Lấy sự an toàn của phụ nữ và trẻ em là mục tiêu hành động, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã có nhiều hoạt động thiết thực, giúp “phái yếu” biết cách tự bảo vệ, xây dựng môi trường an toàn cho chính mình.

19h tối, chị Nguyễn Thị Lý – Chủ tịch Hội LHPN xã Sa Bình, huyện Sa Thầy tất bật dong xe đến tham gia buổi sinh hoạt phụ nữ thôn Khúc Na. Mấy tháng nay, nhất là thời điểm mùa mưa, cán bộ Hội Phụ nữ xã luôn tham gia sinh hoạt, tuyên truyền, giúp chị em nâng cao kiến thức, biết cách chăm sóc và bảo vệ chính mình.

Chị Lý cho biết, thời điểm năm 2016-2017, vào mùa mưa, trên địa bàn xã xảy ra một số vụ bị sét đánh, trong đó có trường hợp mẹ địu con đi làm rẫy bị sét đánh tử vong. Thấy mối nguy hại của giông sét, chị liền đưa nội dung này vào tuyên truyền.

“Tôi lên mạng tìm hiểu thông tin, một số biện pháp phòng tránh khi có giông sét rồi chia sẻ, hướng dẫn lại cho chị em. Không chỉ hào hứng lắng nghe, các chị còn mạnh dạn chia sẻ kinh nghiệm để phòng tránh sét đánh. Nhờ công tác tuyên truyền, mùa mưa năm nay không có trường hợp nào bị sét đánh” – chị Lý nói.

Bên cạnh giông sét, nhận thấy trên địa bàn xã hàng năm vẫn xảy ra tình trạng đuối nước, cán bộ Hội liền tập trung tuyên truyền giúp chị em phụ nữ hiểu về cách phòng chống, xử trí khi bị đuối nước…

“Trên địa bàn xã có nhiều ao, hồ, lại có sông chảy ngang qua nên vào mùa hè, trẻ em hay đi tắm sông, hồ. Được nhà trường cũng như các chị phụ nữ tuyên truyền, chúng tôi cảnh giác, thường xuyên nhắc nhở các con không được đi tắm ao, hồ, sông, suối. Nhờ đó, năm nay ở làng không có trẻ em bị đuối nước” – chị Y Nguyệt, làng Khúc Na cho biết.

gggggggggggggggggggggggggg

Các cấp Hội Phụ nữ luôn đồng hành, trở thành điểm tựa của phụ nữ và trẻ em. Ảnh: BA

Để hạn chế tình trạng ngộ độc nấm, vào mùa mưa, cán bộ hội còn đi tận ngõ, gõ tận cửa, nhắc nhở chị em và các cháu không được ăn nấm lạ.

“Chúng tôi linh hoạt, tuyên truyền bằng nhiều hình thức để chị em dễ tiếp nhận thông tin. Vào ngày Quốc tế Thiếu nhi, cùng với việc phát quà, bánh kẹo, chúng tôi hướng dẫn các chị việc lựa chọn bánh kẹo, thực phẩm có nguồn gốc, còn hạn sử dụng. Trong dịp 20/10, chúng tôi sẽ cho các chị bốc thăm, trả lời các câu hỏi về xử trí khi bị ngộ độc thực phẩm, khi bị bạo lực gia đình… Qua các hình thức, chúng tôi giúp các chị xây dựng môi trường an toàn cho mình và các con” – chị Lý cho biết.

Cũng như ở huyện Sa Thầy, các cấp Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện Đăk Glei luôn quan tâm triển khai các hoạt động đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em gái. Đặc biệt, ngay sau vụ việc của chị Y Nhiêu, xã Đăk Pét, huyện Đăk Glei bị chủ tra tấn dã man khi đi làm thuê tại  tỉnh Gia Lai, nội dung bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái càng được các cấp Hội Phụ nữ chú trọng.

“Khi sự việc xảy ra, Hội Phụ nữ trên địa bàn huyện đã nhanh chóng nắm bắt thông tin, kịp thời động viên, thăm hỏi, kêu gọi các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ Y Nhiêu điều trị. Đến nay, nhờ sự động viên, chia sẻ của mọi người, sức khỏe của Y Nhiêu đã hồi phục, tâm lý đã ổn định” – chị Phạm Thị Mây – Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Đăk Glei cho biết.

Xem vụ việc trên là hồi chuông báo động, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo Hội Phụ nữ các xã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức, giúp chị em nâng cao nhận thức, có thêm kiến thức, kỹ năng để bảo vệ bản thân; đồng thời thường xuyên xuống cơ sở, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em; nắm bắt tình hình bạo lực gia đình để kịp thời xử lý.

“Vừa qua chúng tôi đã trực tiếp đi truyền thông cho chị em tại 4 xã trên địa bàn huyện, chia sẻ, hướng dẫn cho chị em cách tự bảo vệ bản thân mình, đồng thời biết cách trình báo, tìm đến cơ quan chức năng khi bị xâm hại” – chị Mây cho hay.

Cùng với sự nỗ lực của các cấp Hội cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã tập trung, có nhiều hoạt động thiết thực, tạo không gian an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Trong đó, Hội LHPN tỉnh đã khảo sát hơn 700 hội viên phụ nữ về các vấn đề xã hội liên quan đến thực hiện chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” tại 11 thôn trên địa bàn tỉnh; mở 4 lớp tập huấn kỹ năng chăm sóc trẻ cho 200 cán bộ quản lý, bảo mẫu, giáo viên, các bà mẹ có con dưới 36 tháng tuổi; tổ chức 11 buổi truyền thông nâng cao nhận thức trách nhiệm vai trò của phụ nữ và gia đình về xây dựng nông thôn mới tại các làng “Phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” của 10 huyện/thành phố…

Với nhiều việc làm cụ thể, các cấp Hội luôn gần gũi, nắm bắt tâm tư, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc cho chị em phụ nữ; từng bước đồng hành, trở thành điểm tựa cho phụ nữ và trẻ em.

Bình An. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT