Từ tháng 12/2016, nhiều chính sách mới thuộc lĩnh vực lao động, y tế bắt đầu có hiệu lực.
Ngạch công chức Quản lý thị trường
Chính phủ ban hành Nghị định 148/2016/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết thi hành một số quy định của Pháp lệnh Quản lý thị trường (QLTT).
Theo đó, công chức QLTT là người được tuyển dụng vào làm việc tại cơ quan Quản lý thị trường theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và được đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, bổ nhiệm vào các ngạch công chức QLTT như sau:
– Kiểm soát viên cao cấp thị trường.
– Kiểm soát viên chính thị trường.
– Kiểm soát viên thị trường.
– Kiểm soát viên trung cấp thị trường.
Công chức QLTT phải đảm bảo các tiêu chuẩn của công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức và tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ cụ thể theo ngạch công chức QLTT.
Quy định mới về điều kiện khấu trừ thuế giá trị gia tăng (GTGT)
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 173/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 15/12/2016) sửa đổi Khoản 3 Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC về chứng từ thanh toán qua ngân hàng, Theo đó:
– Bỏ quy định: Tài khoản của bên mua và của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế đối với điều kiện về chứng từ thanh toán qua ngân hàng để khấu trừ thuế GTGT.
Như vậy, đơn vị vẫn được khấu trừ thuế GTGT đầu vào trường hợp tài khoản của bên mua và bên bán không thông báo hay đăng ký với cơ quan thuế nhưng đảm bảo đủ các điều kiện.
– Không cần đăng ký tài khoản với cơ quan thuế khi bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua sang tài khoản bên bán mang tên chủ DNTN hoặc bên mua thanh toán từ tài khoản của bên mua mang tên chủ DNTN sang Tài khoản bên bán.
Danh mục và tỷ lệ thanh toán bảo hiểm đối với dịch vụ kỹ thuật y tế
Theo Thông tư 35/2016/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 01/12/2016) Danh mục dịch vụ kỹ thuật y tế thuộc phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế là các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con được phép thực hiện tại Việt Nam gồm:
– Danh mục chuyên môn kỹ thuật trong khám bệnh, chữa bệnh ban hành kèm theo Thông tư 43/2013/TT-BYT.
– Danh mục phân loại phẫu thuật, thủ thuật ban hành kèm theo Thông tư 50/2014/TT-BYT.
– Các dịch vụ kỹ thuật y tế đã được Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt thực hiện tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chưa có trong Thông tư 43/2013/TT- BYT, Thông tư 50/2014/TT-BYT.
Giới hạn tiếng ồn cho phép tại nơi làm việc
Đây là nội dung được đề cập tại Thông tư 24/2016/TT-BYT (có hiệu lực từ ngày 1/12/2016) quy định Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn – Mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc.
Theo đó, mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc được quy định như sau:
– Giới hạn cho phép mức áp suất âm theo thời gian tiếp xúc:
+ Trong 01 phút: không được vượt quá 112 dBA.
+ Trong 01 giờ: không được vượt quá 94 dBA.
+ Trong 08 giờ: không được vượt quá 85 dBA.
– Giới hạn cho phép mức áp suất âm tại các vị trí lao động:
+ Tại vị trí làm việc, lao động, sản xuất trực tiếp: không được vượt quá 85 dBA.
+ Các phòng chức năng, hành chính, kế toán, kế hoạch: không được vượt quá 65 dBA.
+ Các phòng lao động trí óc, nghiên cứu thiết kế, thống kê, lập chương trình máy tính, phòng thí nghiệm lý thuyết: không được vượt quá 55 dBA.
Hướng dẫn thanh toán BHYT đối với cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân
Theo Thông tư 43/2016/TT-BCA cán bộ, chiến sĩ khi khám bệnh, chữa bệnh (KCB) BHYT đúng quy định tại Điều 26, 27 và 28 Luật Bảo hiểm y tế sửa đổi, bổ sung 2014 và Điều 15 Nghị định 70/2015/NĐ-CP thì được quỹ KCB BHYT thanh toán các chi phí trong phạm vi:
– Chi phí KCB phục hồi chức năng, khám thai định kỳ và sinh con; chi phi này không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và các dịch vụ kỹ thuật y tế theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế.
– Chi phí vận chuyển quy định tại Khoản 5 Điều 11 Nghị định 70/2015/NĐ-CP.
– Chi phí KCB ngoài phạm vi hưởng BHYT bao gồm: thuốc, hóa chất, vật tư y tế được cấp phép lưu hành tại Việt Nam và các dịch vụ kỹ thuật y tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo chỉ định của chuyên môn.
Thông tư 43/2016/TT-BCA có hiệu lực từ ngày 09/12/2016.
Điều kiện hỗ trợ đào tạo lao động mất việc làm
Theo Thông tư 152/2016/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 04/12/2016) lao động là đối tượng theo quy định tại Điều 2 Quyết định 46/2015/QĐ-TTg mất việc sẽ được nhà nước hỗ trợ đào tạo khi đáp ứng các điều kiện:
Trường hợp làm việc theo hợp đồng có một trong các giấy tờ:
– Quyết định thôi việc, buộc thôi việc.
– Quyết định sa thải; thông báo hoặc thỏa thuận chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc.
– Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đã hết hạn hoặc đã hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động.
– Trường hợp làm việc không theo hợp đồng: Giấy xác nhận của người sử dụng lao động.
