Sáng 17/7/2018, Hội nghị lần thứ 3, Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam khóa XII đã diễn ra tại Hà Nội. Hội nghị có nhiệm vụ tập trung bàn bạc, thảo luận về việc thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW và Nghị quyết số 19-NQ/TW, Ban Chấp hành TW Đảng khóa XII về “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”; “Tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập” (Nghị quyết TW6) trong hệ thống Hội.

Tại các tổ thảo luận, với tinh thần thẳng thắn, nghiêm túc, các đại biểu đã bàn bạc tập trung vào vấn đề tổ chức bộ máy Hội theo 3 cấp: tỉnh, huyện và cấp cơ sở.

HN TW

Toàn cảnh hội nghị

Đối với cấp tỉnh, hiện nay theo sự chỉ đạo của cấp ủy, đa số các tỉnh, thành phố thực hiện củng cố, kiện toàn bộ máy bên trong, trong đó có 5 tỉnh đã triển khai thực hiện trước khi có Nghị quyết TW6 Hầu hết các tỉnh, thành tiến hành rà soát, sáp nhập các ban phong trào, giảm ít nhất 01 đầu mối (phổ biến là mô hình từ 4-5 đầu mối), trừ một số thành phố và tỉnh lớn… Bên cạnh đó, một số tỉnh đã thực hiện và và đang xây dựng đề án theo mô hình cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các đoàn thể. Trong thảo luận, hầu hết các ý kiến đều tán thành phương án 4 đầu mối cấp tỉnh (1 Văn phòng và 3 ban chuyên môn), đơn vị sự nghiệp tự chủ nên quy định mở tùy theo điều kiện thực tế của mỗi địa phương. Tuy nhiên không nên quy định cụ thể tên ban mà để các tỉnh, thành chủ động sắp xếp, định danh phù hợp thực tiễn.

Đối với cấp huyện, các địa phương đang thực hiện củng cố kiện toàn bộ máy bên trong theo hướng tin giản biên chế và giảm số lượng cấp phó, trong đó nhiều tỉnh, thành dự kiến thực hiện mô hình cơ quan tham mưu giúp việc khối MTTQ và các đoàn thể. Đa số các đại biểu thống nhất quy định cấp huyện có tối thiểu 3 biên chế.

Cấp cơ sở sắp xếp lại theo hướng bố trí kiêm nhiệm các chức danh Phó Chủ tịch và chi hội trưởng; một số nơi củng cố kiện toàn, cắt phụ cấp chi hội trưởng; thực hiện mô hình thống nhất hành động… Đây là vấn đề khó, được đại biểu đóng góp nhiều ý kiến nhất tại Hội nghị. Các đại biểu thống nhất cao trong việc đề xuất sửa đổi Quyết định số 282-QĐ/TW ngày 01/4/2015 của Ban Bí thư quy định về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội cấp tỉnh, cấp huyện theo hướng mở rộng phạm vi quy định với bộ máy, cán bộ cấp cơ sở để thực hiện đồng bộ, liên thông trong cả hệ thống. Trường hợp không có quy định trong 282 thì cấp ủy cần thống nhất trong chỉ đạo.

Các đại biểu đề nghị, bộ máy nhất thiết cần quy định Chủ tịch, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ cơ sở phải là nữ, không kiêm nhiệm Chủ tịch Hội Phụ nữ và Phó Chủ tịch các đoàn thể khác. Ở các thôn/tổ dân phố, Ban công tác cộng đồng nếu chỉ còn 3 chức danh có phụ cấp (bí thư, thôn trưởng/ tổ trưởng tổ dân phố, cán bộ công tác đoàn thể) thì cần phải có ít nhất 1 nữ và kiêm nhiệm chi hội trưởng nhằm bảo đảm yếu tố giới cũng như đạt các chỉ tiêu về cán bộ nữ theo các nghị quyết của Đảng.

Đối với cấp chi hội, các ý kiến đều khẳng định sự cần thiết phải duy trì chi hội bởi đây là hệ thống chân rết vô cùng quan trọng trong triển khai công tác Hội đến từng hội viên phụ nữ, từng địa bàn thôn/tổ dân phố. Các đại biểu đưa ra giải pháp: Trung ương Hội cần định hướng, thống nhất trong toàn hệ thống Hội về việc tiếp tục duy trì chi hội trong hệ thống Hội. Tuy nhiên cần thay đổi cách tiếp cận với đối tượng chi hội trưởng theo hướng xã hội hóa, vận động những chị có tâm huyết, tình nguyện tham gia, có điều kiện hoạt động đoàn thể mà không có phụ cấp. Bên cạnh đó, nhiều đại biểu cũng đề nghị cơ chế chăm lo cho chi hội trưởng nên để các tỉnh, thành tự chủ, bố trí tùy theo thực tế.

Kết luận Hội nghị, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà đánh giá, những nội dung thảo luận tại Hội nghị là vô cùng cần thiết và ý nghĩa để các địa phương, các tỉnh, thành có định hướng chung về một vấn đề quan trọng liên quan trực tiếp đến bộ máy, con người của hệ thống Hội. Các ý kiến sẽ được Đoàn Chủ tịch tiếp thu để nghiên cứu, xây dựng văn bản chính thức đề xuất, kiến nghị với Ban Bí thư về việc sửa đổi Quy định 282; đồng thời gửi văn bản đến cấp ủy các địa phương, tạo điều kiện cho các cấp Hội có căn cứ tham mưu với cấp ủy về tinh gọn đầu mối tổ chức bộ máy.

Chủ tịch Hội đề nghị toàn thể Ban chấp hành nhận thức sâu sắc và quyết tâm thực hiện chỉ đạo của Đảng, trong đó tăng cường củng cố kiện toàn tổ chức bộ máy bên trong theo hướng giảm đầu mối, giảm biên chế, giảm số lượng cấp phó nhưng vẫn bảo đảm thực hiện chức năng, nhiệm vụ chính trị của Hội và địa phương, không làm mất đi tính độc lập của Tổ chức; đồng thời cần chủ động rà soát, sắp xếp, phân công nhiệm vụ và nâng cao năng lực cho cán bộ để thích ứng với tình hình mới.

Chủ tịch Hội cũng kết luận để tổ chức Hội hoạt động thông suốt, cần thống nhất trong chỉ đạo từ TW đến cơ sở về việc duy trì chi hội gắn với các giải pháp cụ thể, phù hợp theo thực tế từng địa phương.

Tại Hội nghị đã tiến hành công tác kiện toàn nhân sự. Theo đó, bà Đỗ Thị Thu Thảo, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre được tín nhiệm bầu vào Ủy viên Ban Chấp hành TW Hội LHPN Việt Nam, Ủy viên Đoàn Chủ tịch, giữ chức Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam.

VH

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT