Tại Kỳ họp thứ 7 – HĐND tỉnh khóa XI, nhiệm kỳ 2016 – 2021, các đại biểu HĐND tỉnh Kon Tum đã thảo luận và thông qua các Nghị quyết quy phạm pháp luật nhằm quy định các nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật, cụ thể:
1. Nghị quyết số31/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về phương hướng, nhiệm vụ kinh tế – xã hội năm 2019:
Về các chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2019: Tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trong tỉnh đạt khoảng 9,3%. Cơ cấu kinh tế: Nông – lâm – thuỷ sản 25-26%; Công nghiệp – Xây dựng: 26-27%; Thương mại – Dịch vụ: 39-40%. Thu nhập bình quân đầu người trên 40 triệu đồng. Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 2.466,7 tỷ đồng (trong đó, thu nội địa khoảng 2.232,7 tỷ đồng). Giá trị xuất khẩu: 137 triệu USD. Dân số trung bình: 547 nghìn người. Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 50%. Tỷ lệ hộ nghèo cuối năm 2019 giảm từ 3-4% so với cuối năm 2018. Có thêm 03 xã cơ bản đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2019. Số giường bệnh trên 01 vạn dân đạt 34,2 giường. Tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 90%. Tỷ lệ độ che phủ rừng 62,3%. Tỷ lệ khu công nghiệp, khu chế xuất đang hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt tiêu chuẩn môi trường 100%.
Xác định 03 lĩnh vực đột phá trong năm 2019, cụ thể: (1) Tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, các khu đô thị mới kết hợp với dịch vụ, nhất là trên địa bàn thành phố Kon Tum. Đẩy mạnh đầu tư phát triển các khu, cụm công nghiệp – đô thị – dịch vụ; trong đó chú ý công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu và hệ thống xử lý nước thải trong khu, cụm công nghiệp. (2) Phát triển nông nghiệp đi vào chiều sâu theo hướng sản xuất hàng hóa, ứng dụng công nghệ cao, gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ; bảo tồn, đầu tư phát triển có hiệu quả những loại cây dược liệu, nhất là dược liệu dưới tán rừng; có chiến lược đầu tư phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu Sâm Ngọc Linh Kon Tum, Đẳng sâm Kon Tum và các sản phẩm đặc hữu khác. (3) Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, hình thành Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh; tăng cường xúc tiến đầu tư, hỗ trợ khởi nghiệp.
Hội đồng nhân dân tỉnh giao Ủy ban nhân dân tỉnh; đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh theo chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết này. Giao Thường trực HĐND tỉnh, các Ban của HĐND tỉnh, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát việc thực hiện. Đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các đoàn thể, vận động quần chúng, đoàn viên và hội viên tích cực thực hiện, giám sát việc thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2018.
2.Nghị quyết số34/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về việc sửa đổi, bổ sung Điều 1 Nghị quyết số 69/2016/NQ-HĐND ngày 09/12/2016 của HĐND tỉnh về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020 tỉnh Kon Tum.
Theo Nghị quyết, (1) Sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 1; (2) Sửa đổi tiêu đề khoản 3 và điểm e khoản 3 Điều 1; (3) Sửa đổi tiêu đề khoản 4 và điểm a khoản 4 Điều 1; (4) Sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 1. Kèm theo Nghị quyết là phụ lục số “Kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016 – 2020; nguồn thu để lại chưa đưa vào cân đối ngân sách nhà nước”.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2018.
3.Nghị quyết số37/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 Quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh.
Nghị quyết này áp dụng cho các đối tượng là cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh (không bao gồm cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan, đơn vị Trung ương đóng chân trên địa bàn tỉnh) được quy định tại Điều 1 Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức và nguồn kinh phí thực hiện được quy định cụ thể tại Điều 2 của Nghị quyết. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2018.
4. Nghị quyết số38/2018/NQ-HĐND ngày 07/12/2018 về giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi thuộc phạm vi thẩm quyền quản lý của tỉnh giai đoạn 2018 – 2020.
Nghị quyết này áp dụng cho các đối tượng, gồm: Chủ sở hữu công trình thủy lợi; Chủ quản lý công trình thủy lợi; Tổ chức, cá nhân khai thác công trình thủy lợi; Tổ chức, cá nhân sử dụng sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan trên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Biểu giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với đất trồng lúa:
STT | Biện pháp công trình | Mức giá (1.000 đồng/ha/vụ) |
1 | Tưới tiêu bằng động lực | 1.629 |
2 | Tưới tiêu bằng trọng lực | 1.140 |
3 | Tưới tiêu bằng trọng lực và kết hợp động lực hỗ trợ | 1.385 |
Trường hợp tưới, tiêu chủ động một phần thì mức giá bằng 60% mức giá tại Biểu trên. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng trọng lực thì mức giá bằng 40% mức giá tại Biểu trên. Trường hợp chỉ tạo nguồn tưới, tiêu bằng động lực thì mức giá bằng 50% mức giá tại Biểu trên. Trường hợp phải tạo nguồn từ bậc 2 trở lên đối với các công trình được xây dựng theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, mức giá được tính tăng thêm 20% so với mức giá tại Biểu trên. Trường hợp phải tách riêng mức giá cho tưới, tiêu trên cùng một diện tích thì mức giá cho tưới được tính bằng 70%, cho tiêu được tính bằng 30% mức giá quy định tại Biểu trên.
Mức giá đối với diện tích trồng mạ, rau màu, cây công nghiệp ngắn ngày kể cả cây vụ đông được tính bằng 40% mức giá cụ thể sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi đối với đất trồng lúa.
Mức giá đối với cấp nước để chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và cấp nước tưới đối với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu được tính theo biểu sau:
TT | Các đối tượng dùng nước | Đơn vị | Mức giá theo các biện pháp công trình | |
Bơm | Hồ đập, kênh cống | |||
1 | Cấp nước cho chăn nuôi | đồng/m3 | 1.320 | 900 |
2 | Cấp nước để nuôi trồng thủy sản | đồng/m3 | 840 | 600 |
đồng/m2 mặt thoáng/năm | 250 | |||
3 | Cấp nước tưới các cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu | đồng/m3 | 1.020 | 840 |
Trường hợp cấp nước tưới đối với cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, hoa và cây dược liệu nếu không tính được theo mét khối (m³) thì tính theo diện tích (ha), mức giá bằng 80% mức giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi đối với đất trồng lúa cho một năm theo quy định. Tiêu, thoát nước khu vực nông thôn và đô thị trừ vùng nội thị mức giá bằng 5% mức giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi của tưới đối với đất trồng lúa/vụ. Giá sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi quy định tại Nghị quyết này là giá không có thuế giá trị gia tăng.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 17 tháng 12 năm 2018.
5.Nghị quyết số39/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Quy định nội dung, mức chi hoạt động của Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp tỉnh, Ban tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ Việt Nam cấp huyện trên địa bàn tỉnh:
Về vội dung chi: (1) Chi hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho lãnh đạo Hội đồng tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ tỉnh; lãnh đạo Ban tư vấn thuộc Ủy ban MTTQ cấp huyện là đối tượng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước; (2) Chi hội nghị, hội thảo; (3) Chi công tác phí; (4) Chi mua tài liệu, văn phòng phẩm; (5) Chi viết báo cáo và góp ý bằng văn bản; (6) Các khoản chi khác có liên quan trực tiếp đến hoạt động tư vấn (nếu có).
Về mức chi: (1) Hỗ trợ hoạt động hàng tháng cho lãnh đạo Hội đồng tư vấn: Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn cấp tỉnh bằng 1,0 lần mức lương cơ sở, Phó Chủ nhiệm bằng 0,8 lần mức lương cơ sở; Trưởng Ban tư vấn cấp huyện bằng 0,15 lần mức lương cơ sở; Phó Trưởng Ban tư vấn bằng 0,1 lần mức lương cơ sở; (2) Chi hội nghị, hội thảo, công tác phí được thực hiện theo Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh; (3) Mua tài liệu, văn phòng phẩm, chi khác… được thanh toán theo hóa đơn, chứng từ chi hợp pháp, trong phạm vi kinh phí đã được giao; (4) Mức chi viết báo cáo và góp ý bằng văn bản: Cấp tỉnh mức 500.000 đồng/văn bản hoặc báo cáo; cấp huyện mức 350.000 đồng/văn bản hoặc báo cáo.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018. Trong quá trình thực hiện, nếu các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
6. Nghị quyết số40/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tỉnh:
Nghị quyết này quy định mức chi và việc sử dụng kinh phí để thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên thể thao thành tích cao tham gia tập luyện, huấn luyện và thi đấu thuộc các đội tuyển sau: Đội tuyển tỉnh, Đội tuyển trẻ tỉnh, Đội tuyển năng khiếu tỉnh,Đội tuyển huyện, thành phố thuộc tỉnh.
