Là một trong những trang phục truyền thống của phụ nữ Việt, chiếc áo tứ thân thấm đẫm hồn dân tộc và gắn liền với lịch sử nước nhà.
“Nào đâu cái áo tứ thân, cái khăn mỏ quạ cái quần nái đen” – những câu thơ giản dị và mộc mạc về hình ảnh chiếc áo tứ thân đậm đà hồn người con gái Việt, khơi gợi nét thôn quê, dân dã của nhà thơ Nguyễn Bính đã trở nên rất quen thuộc với những người dân Việt Nam.
Cho đến nay, vẫn chưa ai biết rõ được nguồn gốc chính xác của chiếc áo tứ thân. Một số di sản khảo cổ tìm thấy hình ảnh của chiếc áo dài tứ thân với hai tà áo thướt tha bay trong gió trên các hình khắc mặt trống đồng Ngọc Lũ từ cách đây vài nghìn năm.
Chiếc áo tứ thân sặc sỡ ngày nay chủ yếu được sử dụng
trong trình diễn và trên sân khấu.
Theo truyền thuyết kể lại, trong cuộc khởi nghĩa đánh đuổi quân Hán xâm lược, Hai Bà Trưng đã mặc một chiếc áo dài có 2 tà giáp vàng. Do tôn kính 2 Bà nên phụ nữ Việt tránh mặc áo dài 2 tà mà thay bằng áo tứ thân.
Hình ảnh phụ nữ Bắc Kỳ cuối thế kỉ XIX.
Một cách lý giải khác là do kỹ thuật dệt ngày xưa còn khá thô sơ, chỉ dệt ra loại vải có khổ hẹp (khoảng 40 cm) nên muốn may thành một chiếc áo phải ghép 4 mảnh lại với nhau.
Hay áo dài giao lãnh (kiểu sơ khai của chiếc áo dài Việt Nam) trước kia khi mặc thường để hai thân trước giao nhau chứ chứ không buộc lại. Để thuận tiện cho công việc đồng áng, buôn bán … chiếc áo dài giao lãnh dần biến thành chiếc áo tứ thân.
Chiếc áo tứ thân được cấu tạo bởi phần lưng áo gồm hai mảnh vải cùng gam màu ghép lại với nhau, phía trước có hai thân tách rời ra và được buộc lại với nhau, thả trước bụng để tạo sự mềm mại và uyển chuyển khi mặc. Phía trên phần ngực không gài hết mà để lộ chiếc yếm thắm ẩn ở bên trong.
Áo tứ thân dài gần chấm gót thường đi kèm với chiếc quần lĩnh đen và thắt lưng lụa màu. Đi cùng với chiếc áo tứ thân phải có chiếc yếm, khăn mỏ quạ, nón quai thao. Hình ảnh đó được giữ cho đến tận bây giờ ở những liền chị quan họ vùng Kinh Bắc.
Những chiếc áo tứ thân đều mang màu sắc tự nhiên
được nhuộm bằng các nguyên liệu thiên nhiên sẵn có.
Những chiếc áo tứ thân như này thường có màu sắc tự nhiên, do được các bà, các mẹ khi đó sử dụng củ nâu, lá bàng giã nhỏ hay bùn dẻo dưới ao để làm màu nhuộm. Tất cả những điều đó đã tạo ra bộ trang phục đơn giản, tế nhị và kín đáo, mang đậm sắc thái Á Đông.
Đến khoảng thế kỷ 17-19, những phụ nữ thành thì đã biến tấu kiểu áo tứ thân thành áo ngũ thân để thể hiện đẳng cấp quyền quý và sang trọng của mình.
Trải qua bao thăng trầm của lịch sử cùng với sự giao thoa giữa các nền văn hóa trong quá trình hội nhập đã khiến cho văn hóa mặc của phụ nữ Việt cũng có nhiều sự thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội.
Gần đây, cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, chiếc áo tứ thân đã đi vào ngành thời trang với những thiết kế cách tân, cường điệu vô cùng táo bạo. Một số thiết kế đã được đem đi trình diễn trên đấu trường quốc tế trong các cuộc thi nhan sắc lớn.
Giáo dục Việt Nam/Pháp luật plus
Nguồn: http://phunuvietnam.vn-HT