Nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho hội viên, Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan (huyện Tu Mơ Rông) triển khai mô hình lò sấy măng khô ở thôn Tê Xô Trong. Sau gần 2 tháng hoạt động, mô hình cho thấy hiệu quả kinh tế bước đầu.
Trên đường dẫn chúng tôi đi thăm lò sấy măng của Hội, chị Y Var – Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan phấn khởi cho biết: “Trước đây, chị em phải đợi trời nắng mới làm măng khô nên hiệu quả không cao. Từ ngày triển khai mô hình lò sấy, dù trời mưa, chị em ở đây vẫn có việc làm, lượng măng khô bán ra thị trường nhiều hơn mọi năm”.
Lò sấy măng được xây dựng tại nhà chị Y Hành – Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Tê Xô Trong, với kinh phí 4 triệu đồng do UBND xã Đăk Tờ Kan hỗ trợ. Trước khi thực hiện mô hình, chị Y Var cùng các hội viên đã đi thăm nhiều lò sấy măng ở các xã khác, học hỏi kinh nghiệm rồi mới triển khai.
Các chị em chẻ măng chuẩn bị cho đợt sấy tiếp theo. Ảnh: VT
Đến nơi, chúng tôi thấy chị Y Hành đang tất bật bên lò sấy nóng hầm hập xếp từng lát măng lên mặt lò. Mấy chị em còn lại xúm xít chẻ măng xếp vào thau, rá tre cho ráo nước, chuẩn bị cho đợt sấy tiếp theo. Chị Y Hành tâm sự: Mùa măng rơi vào tháng 7-9 hằng năm, đây là cao điểm mùa mưa tại Kon Tum. Những năm trước, chị em ở đây thường tranh thủ trời nắng để phơi măng, mà mưa thì sụt sùi cả ngày làm mất rất nhiều thời gian lại không đạt hiệu quả, măng không đủ nắng nên màu không bắt mắt, thường bị mốc. Có nhiều chị em đang phơi măng, trời đổ mưa, mải lo chuyện đồng áng quên đem măng vào, thế là ướt sũng; phần đem bỏ, phần thì phơi lại nhưng có màu xám đen, bán không được giá.
Theo chị Y Hành, từ ngày có lò sấy, thời gian làm măng khô được rút ngắn, có thể làm liên tục, lại cho sản phẩm nhiều hơn, chất lượng hơn. Năm ngoái, chị em làm măng khô bán nhưng không được bao nhiêu, cả mùa phơi được hơn 2 tạ măng tươi, thu được 20 kg măng khô; năm nay chưa hết mùa mà đã làm được 6 đợt, mỗi đợt bán hơn 10kg măng khô. Măng xử lý bằng lò sấy chất lượng tốt, giá bán trung bình từ 160.000-180.000 đồng/kg, tăng cao so với trước đây (chỉ từ 100.000 – 120.000 đồng/kg).
Măng sau khi sấy xong được thương lái thu mua tận nơi. Ảnh: VT
Là một trong những hội viên tham gia mô hình lò sấy măng khô, chị Y Chú (24 tuổi) phấn khởi cho biết: Từ ngày tham gia mô hình, ngoài việc làm rẫy, tôi còn bẻ măng về sấy, mới gần hai tháng thôi mà chị em đã có thu nhập 1,5 triệu đồng/người từ bán măng khô. Lò sấy măng đi vào hoạt động đã giúp chị em có thêm thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, nhất là lo cho các con bước vào năm học mới.
Theo lời chị Y Chú, trên địa bàn xã có nhiều loại măng như măng nứa, măng le…, trước đây chỉ bán măng tươi, ít người mua mà không được giá, còn bây giờ làm măng khô bán được giá cao.
Ngoài chị Y Chú, cùng tham gia mô hình lò sấy măng còn có 7 chị em khác. Chị Y Hoàng cho hay, từ khi tham gia mô hình đã tiết kiệm được 1 khoản tiền lo cho con đi học. “Con trai tôi học lớp 3, nhà xa điểm trường mà cháu toàn đi bộ đi học. Năm nay nhờ làm măng, tôi tích góp và mua cho cháu một chiếc xe đạp. Bây giờ ngày nào cháu cũng dậy sớm, tự đến trường- chị Y Hoàng vui vẻ kể.
Chỉ bao măng khô nặng hơn 10kg được sấy từ hai hôm trước, chị Y Hành phấn khởi khoe: Nếu có thời gian và chịu khó, thì 4 ngày là sẽ làm được hơn 10kg măng như vậy. Chờ đợt này sấy xong, thương lái vô thu mua luôn 1 lần, tổng hơn 20kg.
Chị Y Hoa – Chủ tịch Hội LHPN huyện Tu Mơ Rông nhận xét: Mô hình lò sấy măng của Hội LHPN xã Đăk Tờ Kan tuy nhỏ nhưng đem lại những hiệu quả lớn, đem lại việc làm và thu nhập cho chị em phụ nữ, góp phần giảm nghèo. Trong thời gian tới, Hội sẽ khuyến khích Hội LHPN các xã tích cực nghiên cứu, xây dựng thêm những mô hình mới phù hợp với thực tế để giúp chị em có thêm việc làm, nâng thu nhập.
Văn Tùng. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT