Đó là câu chuyện của chị Lê Thị Hưng (30 tuổi) ở phường Duy Tân, thành phố Kon Tum. Từ yêu thích, mê mẩn loài hoa lan mokara cắt cành, chị mạnh dạn tìm hiểu, phát triển thành trang trại lan. Năm 2017, ý tưởng “Chuyển đổi cơ cấu sản xuất trong nông nghiệp với mô hình trồng lan mokara cắt cành” của vợ chồng chị đã được Hội đồng Tư vấn, hỗ trợ khởi nghiệp tỉnh xét duyệt, trao giải Ba.
Khi còn đang làm việc tại Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (thuộc Sở NN&PTNT), chị Hưng đã mê mẩn loài lan mokara cắt cành. Năm 2014, có dịp vào Thành phố Hồ Chí Minh, chị liền tìm mua vài cây giống về trồng.
Chỉ tưới nước đầy đủ, cây đã ra hoa rất nhiều. Thấy mokara ưa khí hậu nắng, lại cho hoa đẹp, lâu tàn, trong giai đoạn 2015-2016, chị đọc, tìm hiểu, nghiên cứu kỹ hơn về loài cây này và nảy ra ý tưởng phát triển vườn lan.
Năm 2016, để chắc chắn, vợ chồng chị Hưng thu xếp vô huyện Củ Chi (Thành phố Hồ Chí Minh) để tìm hiểu, học, nắm vững kỹ thuật trồng loài cây này. Đến cuối năm 2016, sau khi mượn được 1.400m2 đất, vợ chồng chị liền nhập về 3.500 cây giống với giá khoảng 160 triệu đồng.
Vườn lan mokara phát triển tốt, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: B.A
Đầu năm 2017, chị xuống giống trồng. Lúc đó trúng đợt lạnh, bị “sốc” thời tiết nên cây bị nấm, vi rút, đốm lá, chậm phát triển… “Mới khởi đầu đã gặp khó khăn, tôi gọi điện vào hỏi các anh chị trong Củ Chi, tìm hướng xử lý. Ròng rã 4 tháng trời chữa bệnh, khắc phục, vườn cây mới dần đi vào ổn định” – chị Hưng kể.
Vườn cây dần phục hồi, đến tháng 9/2017, chị Hưng vui mừng thu được 2 đợt hoa bán cho các shop hoa trên địa bàn thành phố được khoảng 7 triệu đồng. Tuy nhiên, niềm vui chưa kịp nở đã vội tàn khi chị bị lấy lại đất. Không chỉ vậy, khoảng thời gian ấy, chị lại nghe thông báo sẽ bị cơ quan cắt giảm hợp đồng theo đề án tinh giản biên chế. Hàng loạt điều tồi tệ ập đến khiến chị chùn bước.
“Cảm giác như mọi thứ tối đen sập xuống, tôi không biết phải bắt đầu lại từ đâu. Nhưng rồi không thể trì hoãn, để mọi việc thêm tồi tệ, tôi quyết tâm “bắt” vườn lan – niềm yêu thích của mình đẻ ra tiền” – chị Hưng chia sẻ.
Hai vợ chồng chị đi khắp vùng ven trên địa bàn thành phố tìm đất. Đến tháng 11/2017, anh chị mua được đám đất tại xã Đăk Cấm và bắt tay làm lại từ đầu.
Tập trung san ủi, cải tạo đất, làm giàn…, tháng 1/2018, vợ chồng chị chuyển giống lên, trồng lại. “Cây giống ủ quá lâu để đợi cải tạo đất nên lại bị vàng, thối rễ, suy rất nhiều. Tuy nhiên, không còn buồn nữa, với quyết tâm cao, tôi dành thời gian, tâm trí phục hồi lại vườn cây”- chị Hưng nói.
Vừa chăm sóc vườn cây, đến tháng 3/2018, chị tiếp tục mở rộng diện tích, nhập thêm 2.000 cây giống về trồng. Sau cơn mưa, trời lại sáng, đến nay, với sự chăm bẵm của chị, vườn lan đã phục hồi và phát triển rất tốt.
Chị Hưng cho biết, sau khoảng 6-8 tháng kể từ ngày lấy giống về, cây sẽ cho hoa. Và 1 năm, 1 cây sẽ cho khoảng 8-12 đợt hoa. Với đặc tính hoa đẹp, cánh dày, tươi lâu nên các shop hoa trên địa bàn rất chuộng mokara và thường xuyên đến vườn đặt hàng. Theo nhẩm tính của chị Hưng, với giá bán bình quân từ 7-15 ngàn đồng/cành (tùy loại hoa), chị sẽ thu được bình quân 150 triệu đồng/năm từ vườn hoa.
Không chỉ trồng lan cắt cành, sắp đến, chị Hưng sẽ tự nhân giống, mở rộng vườn và bán giống. Chia sẻ với chúng tôi, chị Hưng khẳng định: Có quyết tâm sẽ có thành công, và tôi đang theo đuổi thành công từ những thất bại.
Bình An