Với vai trò là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ngọc Yên Phúc (xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi), chị Bùi Thị Tý (41 tuổi) không chỉ là cán bộ gương mẫu, nhiệt tình mà còn đi đầu trong phát triển kinh tế gia đình tại địa phương.
Gặp được chị Tý rất khó, bởi chị luôn bận rộn với công việc. Để chắc chắn, tôi tìm đến nhà chị lúc giữa trưa. Đang cặm cụi lau dọn căn nhà cấp 4 khang trang còn thơm mùi sơn, chị Tý phấn khởi khoe: Thành quả sau nhiều năm lao động của vợ chồng tôi đấy, phải nỗ lực lao động, tằn tiện chi tiêu mới có được. Rồi chị thân tình kể về quá trình lập nghiệp của gia đình mình.
Gia đình chị rời tỉnh Thái Bình vào đây lập nghiệp năm 2004, với số vốn chỉ đủ mượn 2 ha đất để canh tác trồng rau màu. Ngày ấy, chỗ ở của gia đình chị là căn chòi tạm bợ. “Hồi đó xung quanh không có nhà, chỉ toàn đất trống, mà đất bạc màu lắm, chỉ toàn trồng khoai với đậu. Chồng tôi hồi đó không có nghề nghiệp, ai kêu gì làm nấy để có tiền mưu sinh qua ngày” – chị Tý nhớ lại.
Sau hơn 4 năm vật lộn với nắng mưa, nhờ chi tiêu tiết kiệm, gia đình chị đã mua lại được mảnh vườn, đầu tư đào ao nuôi cá và chăn nuôi heo. Năm 2010, xem trên báo đài thấy nhiều nơi trên địa bàn tỉnh trồng cà phê cho thu nhập cao, vợ chồng chị đã đến gặp trực tiếp các chủ vườn để học hỏi kinh nghiệm. Năm ấy, gia đình chị đã dùng hết số tiền tích lũy trước đó, bán bớt heo, vay mượn người thân để mua thêm 2 ha đất trồng cà phê.
Vườn rau xanh tốt của gia đình chị Tý. Ảnh: VT
Năm 2014, nhận thấy thổ nhưỡng, khí hậu ở đây phù hợp để phát triển cây ăn trái, gia đình chị mua thêm 8 sào đất đầu tư trồng cây ăn trái hữu cơ như ổi lê, mít Thái để bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Đến nay, vườn cây ăn trái của chị đã cho thu nhập ổn định và được nhiều người dân, thương lái tìm đến tận vườn để mua.
Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Xú Lương Thị Hằng góp chuyện: Điều làm tôi ngưỡng mộ nhất đó chính là sản phẩm ổi lê của chị Tý được xã lựa chọn dự thi Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) trong năm vừa qua. Nhờ cần cù, chịu khó mà giờ đây gia đình chị Tý là một trong những hộ đi đầu về phát triển kinh tế ở địa phương, với tổng thu nhập khoảng 500 triệu đồng một năm.
Thấy tôi ngạc nhiên về mức thu nhập khá cao, chị Tý xởi lởi phân tích khoảng lãi ròng trong một năm: Thu từ nuôi heo hơn 300 triệu đồng, cà phê 50 triệu đồng, trái cây hữu cơ 100 triệu đồng, các loại rau màu khác hơn 50 triệu đồng…
Với mô hình nuôi heo sinh sản và heo thịt, mỗi năm gia đình chị Tý thu hơn 300 triệu đồng. Ảnh: V.T
“Nhận thấy mô hình chăn nuôi heo đem lại hiệu quả kinh tế cao, tôi đã tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ mạnh dạn đầu tư vốn vào phát triển mô hình này để phát triển kinh tế gia đình, góp phần thực hiện chương trình giảm nghèo tại địa phương” – chị Tý chia sẻ.
Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Tý còn là một cán bộ gương mẫu. Với cương vị là Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn kiêm Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Ngọc Yên Phúc, chị thường xuyên “đến tận ngõ, gõ tận cửa” tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để mọi người cùng nắm bắt, thực hiện. Bên cạnh đó, chị còn vận động các hội viên thực hiện tốt phong trào “5 không, 3 sạch”, nhờ vậy mà trong thôn không xảy ra tình trạng ăn cắp vặt, thanh niên tụ tập cờ bạc, rượu chè; đường làng ngõ xóm luôn xanh, sạch đẹp, trong thôn không có hộ nghèo nào.
Bằng những việc làm, hành động thiết thực của mình, chị Bùi Thị Tý đã được các cấp, các ngành trao tặng nhiều danh hiệu thi đua. Chị vinh hạnh được UBND tỉnh tặng Bằng khen về “Học tập và làm theo tư tương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, gần đây chị là một trong những cá nhân được Hội LHPN tỉnh biểu dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2020.
Văn Tùng. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT