Xác định công tác vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu, những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện cho hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình.
Hiện trên địa bàn tỉnh có trên 110.000 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên, trong đó phụ nữ DTTS chiếm khoảng 53%. Để hỗ trợ hội viên phụ nữ có việc làm, tăng thêm thu nhập, Hội LHPN các cấp trong tỉnh đã tập trung tuyên truyền để chị em thay đổi nhận thức, khơi dậy khát vọng vươn lên thoát nghèo, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động hội viên phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế và duy trì các hình thức tiết kiệm. Phối hợp tổ chức các lớp dạy nghề cho lao động nữ; tăng cường tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật và thành lập các tổ hợp tác, tổ phụ nữ phát triển kinh tế tại các địa phương. Qua đó, giúp chị em hội viên mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất theo chuỗi giá trị, tăng thu nhập và từng bước nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội.
Hỗ trợ vật nuôi cho phụ nữ DTTS thôn Đăk Mút, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà. Ảnh: TRỌNG NGHĨA
Bà Y Phương – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: “Nhằm nâng cao nhận thức của hội viên, phụ nữ về vai trò, trách nhiệm của phụ nữ đối với sự phát triển kinh tế của địa phương, Hội LHPN tỉnh đã mở chuyên mục “Phụ nữ khởi nghiệp” trên trang thông tin điện tử và Tờ thông tin Phụ nữ Kon Tum; tuyên truyền đậm nét trên các trang mạng xã hội như Zalo, Facebook của Hội với hàng trăm lượt tin, bài, thu hút hàng chục nghìn lượt truy cập; phối hợp Đài PT-TH tỉnh, Báo Kon Tum thường xuyên đăng, phát tin, bài về các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp của các cấp Hội”.
Trong thời gian qua, Hội LHPN tỉnh tập trung nghiên cứu, triển khai và áp dụng hiệu quả giải pháp của 2 sáng kiến kinh nghiệm cấp tỉnh “Hỗ trợ phụ nữ xây dựng ý tưởng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh” và sáng kiến “Một số giải pháp hỗ trợ phụ nữ DTTS khởi nghiệp, xây dựng thương hiệu gắn với sản xuất sản phẩm OCOP” trong hệ thống Hội từ tỉnh đến cơ sở. Đồng thời, tăng cường tổ chức tập huấn, hướng dẫn về nghiệp vụ, nâng cao năng lực cho cán bộ Hội, nhất là cấp cơ sở để triển khai các hoạt động đạt chất lượng, hiệu quả.
Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh đã tập trung kết nối, vận động và tranh thủ nguồn lực từ các chương trình, dự án và các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ hội viên, phụ nữ về vốn, kiến thức, khoa học kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh và khởi nghiệp; ưu tiên thành lập các mô hình phát triển kinh tế tập thể để trở thành hạt nhân trong tổ chức và triển khai các hoạt động hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển kinh tế, giúp phụ nữ nghèo thoát nghèo bền vững.
Phụ nữ huyện Ngọc Hồi lựa chọn đầu tư chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình. Ảnh: QT
Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, giai đoạn 2017-2025” của Chính phủ, Hội LHPN tỉnh đã hỗ trợ thành lập 56 mô hình phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh, chủ yếu tập trung vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, phát triển dược liệu với tổng số thành viên là hơn 1.000 phụ nữ DTTS và trực tiếp kết nối, kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hỗ trợ, huy động vay vốn ưu đãi với tổng nguồn vốn hơn 38 tỷ đồng.
Từ năm 2015 đến nay, thông qua hoạt động ủy thác của các cấp Hội, nguồn vốn tín dụng chính sách, vốn ưu đãi đã đến với hơn 60 ngàn lượt hộ nghèo và đối tượng chính sách khác trên địa bàn tỉnh, tạo việc làm cho hơn 4.000 lao động, hơn 2.600 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng trên 34.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường ở nông thôn và 2.500 hộ sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn được vay vốn để sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội đã vận động gần 100.000 lượt hội viên, phụ nữ thực hành tiết kiệm và tham gia các loại hình tiết kiệm với tổng số tiền trên 72 tỷ đồng để tạo lập nguồn vốn chủ động của hội viên, phụ nữ giúp nhau phát triển sản xuất; phối hợp tuyên truyền, vận động hơn 4.052 hội viên, phụ nữ học nghề.
Các cấp Hội đã phối hợp với các ban, ngành liên quan hỗ trợ, giúp đỡ hơn 1.143 hộ phụ nữ thoát nghèo theo tiêu chí giảm nghèo đa chiều. Nhiều mô hình phát triển kinh tế đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho các thành viên, góp phần hỗ trợ phụ nữ thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng.
Phát huy những kết quả đã đạt được, thời gian tới, các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các chính sách giảm nghèo, tín dụng đến hội viên phụ nữ; khuyến khích phát huy nội lực, khai thác, hướng dẫn tiếp cận vốn từ các tổ chức tín dụng; nâng cao chất lượng, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế phù hợp; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất; tăng cường các hình thức hỗ trợ hội viên phụ nữ khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh.
Thực tế cho thấy, những hoạt động đa dạng, phong phú của các cấp Hội LHPN trên địa bàn tỉnh đã và đang có sức lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho gia đình hội viên phụ nữ. Qua đó, góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội tại địa phương.
Quốc Tuấn. Nguồn https://www.baokontum.com.vn/MT