Lần đầu tiên được tổ chức tại tỉnh Kon Tum, buổi đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phối hợp với Hội LHPN tỉnh tổ chức đã tạo điều kiện cho chị em hội viên phụ nữ được bày tỏ tâm tư, nguyện vọng trong quá trình khởi nghiệp. Đồng thời chia sẻ những mô hình khởi nghiệp hiệu quả để chị em cùng học tập.

Tại buổi đối thoại, chị em hội viên phụ nữ đã phản ánh đến lãnh đạo các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh những khó khăn trong việc tiếp cận chính sách hỗ trợ khởi nghiệp của Trung ương, của tỉnh; cách thức tiếp cận nguồn vốn vay, đầu ra cho sản phẩm, điều kiện thành lập hợp tác xã… Chị Y Chon (xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi) đề xuất: “Qua buổi đối thoại và truyền thông hôm nay tôi cũng mong muốn Đảng, chính quyền quan tâm hơn nữa đến chính sách khởi nghiệp của phụ nữ DTTS chúng tôi. Có thể hỗ trợ các nguồn vốn ưu đãi đến chị em tiếp cận được và một số chính sách ưu đã như về cây, con giống chẳng hạn”.

Hội viên phụ nữ trao đổi kinh nghiệm, khó khăn trong quá trình khởi nghiệp

“Xuất phát từ những mong muốn và tâm tư, nguyện vọng của các hội viên đến với buổi đối thoại hôm nay, mong các cấp chính quyền trong tỉnh, cũng như các nhà đầu tư quan tâm hỗ trợ các nguồn vốn vay, để cho chị em DTTS tiếp cận được với nguồn vốn và tiếp cận được với khoa học kỹ thuật để về và khởi nghiệp”. Chị Y Ngoan, Chủ tịch Hội LHPN xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai đề nghị.

Khởi nghiệp là một lĩnh vực hết sức mới mẻ đối với phụ nữ dân tộc thiểu số, nên thực tế gặp những khó khăn nhất định, nhất là trong việc tiếp cận thông tin, tìm kiếm những người chung ý tưởng để khởi nghiệp. Đối thoại cho thấy, đã có nhiều phụ nữ khởi nghiệp thành công, song số lượng và quy mô vẫn còn rất nhỏ, nhất là đối với phụ nữ dân tộc thiểu số. Chị Y Ngoan cho biết: “Khó khăn nhất đối với hội viên phụ nữ DTTS trong quá trình khởi nghiệp là kiến thức để tiếp cận cho khởi nghiệp; khó khăn tiếp theo là công nghệ, khoa học kỹ thuật để cho hội viên người DTTS tiếp cận được và áp dụng được vào sự khởi nghiệp của mình là cả một quá trình nữa”.

Toàn cảnh buổi đối thoại (3)

Nội dung tư vấn, hướng dẫn của các sở, ngành về công tác hỗ trợ cho chị em hội viên phụ nữ trong quá trình khởi nghiệp đã nhận được sự đồng thuận cao của hội viên và lãnh đạo các cấp Hội LHPN. Tại buổi đối thoại, có 5 sáng kiến khởi nghiệp của hội viên, phụ nữ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được các tổ chức, doanh nghiệp đồng hành và hỗ trợ, với tổng kinh phí hơn 650 triệu đồng. Bà Bùi Thị Hoà, Phó Chủ tịch Trung ương Hội LHPN Việt Nam nới: “Những câu hỏi được trao đổi, được nêu lên và trả lời tại chỗ là những câu hỏi rất cụ thể, rất thiết thực để các cơ quan quản lý nhà nước biết được là người dân đang thiếu thứ gì. Thứ hai sự thành công hôm nay giải quyết được đó chính là chúng ta đã có kết nối được với các doanh nghiệp để chị em thấy sản phẩm của chị em sản xuất ra thì có con đường để tiêu thụ và để tiêu thụ được thì chị em phải đảm bảo những sản phẩm của mình như thế nào”.

Đối thoại và truyền thông chính sách hỗ trợ khởi nghiệp cho phụ nữ DTTS là diễn đàn trao đổi, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm khởi nghiệp của phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS. Từ đó, tạo động lực, thúc đẩy trách nhiệm và lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong hội viên, phụ nữ; giúp chị em tự tin khởi nghiệp thành công, ngày càng khẳng định vị trí của mình trên thương trường và xã hội, góp phần quan trọng thực hiện có hiệu quả Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 – 2025”.

Ngọc Chí – Thanh Hà

Nguồn: http://kontumtv.vn-HT