Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga phát biểu khai mạc Hội thảo
Ủy viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga nhấn mạnh: Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ.
Chiều 14/12, Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới“.
Các đại biểu tham dự Hội thảo “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” diễn ra chiều ngày 14/12
Báo Phụ nữ Việt Nam xin đăng toàn văn bài phát biểu khai mạc của Uỷ viên TƯ Đảng, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Hà Thị Nga tại Hội thảo.
Ban hành nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi liên quan đến phụ nữ (*)
Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà khoa học!
Năm 2018, Ban Bí thư Trung ương Đảng tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 11 về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và ban hành Chỉ thị 21 về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới, đã tạo thêm động lực, cơ chế cho công tác phụ nữ. Quan điểm, mục tiêu xuyên suốt của Đảng tại Nghị quyết 11 và Chỉ thị 21 đã xác định “Công tác phụ nữ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và từng gia đình. Trong đó, hạt nhân lãnh đạo là các cấp ủy đảng, trách nhiệm trực tiếp và chủ yếu là cơ quan quản lý nhà nước các cấp, vai trò chủ thể là phụ nữ mà nòng cốt là các cấp Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam“.
5 năm qua, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt của cấp ủy, sự vào cuộc đồng bộ, nghiêm túc triển khai thực hiện của các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể, sự tích cực, sáng tạo, phát huy vai trò nòng cốt của các cấp Hội phụ nữ, công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ đã có nhiều thay đổi tích cực, đáng ghi nhận. Nhiều cơ chế, chính sách về kinh tế, lao động, việc làm, phúc lợi xã hội có liên quan đến phụ nữ đã được ban hành, góp phần phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh xã hội. Phụ nữ ngày càng tham gia sâu rộng trên mọi lĩnh vực đời sống kinh tế – xã hội và khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp vào sự phát triển chung của địa phương, đất nước.
Tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 26,5% – thuộc nhóm dẫn đầu khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam là một trong những nước đứng đầu về tỷ lệ nữ tham gia hoạt động gìn giữ hòa bình với tỷ lệ 16% (so với tỷ lệ chung của các nước khoảng 10%).
Trong lĩnh vực thể dục – thể thao, thành tích của nhiều vận động viên nữ trên các đấu trường thể thao đỉnh cao đã ghi dấu ấn của Việt Nam ở khu vực và thế giới, làm nức lòng người dân trong nước.
Chính sách phát triển đội ngũ cán bộ nữ không ngừng được đổi mới, hoàn thiện và tổ chức thực hiện đồng bộ, chú trọng chăm lo phát triển tài năng nữ và nguồn nhân lực nữ chất lượng cao. Ngày càng có nhiều phụ nữ tham gia vào các vị trí quan trọng trong hệ thống chính trị. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ Đảng các cấp trong các nhiệm kỳ đều tăng. Tính đến tháng 12/2022, các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ có lãnh đạo chủ chốt là nữ chiếm tỷ lệ 50%, dần tiệm cận với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới (đến năm 2025 là 60%).
Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV đạt 30,26% – cao hơn mức trung bình của thế giới và khu vực, đứng đầu trong Hội đồng Liên minh nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á.
Qua đó, Việt Nam được đánh giá là 1 trong 10 quốc gia thực hiện tốt nhất mục tiêu số 5 về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái trong các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc; đạt được nhiều kết quả tích cực về thu hẹp khoảng cách giới trong nhiều lĩnh vực; năm 2023, Việt Nam tăng 11 bậc về thu hẹp khoảng cách giới so với năm 2022 (từ thứ hạng 83 lên 72 trong số 146 nước tham gia xếp hạng).
Đổi mới để đáp ứng tốt hơn nhu cầu chính đáng của phụ nữ (*)
Bên cạnh những điểm sáng tích cực, cũng còn không ít những hạn chế, thách thức đặt ra, cần được tiếp tục quan tâm giải quyết trong thời gian tới, đó là:
– Định kiến giới, khuôn mẫu giới tiếp tục tác động và ảnh hưởng đến cơ hội phụ nữ tham gia vào các lĩnh vực khác nhau trong xã hội.
– Nhiều vấn đề xã hội tiếp diễn ảnh hưởng tiêu cực đến phụ nữ và công tác phụ nữ, như: nghèo đói; biến đổi khí hậu; biến đổi chức năng gia đình; già hóa dân số; các vấn đề an ninh trật tự, đạo đức xã hội liên quan đến an toàn của phụ nữ, trẻ em.
– Các vấn đề thời kỳ hậu Covid-19.
– Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý còn thấp so với số lượng và tiềm năng của lực lượng lao động nữ cũng như so với yêu cầu phát triển của đất nước; còn nhiều địa phương, nhiều ngành, nhiều lĩnh vực đang thiếu vắng sự tham gia của phụ nữ ở vai trò lãnh đạo, quản lý, nhất là người đứng đầu; vẫn còn tỉnh, huyện, xã không có cán bộ nữ trong ban thường vụ, cá biệt còn xã không có cấp ủy viên là nữ.
Nhận thức, nhu cầu ngày càng cao của phụ nữ về thụ hưởng thành quả của công cuộc đổi mới đất nước đòi hỏi các tổ chức chính trị – xã hội, trong đó có tổ chức Hội phải thường xuyên đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu chính đáng của phụ nữ. Qua đó, các cấp, các ngành tiếp tục nghiên cứu cụ thể, có chiều sâu hơn để phát huy vai trò của các lực lượng phụ nữ trong xây dựng đất nước.
Kính thưa quý vị đại biểu, các nhà khoa học!
Với sự định hướng của Thường trực Ban Bí thư, thời gian vừa qua, Đảng đoàn Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Dân vận Trung ương và các tỉnh ủy tổ chức 3 hội thảo khu vực: miền Bắc tại tỉnh Yên Bái, khu vực miền Trung – Tây Nguyên tại tỉnh Gia Lai và khu vực miền Nam tại tỉnh Sóc Trăng.
Từ kết quả của 3 hội thảo chuyên đề tại 3 khu vực này, hôm nay, hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới” được tổ chức nhằm đánh giá một cách toàn diện kết quả thực hiện công tác phụ nữ thời gian qua, tiếp tục chỉ ra những điểm mạnh và những điểm bất cập cũng như những khó khăn, thách thức trong quá trình thực hiện dưới nhiều góc độ, chiều cạnh khác nhau, từ góc độ quản lý nhà nước, thực tiễn địa phương và từ các chuyên gia, nhà khoa học, góp phần đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 11 và Chỉ thị 21 về công tác phụ nữ.
Đồng thời, tiếp tục cụ thể hóa Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về công tác phụ nữ và mới đây nhất là Nghị quyết 43 về tiếp tục phát huy truyền thống, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, xây dựng đất nước ta ngày càng phồn vinh, hạnh phúc, trong đó xác định “Chăm lo xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới đồng thời phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ, khát vọng vươn lên của phụ nữ; tích cực xây dựng gia đình Việt Nam no ấm, tiến bộ, hạnh phúc. Hoàn thiện và thực hiện tốt chính sách, pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ; đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi bạo lực, mua bán, xâm hại phụ nữ, trẻ em”.
Ban tổ chức hội thảo trân trọng cảm ơn các bộ, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, các quý vị đã quan tâm, gửi báo cáo đến hội thảo. Với gần 40 bài tham luận gửi đến hội thảo và hơn 200 đại biểu tham dự, Ban tổ chức hội thảo mong muốn quý vị tiếp tục trao đổi, bàn luận để làm sâu sắc hơn các nội dung của hội thảo, nhất là phân tích những vấn đề đặt ra trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai thực hiện công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ thời gian tới.
Với ý nghĩa đó, thay mặt Ban tổ chức hội thảo, tôi xin khai mạc Hội thảo khoa học “Phát huy vai trò của phụ nữ Việt Nam trong thời đại mới”.
Kính chúc quý vị đại biểu mạnh khỏe. Chúc Hội thảo thành công.
Xin trân trọng cảm ơn.
Nguồn:phunuvietnam.vn