Nghị quyết áp dụng đối với các đối tượng: Huấn luyện viên, vận động viên thể thao đang tập luyện, huấn luyện tại các trung tâm đào tạo, huấn luyện thể thao, các trường năng khiếu thể thao; Huấn luyện viên, vận động viên thể thao đang làm nhiệm vụ tại các giải thể thao thành tích cao quy định tại Điều 37 Luật Thể dục thể thao năm 2006.
Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng được tính bằng tiền cho một ngày tập trung tập luyện, huấn luyện và thi đấu của một huấn luyện viên, vận động viên cụ thể: (1) Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung tập luyện, huấn luyện (tập luyện, huấn luyện là số ngày huấn luyện viên, vận động viên có mặt thực tế tập trung tập luyện, huấn luyện theo quyết định của cấp có thẩm quyền): (a) Đội tuyển tỉnh: 220.000 đồng/người/ngày, (b) Đội tuyển trẻ tỉnh: 175.000 đồng/người/ngày, (c) Đội tuyển năng khiếu tỉnh: 130.000 đồng/người/ngày. (2) Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với huấn luyện viên, vận động viên trong thời gian tập trung thi đấu, mức chi cụ thể: (a) Đội tuyển tỉnh: 290.000 đồng/người/ngày; (b) Đội tuyển trẻ tỉnh: 220.000 đồng/người/ngày; (c) Đội tuyển năng khiếu tỉnh: 220.000 đồng/người/ngày.
Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên khuyết tật khi được cấp có thẩm quyền triệu tập tập luyện, huấn luyện và thi đấu áp dụng theo mức chi quy định tại các khoản 1, khoản 2 Điều này. Mức chi thực hiện chế độ dinh dưỡng đối với các huấn luyện viên, vận động viên đội tuyển cấp huyện bằng 80% mức chi của đội tuyển tỉnh được quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều này.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018; thay thế Nghị quyết số 06/2012/NQ-HĐND ngày 05/4/2012 của HĐND tỉnh Kon Tum về chế độ dinh dưỡng đặc thù đối với vận động viên, huấn luyện viên thể thao thành tích cao tỉnh Kon Tum. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
7. Nghị quyết số41/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Quy định mức chi thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh:
Nghị quyết nàu áp dụng đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc sử dụng kinh phí sự nghiệp của Chương trình mục tiêu ứng phó với biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh giai đoạn 2016-2020
Về mức chi: (a) Chi xây dựng chương trình, giáo trình, tài liệu tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 123/2009/TT-BTC ngày 17/6/2009 của Bộ Tài chính, trường hợp xây dựng sổ tay hướng dẫn nghiệp vụ, mức chi theo thực tế được cấp có thẩm quyền phê duyệt, trong phạm vi dự toán được giao; (b) Chi đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Kon Tum; (c) Chi điều tra, khảo sát thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 19/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh Kon Tum; (d) Chi công tác phí, hội nghị, thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 11/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh Kon Tum; (đ) Chi tạo lập thông tin, cơ sở dữ liệu, thực hiện theo quy định tại Thông tư số 194/2012/TT-BTC ngày 15/11/2012 của Bộ Tài chính và Thông tư liên tịch số 19/2012/TTLT-BTC-BKHĐT-BTTTT ngày 15/02/2012 của liên Bộ.
Ngoài các mức chi quy định tại Nghị quyết này, các mức chi khác thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình được thực hiện theo chế độ chi tiêu hiện hành do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018. Trong quá trình thực hiện nếu các văn bản dẫn chiếu tại Nghị quyết này được sửa đổi, bổ sung, thay thế thì áp dụng theo các văn bản sửa đổi, bổ sung, thay thế đó.
8. Nghị quyết số42/2018/NQ-HĐNDngày 13/12/2018 Quy định tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước cho các cấp ngân sách trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2017 – 2020:
Tỷ lệ phân chia nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước: (1) Đối với nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do cơ quan Trung ương cấp phép điều tiết cho ngân sách địa phương: Ngân sách cấp tỉnh hưởng 100%. (2) Đối với nguồn thu tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước do UBND tỉnh cấp phép phát sinh trên địa bàn đơn vị hành chính cấp huyện nào thì ngân sách cấp huyện đó hưởng 100%; trường hợp tài nguyên nước nằm trên địa bàn từ hai (02) đơn vị hành chính cấp huyện trở lên, UBND tỉnh quyết định tỷ lệ phân chia nguồn thu này cho ngân sách cấp huyện trong từng trường hợp cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018.
9. Nghị quyết số43/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông giai đoạn 2019-2020 và qui định một số nội dung, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh:
Nghị quyết này quy định mức phân bổ kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Kon Tum từ nguồn thu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông giai đoạn 2019-2020; một số nội dung, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thôngtrên địa bàn tỉnh Kon Tum.
Đối tượng áp dụng: Ban An toàn giao thông tỉnh, Ban An toàn giao thông cấp huyện; Các lực lượng trực tiếp tham gia bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh; Công an tỉnh, Sở Giao thông vận tải, UBND các huyện, thành phố; Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo đảm TTATGT.
Mức phân bổ kinh phí: Giai đoạn 2019 – 2020 kinh phí ngân sách Trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách tỉnh Kon Tum từ nguồn thu xử phạt vi phạm trật tự an toàn giao thông cụ thể: (1) Phân bổ 70% cho lực lượng Công an tỉnh; (2) Phân bổ 30% cho các lực lượng khác của tỉnh tham gia công tác bảo đảm TTATGT, cụ thể: Ban an toàn giao thông tỉnh 10%; Sở Giao thông vận tải (Thanh tra Giao thông vận tải) 5%; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố 10%; Các lực lượng khác 5%.
Một số nội dung chi, mức chi đặc thù phục vụ công tác bảo đảm TTATGT trên địa bàn tỉnh:
- Chi hỗ trợ ban đầu: (a) Người bị thương, bị tai nạn khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT: Mức chi tối đa 2.000.000 đồng/người. Căn cứ vào mức độ bị thương, bị tai nạn Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán có trách nhiệm xem xét quyết định mức hỗ trợ cho phù hợp và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. (b) Hộ gia đình của người bị chết khi đang làm nhiệm vụ bảo đảm TTATGT: 5.000.000 đồng/hộ.
- Chi bồi dưỡng đối với người làm công tác bảo đảm TTATGT: (a) Thanh tra giao thông trực tiếp tham gia công tác bảo đảm TTATGT(bao gồm cả lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra tải trọng xe lưu động, nhưng không gồm lực lượng Công an)mức chi tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng (số lượng, đối tượng, mức chi bồi dưỡng do Thủ trưởng đơn vị được giao dự toán quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình). (b) Thành viên Ban ATGT cấp tỉnh: Trưởng ban 700.000 đồng/người/tháng; Phó Trưởng ban 500.000 đồng/người/tháng; Các thành viên khác, công chức, viên chức tham mưu giúp việc Ban ATGT tỉnh 300.000 đồng/người/tháng. (c) Thành viên Ban ATGT cấp huyện: Trưởng ban 500.000 đồng/người/tháng; Phó Trưởng ban 300.000 đồng/người/tháng; Các thành viên khác, công chức, viên chức tham mưu giúp việc Ban ATGT cấp huyện 200.000 đồng/người/tháng. (d) Người trong các tổ chức, đơn vị cấp tỉnh, huyện không thuộc trường hợp được qui định tại các điểm a, b, c của khoản này khi trực tiếp phối hợp giữ gìn TTATGT: 50.000 đồng/người/ca (01 ca tính đủ từ 04 giờ). (đ) Các lực lượng của cấp xã trực tiếp làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát trật tự an toàn giao thông đường bộ theo quyết định của cấp có thẩm quyền, tối đa không quá 300.000 đồng/người/tháng; Chủ tịch UBND xã căn cứ khả năng cân đối ngân sách của cấp mình, nguồn thu từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ được để lại theo phân cấp, kinh phí ngân sách cấp huyện bổ sung để bảo đảm TTATGT quyết định mức chi đối với từng trường hợp cụ thể nhưng không vượt quá mức chi tối đa.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018.
