Vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã tổ chức khảo sát, tìm hiểu nhu cầu để tiến tới thành lập mô hình “Tổ phụ nữ liên kết trồng Hồng đẳng sâm” tại 2 xã Mường Hoong và Ngọc Linh – huyện Đăk Glei.
Ảnh: Tư liệu
Đoàn công tác đã dự sinh hoạt với gần 60 hội viên, phụ nữ của 2 chi hội: Làng Mới (xã Mường Hoong) và Tân Rát (xã Ngọc Linh). Qua tuyên truyền, chị em đã hiểu được những lợi ích khi tham gia các tổ liên kết/tổ hợp tác đó là: sản xuất có tính tập trung liên kết, chị em có sự hỗ trợ lẫn nhau về cây giống và kinh nghiệm, được Hội tín chấp vốn vay lãi suất ưu đãi, được hỗ trợ về kỹ thuật và quan trọng là đầu ra sản phẩm ổn định, không bị tư thương ép giá.
Bước đầu khảo sát cho thấy có một số điều kiện thuận lợi như: các hộ đều có diện tích đất ít nhất là 1 sào/hộ, ở gần nhau, nhiều chị em có ý chí, quyết tâm vươn lên thoát nghèo, cần cù, chịu khó lao động, sản xuất. Đồng thời, cấp ủy và chính quyền của Huyện Đăk Glei và 2 xã Mường Hoong, Ngọc Linh cũng ủng hộ rất cao đối với chủ trương thành lập “Tổ phụ nữ liên kết trồng Hồng đẳng sâm” tại địa phương. Dự kiến trong tháng 4-6/2017, Hội LHPN tỉnh Kon Tum sẽ tổ chức ra mắt mô hình này tại 2 xã trên. Nhân chuyến công tác, Thường trực Hội đã thăm và tặng quà cho 4 phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại 2 xã.
Hồng đẳng sâm (sâm dây) là loại dược liệu quý, đặc biệt được phân bổ ở địa bàn gần chân núi Ngọc Linh như Mường Hoong và Ngọc Linh (của huyện ĐăkGLei) và một số xã của huyện Tu Mơ Rông. Nếu loại cây dược liệu này được bảo tồn và phát triển bền vững, có đầu ra ổn định sẽ mở ra hướng đi mới, sẽ góp phần phát triển kinh tế gia đình, giúp hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở những vùng khó khăn này thoát nghèo bền vững, vươn lên làm giàu chính đáng.
Thùy Linh – Ban GĐXH Hội LHPN tỉnh-PL-HT