– Trường hợp tự tạo việc làm: Giấy đăng ký kinh doanh còn hiệu lực hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã (trong trường hợp không có giấy đăng ký kinh doanh).
Đồng thời, Thông tư cũng quy định điều kiện người học được hỗ trợ đào tạo đối với lao động nông thôn, người khuyết tật, người đã được hỗ trợ đào tạo nhưng bị mất việc làm, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh.
Hướng dẫn tính phụ cấp độc hại khi công tác tại nghĩa trang liệt sĩ
Thông tư 30/2016/TT-BLĐTBXH hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm áp dụng đối với người làm công tác quản trang tại nghĩa trang liệt sĩ có hiệu lực ngày 10/12/2016.
Theo đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm được tính theo thời gian thực tế làm việc tại nơi có các yếu tố độc hại, nguy hiểm:
– Làm việc dưới 4 giờ/ngày: tính bằng 1/2 ngày làm việc;
– Làm việc từ 4 giờ trở lên: tính cả ngày làm việc.
Phụ cấp độc hại, nguy hiểm được trả cùng kỳ lương hàng tháng và không để dùng tính đóng, hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn miền núi giai đoạn 2016-2020
Theo Quyết định 50/2016/QĐ-TTg (có hiệu lực từ ngày 20/12/2016) về tiêu chí xác định thôn đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2016-2020 thì thôn đặc biệt khó khăn là thôn có 1 trong 2 tiêu chí sau:
– Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 65% trở lên (trong đó tỷ lệ hộ nghèo từ 35% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020.
– Tổng tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo từ 55% trở lên (các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 30% trở lên) theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016 – 2020 và có 2 trong 3 yếu tố sau (đối với các thôn có số hộ dân tộc thiểu số từ 80% trở lên, cần có 1 trong 3 yếu tố).
– Trục chính đường giao thông thôn hoặc liên thôn chưa được cứng hóa theo tiêu chí nông thôn mới;
– Từ 60% trở lên số phòng học cho lớp mẫu giáo chưa được kiên cố.
– Chưa có Nhà văn hóa – Khu thể thao thôn theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020
Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 1980/QĐ-TTg về Bộ tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016 – 2020 (Gọi tắt là Bộ tiêu chí xã).
Theo đó, ban hành 19 tiêu chí quốc gia về xã nông thôn mới giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nổi bật một số chỉ tiêu như sau:
– ≥ 98% hộ sử dụng điện thường xuyên, an toàn từ các nguồn;
– ≥ 80% trường học các cấp có cơ sở vật chất và thiết bị dạy học đạt chuẩn quốc gia;
– ≥ 80% hộ gia đình có nhà ở đạt tiêu chuẩn theo quy định;
– ≥ 90% người có việc làm trên dân số trong độ tuổi lao đông có khả năng tham gia lao động;
– ≥ 85% người dân tham gia bảo hiểm y tế;
– ≥ 85% hộ gia đình có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch;
100% hộ gia đình và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm tuân thủ quy định an toàn thực phẩm.
Xem chi tiết 19 tiêu chí của 05 lĩnh vực tại Quyết định 1980/QĐ-TTg có hiệu lực từ ngày 01/12/2016, thay thế Quyết định 491/QĐ-TTg ngày 16/4/2009 và Quyết định 342/QĐ-TTg ngày 20/02/2013.
Tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua bưu điện
Theo Quyết định 45/2016/QĐ-TTg về tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) qua dịch vụ bưu chính công ích thì tổ chức, cá nhân khi thực hiện TTHC qua dịch vụ bưu chính công ích có thể lựa chọn một trong các hình thức:
– Gửi hồ sơ giải quyết TTHC;
– Nhận kết quả giải quyết TTHC;
– Gửi hồ sơ và nhận kết quả giải quyết TTHC.
Tổ chức, cá nhân nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có) theo các phương thức:
– Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản phí, lệ phí của cơ quan có thẩm quyền;
– Trực tiếp nộp hoặc chuyển vào tài khoản của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích để chuyển cho cơ quan có thẩm quyền;
– Nộp phí, lệ phí giải quyết TTHC bằng phương thức khác nếu được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận.
Chứng từ nộp tiền, chuyển khoản tiền phí, lệ phí giải quyết TTHC hoặc Biên lai thu phí, lệ phí giải quyết TTHC (nếu có) được gửi kèm theo hồ sơ đến cơ quan, người có thẩm quyền.
Ngoài ra, 9 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (QCKTQG) liên quan đến nơi làm việc có hiệu lực từ tháng 12/2016. Cụ thể như sau:
– QCKTQG về điện từ trường tần số cao – mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số cao tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 21/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về chiếu sáng – mức cho phép chiếu sáng nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 22/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về bức xạ tử ngoại – mức tiếp xúc cho phép bức xạ tử ngoại tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 23/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về tiếng ồn – mức tiếp xúc cho phép tiếng ồn tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 24/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về điện từ trường tần số công nghiệp – mức tiếp xúc cho phép điện từ trường tần số công nghiệp tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 25/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về vi khí hậu – giá trị cho phép vi khí hậu tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 26/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về rung – giá trị cho phép tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 27/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về bức xạ ion hóa – giới hạn liều tiếp xúc bức xạ ion hóa tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 29/2016/TT-BYT.
– QCKTQG về bức xạ tia X – giới hạn liều tiếp xúc bức xạ tia X tại nơi làm việc ban hành kèm theo Thông tư 30/2016/TT-BYT.