Trường Sa – một phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc, là biểu tượng của ý chí kiên cường mở cõi và bảo vệ chủ quyền của dân tộc. Đến với Trường Sa luôn là mong ước cháy bỏng của hàng triệu người con yêu nước. Vì thế, với bất kỳ ai đã được đến với Trường Sa, những câu chuyện của họ về Trường Sa luôn đong đầy cảm xúc và sẽ mãi mãi là những kỷ niệm không bao giờ quên…
Tham dự hội nghị tuyên truyền biển, đảo do Tỉnh ủy Kon Tum và Đảng ủy Quân chủng Hải quân phối hợp tổ chức vào sáng ngày 21/12, chị Y Lan – Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh rưng rưng nhớ lại chuyến thăm Trường Sa cùng đoàn công tác số 10, vào tháng 5/2012.
Nán lại sau hội nghị, chị xúc động chia sẻ: công tác ở Hội Phụ nữ, chị có cơ hội đến nhiều vùng miền của Tổ quốc, nhưng cảm xúc được đặt chân lên quần đảo Trường Sa với chị thật khác biệt. Đã hơn bốn năm trôi qua, chị vẫn nhớ từng chi tiết nhỏ trong suốt hành trình đến với Trường Sa.
Đặc biệt, giây phút được chạm tay vào cột mốc chủ quyền của Tổ quốc trên Biển Đông, được tận mắt chứng kiến các chiến sĩ hải quân ngày đêm chắc tay súng, những người dân kiên cường bám biển quyết tâm bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc luôn in đậm trong tâm trí chị.
Tuổi trẻ Kon Tum tìm hiểu tư liệu về biển đảo quê hương
Nữ cựu tù chính trị Nguyễn Thị Đức Hạnh vẫn vẹn nguyên cảm xúc khi kể về Lễ tưởng niệm 64 chiến sĩ Hải quân hy sinh khi bảo vệ đảo Gạc Ma và Lễ chào cờ ở đảo Trường Sa Lớn mà chị vinh dự được tham gia cùng đoàn công tác số 16, vào những ngày đầu tháng 6/2016.
Là người đã từng vào sinh ra tử, chịu nhiều đòn roi tra tấn của kẻ thù, vậy nhưng chị đã không kìm được nước mắt khi thấy những vòng hoa được chị và mọi người trong đoàn thả xuống biển đang dập dềnh cùng sóng biển tiến về phía đảo Gạc Ma.
Rồi trong Lễ chào cờ, cũng bài quốc ca ấy, chị đã hát cả nghìn lần, vậy nhưng khi hát dưới cột cờ ở Trường Sa, chị đã nấc nghẹn không hát thành lời. Chị cho biết, ở tuổi gần 70, chị cảm thấy vô cùng tự hào và thấy mình thật may mắn vì đã đến được với Trường Sa…
Còn với phóng viên Ngọc Chí (Đài PT-TH tỉnh Kon Tum), tình cảm với Trường Sa được anh gửi gắm trọn vẹn vào từng thước phim, từng bài viết. Tham gia chuyến thăm Trường Sa cùng đoàn công tác số 16, phóng viên Ngọc Chí đã chuyển tải bức tranh hiện thực sống động về cuộc sống chiến đấu, lao động, học tập của quân và dân huyện đảo Trường Sa, về tình cảm của các thành viên đoàn công tác, thông qua hàng chục tác phẩm truyền hình và các bài viết đăng tải trên Báo Kon Tum, qua đó giúp người dân Kon Tum hiểu sâu sắc hơn về tinh thần đoàn kết, quyết tâm khắc phục khó khăn, gian khổ để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Nhắc tới hai tiếng Trường Sa, mỗi người thể hiện một cung bậc cảm xúc khác nhau, nhưng điểm chung nhất đó là sự quan tâm xen lẫn tự hào. Triển lãm bản đồ và trưng bày tư liệu “Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam – Những bằng chứng lịch sử và pháp lý” được tổ chức tại tỉnh Kon Tum trong những ngày đầu tháng 10 vừa qua là minh chứng rõ ràng nhất.
Chỉ trong 4 ngày diễn ra triển lãm, đã thu hút trên 4.000 lượt người dân trên địa bàn tỉnh, đủ mọi thành phần, lứa tuổi đến tham quan, tìm hiểu. Ba cuốn sổ với hàng trăm trang cảm xúc được ghi lại, thể hiện quan điểm, lập trường, trách nhiệm của mỗi người với biển, đảo quê hương…
“…Không xa đâu Trường Sa ơi”. Đúng vậy, Trường Sa không xa. Trường Sa luôn trong trái tim của các thế hệ người dân Việt Nam.
Nguồn: www.baokontum.com.vn-HT