10. Nghị quyết số46/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 Quy định thẩm quyền xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân trên địa bàn tỉnh:
Nghị quyết này quy định thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản được quy định tại điểm a, b, c, d và điểm đ khoản 6 Điều 7 Nghị định số 29/2018/NĐ-CP ngày 05/3/2018 của Chính phủ quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân.
Thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với: (a) Tài sản là tang vật, phương tiện vi phạm hành chính bị tịch thu; (b) Tài sản vật chứng của vụ án, tài sản của người bị kết án tịch thu; (c) Tài sản là bất động sản vô chủ, tài sản không xác định được chủ sở hữu, tài sản bị đánh rơi, bị bỏ quên, tài sản bị chôn, giấu, bị vùi lấp, chìm đắm được tìm thấy, di sản không có người nhận thừa kế.
Thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân đối với tài sản; thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân không được quy định tại Nghị quyết này thực hiện theo quy định của Nghị định số 29/2018/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Nghị quyết áp dụng đối với các đối tượng: Cơ quan, người có thẩm quyền quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản; Cơ quan, tổ chức, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý, xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân; Các tổ chức, cá nhân khác liên quan.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018.
11. Nghị quyết số48/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 bãi bỏ các Nghị quyết và sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong các Nghị quyết do HĐND tỉnh Kon Tum ban hành:
Bãi bỏ các Nghị quyết: (a) Nghị quyết số 21/2000/NQ-HĐ ngày 19/5/2000 của HĐND tỉnh khóa VIII, Kỳ họp bất thường về việc ban hành bản quy định cụ thể về quản lý Nhà nước và định hướng nội dung; trình tự, thủ tục xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của thôn, làng, tổ dân phố, cụm dân cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum; (b) Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND ngày 21/7/2017 của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ lãi suất tại các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017-2020. Đối với hộ gia đình đã thực hiện việc vay vốn theo Nghị quyết số 06/2017/NQ-HĐND được tiếp tục hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết này đến hết thời hạn vay ghi trong hợp đồng.
Bãi bỏ nội dung trong các Nghị quyết: (a) Mục I “Quy định về bảo vệ và phát triển rừng, khai thác, chế biến và tiêu thụ gỗ” của Nghị quyết về các chuyên đề, đề án do UBND tỉnh và các ngành báo cáo trong kỳ họp ngày 20/7/1995 tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh Khóa VII; (b) Mục XII, “Về tình hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn tỉnh” của Nghị quyết số 04/2002/NQ-HĐ ngày 21/10/2002 về các chuyên đề do UBND tỉnh trình tại kỳ họp thứ 5, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa VIII.
Sửa đổi, bổ sung điểm 8 khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 17/2018/NQ-HĐND ngày 19/7/2018 của HĐND tỉnh quy định mức chi tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của nông dân trên địa bàn tỉnh Kon Tum, như sau: “8. Chi tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ, kiến thức công tác tuyên truyền pháp luật, trợ giúp pháp lý và kỹ năng công tác hòa giải cho cán bộ chuyên trách công tác Hội, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật: Thực hiện theo quy định tại Nghị quyết số 37/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 của HĐND tỉnh Kon Tum quy định mức chi đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Kon Tum”.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018.
12. Nghị quyết số50/2018/NQ-HĐND ngày 13/12/2018 bổ sung khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh “Về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố”:
Theo đó, khoản 1, Điều 1 của Nghị quyết số 04/2014/NQ-HĐND ngày 11/7/2014 của HĐND tỉnh được bổ sung như sau: “c) Đối với các xã thực hiện bố trí Công an chính quy đảm nhiệm các chức danh Công an xã, thì không bố trí chức danh Phó Trưởng Công an và Công an viên thường trực tại xã quy định tại điểm a khoản 1 Điều này để chuyển sang chức danh công tác khác trong tổng số người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã.”.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 23 tháng 12 năm 2018./.
Thái Ninh
Nguồn: http://kontum.gov.vn-HT