cách phối màu sắc và tạo hoa văn cho thổ cẩm từ mẹ mình một cách tỉ mỉ và khéo léo mà không phải ai cũng làm được. Lấy chồng, bà Y Điết vẫn thường dệt thổ cẩm để may cho chồng, cho con những bộ trang phụ truyền thống thật đẹp.
Kháng chiến chống Mỹ, bà Y Điết đi thanh niên xung phong, còn chồng bà cũng đi bộ đội nên không có thời gian để dệt vải. Sau giải phóng, khung dệt không còn, rồi cuộc sống gặp nhiều khó khăn nên gia đình bà cùng với dân làng suốt ngày chỉ cố gắng chăm bẵm cho cái nương, cái rẫy để cuộc sống không bị đói nghèo bủa vây nên chẳng nghĩ đến nghề dệt nữa.
Bà Y Điết tâm sự, nhiều lúc ngồi nhớ lại cuộc sống ở làng cũ ngày xưa, thấy buồn lắm vì lớp người như bà không giữ được nghề truyền thống cha ông để lại.
Thật may mắn là mới đây (tháng 9/2017), làng Le đã được Nhà nước hỗ trợ mở lớp học nghề dệt thổ cẩm (10 học viên) trong vòng 1 tháng để giúp đồng bào Rơ Măm nơi đây bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, vừa có thêm thu nhập nâng cao chất lượng cuộc sống nên bà con phấn khởi lắm.
Ngày nghe tin ở làng sắp được mở lớp dệt thổ cẩm để giúp bà con Rơ Măm giữ nghề truyền thống, bà Y Điết là người đầu tiên đăng ký ghi tên mình vào danh sách. Tuy lớn tuổi, nhưng không buổi học nào ở nhà rông bà Y Điết vắng mặt. Chỉ với 1 tháng có cơ hội được ôn luyện lại nghề, được hỗ trợ khung dệt riêng, đôi tay khéo léo của bà Y Điết đã dệt nên những tấm thổ cẩm thật tinh tế, sắc sảo.
Bà Y Điết chia sẻ: Trải qua thời gian khá dài, người Rơ Măm không còn những khung dệt. Bây giờ, được Nhà nước hỗ trợ phương tiện, nguyên liệu chỉ sợi như thế này nên mình phải cố gắng học lại nghề để giữ nghề và truyền nghề lại cho con cháu sau này.
Cùng với chị gái của mình, bà Y Nui (57 tuổi) cũng đăng ký tham gia lớp học để ôn lại nghề. Ngày nhỏ, bà Y Nui cũng được mẹ dạy dệt thổ cẩm nên bây giờ học nghề rất nhanh và cũng là một trong số người dệt vải đẹp ở làng Le. Những lúc rảnh rỗi, bà Y Nui cùng với chị gái Y Điết luôn chăm chút dệt những tấm thổ cẩm thật đẹp và truyền dạy cho lớp người trẻ trong làng để cùng giữ nghề truyền thống. Bà Y Nui chia sẻ: Bảo tồn thổ cẩm Rơ Măm cũng là giữ nét đẹp truyền thống cho làng.
Chị Y Bủi (sinh năm 1986) – Chi hội trưởng phụ nữ làng Le nói trong niềm vui: Từ khi sinh ra đến giờ tôi mới được ngồi bên khung để tự tay mình dệt nên những tấm thổ cẩm truyền thống nên vui lắm. Mẹ tôi ngày trước cũng biết dệt thổ cẩm, nhưng những năm tháng chiến tranh, mẹ cùng bà con dân làng lo đánh giặc nên không giữ được khung dệt nữa. Sau ngày giải phóng, nhiều lúc thấy phụ nữ Gia Rai ở làng bên dệt đẹp, mẹ bảo cũng muốn phục hồi lại nghề truyền thống và truyền dạy cho con cháu nhưng rồi không có điều kiện nên thôi.
Ngoài 10 thành viên tham gia lớp học theo hỗ trợ của Nhà nước, làng Le còn có nhiều phụ nữ vì yêu thích nghề dệt thổ cẩm truyền thống cũng xin theo học cùng.
Lấy chồng và sinh con được hơn 1 năm nay, Y Pỉ (20 tuổi) cho biết, dù không có tên trong danh sách hỗ trợ học nghề dệt thổ cẩm nhưng với tình yêu thổ cẩm và muốn bảo tồn bản sắc văn hóa truyền thống, em đã theo mẹ để lên nhà rông học cùng.
Nhờ chịu khó học hỏi các nghệ nhân chỉ dạy, qua 1 tháng học tập, Y Pỉ cũng đã tự mình dệt được tấm thổ cẩm dài hơn 3,5m, rộng hơn 1m, đủ để may 3 chiếc áo cho 3 thành viên trong gia đình mình.
Y Pỉ chia sẻ, trước đây mỗi lần qua làng người Gia Rai kế bên thấy bà con nơi ấy dệt vải may quần áo rất đẹp nên thích lắm, nhưng về làng không thấy ai dệt nên dù muốn học nghề cũng không học được. Đến khi ở làng mở lớp nhưng vì tiêu chuẩn chỉ có 10 học viên nên em xin để được theo học cùng mẹ (không hưởng chế độ – PV).
Theo lời Thôn trưởng A Huốt, từ ngày khai giảng lớp học nghề dệt thổ cẩm, chị em phụ nữ làng Le ai cũng háo hức. Không chỉ học hai buổi ở nhà rông, tối đến, các chị em phụ nữ còn mang khung dệt vải và chỉ về nhà để tập luyện thêm tay nghề. Bởi thế, dù mới trải qua 1 tháng học tập nhưng trong ngày bế giảng lớp học, mỗi học viên ai cũng đều có những tấm thổ cẩm thật đẹp để báo cáo thành tích của mình.
Tình yêu thổ cẩm bây giờ đã lan tỏa ở làng Le. Cho đến nay, dù lớp học đã kết thúc mấy tháng rồi nhưng những lúc rảnh rỗi, chị em phụ nữ trong làng cũng lại rủ nhau lên nhà rông để dệt thổ cẩm luyện thêm tay nghề. Những phụ nữ biết nghề, thạo nghề hơn thì hướng dẫn, giúp đỡ những chị em phụ nữ chưa biết, chưa thạo nghề.
Chị Y Bủi chia sẻ, trang phục là một trong những hình thức thể hiện rõ nét văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy, với vai trò là chi hội trưởng phụ nữ, chị sẽ vận động chị em phụ nữ trong làng học nghề và truyền nghề, phấn đấu để ngày càng có nhiều hơn chị em phụ nữ biết dệt thổ cẩm và sử dụng sản phẩm làm ra để may trang phục truyền thống cho các thành viên trong gia đình mình hoặc dùng để bán kiếm thêm thu nhập cho gia đình. Hy vọng với sự tiếp tục hỗ trợ của Nhà nước trong thời gian đến và ý thức giữ nghề truyền thống của phụ nữ nơi đây, “sức sống” thổ cẩm ở làng đồng bào Rơ Măm sẽ luôn được duy trì và phát triển.
Bài, ảnh: Tú Quyên
Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT