1. Lịch sử ra đời của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1930)

Dưới chế độ phong kiến và đế quốc, phụ nữ là lớp người bị áp bức, bóc lột, chịu nhiều bất công nhất nên luôn có yêu cầu được giải phóng và sẵn sàng đi theo cách mạng. Ngay từ những ngày đầu chống Pháp, phụ nữ đã tham gia đông đảo vào phong trào Cần Vương, Đông Kinh Nghĩa Thục, Đông Du, còn có nhiều phụ nữ nổi tiếng tham gia vào các tổ chức tiền thân của Đảng Cộng sản Việt Nam như: Hoàng Thị Ái, Thái Thị Bôi, Tôn Thị Quế, Nguyễn Thị Minh Khai…

bh

 

 “… Từ đầu thế kỷ thứ nhất, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa, đánh giặc cứu nước cho đến ngày nay, mỗi khi nước nhà có nguy nan thì phụ nữ ta đều hăng hái đứng lên, góp phần xứng đáng của mình vào sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Nhân dân ta rất biết ơn các bà mẹ cả hai miền Nam Bắc đã sinh đẻ và nuôi dạy thế hệ anh hùng của nước ta…

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, hàng vạn phụ nữ đã trở thành cán bộ chuyên môn các ngành và cán bộ lãnh đạo, làm giám đốc và phó giám đốc các xí nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã nông nghiệp, chủ tịch uỷ ban hành chính, bí thư chi bộ….

Như thế là từ xưa đến nay, từ Nam đến Bắc, từ trẻ đến già, phụ nữ Việt Nam thật là anh hùng…”

(Trích bài nói chuyện của Hồ Chủ Tịch nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20/10/1966).

Từ năm 1927 những tổ chức quần chúng bắt đầu hình thành và thu hút đông đảo tầng lớp phụ nữ như: Công hội đỏ, Nông hội đỏ, các nhóm tương tế, tổ học nghề và các tổ chức có tính chất riêng của giới nữ.

 Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Đông Dương thành lập. Cương lĩnh đầu tiên của Đảng đã ghi: “Nam nữ bình quyền”. Đảng sớm nhận rõ, phụ nữ là lực lượng quan trọng của cách mạng và đề ra nhiệm vụ: Đảng phải giải phóng phụ nữ, gắn liền giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp với giải phóng phụ nữ. Đảng đặt ra: Phụ nữ phải tham gia các đoàn thể cách mạng Công hội, Nông hội) và thành lập tổ chức riêng cho phụ nữ để lôi cuốn các tầng lớp phụ nữ tham gia cách mạng.

Tháng 10/1930, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng ra Án nghị quyết của Trung ương toàn thể hội nghị về Phụ nữ vận động, trong đó nhấn mạnh: “muốn thâu phục cho được hết thảy các phần tử phụ nữ thì ngoài sự cộng tác trong phụ nữ công nông ra, Đảng lại còn phải tổ chức ra các đoàn thể phụ nữ “Phụ nữ hiệp hội”, mục đích là để mưu quyền lợi cho phụ nữ, làm cho phụ nữ được triệt để giải phóng”.  Vì thế, ngày 20/10/1930, Hội Phụ nữ phản đế ra đời.

Ngày 16/6/1941, ra đời Đoàn Phụ nữ cứu quốc. Tiếp đến là Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam (20/10/1946) với Đoàn Phụ nữ cứu quốc làm nòng cốt. Tháng 4/1950, hợp nhất Đoàn Phụ nữ cứu quốc vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Ngày 8/3/1961, thành lập Hội Phụ nữ giải phóng ở miền Nam và tháng 6/1976 thì hợp nhất vào Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam.

Dù tên gọi thay đổi theo từng thời kỳ, nhưng những cống hiến xuất sắc của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và các tầng lớp phụ nữ mãi xứng với tám chữ vàng Bác Hồ trao tặng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” và các huân chương, huy chương cao quý của Đảng, Nhà nước.

  1. Lịch sử ra đời của ngày Phụ nữ Việt Nam (20/10/2010)

Ngày 15/10/2010, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Thông báo số 382-TB/TW nêu rõ: Công nhận ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10 để thể hiện sâu sắc quan điểm của Đảng đối với vai trò của phụ nữ và tổ chức phụ nữ trong sự nghiệp cách mạng của đất nước. Hằng năm, nhân ngày Phụ nữ Việt Nam, các tổ chức, đoàn thể và nhân dân có hình thức kỷ niệm phù hợp để phát huy  truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, xứng đáng với 8 chữ vàng “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang” mà Bác Hồ đã tặng.

  1. Hội LHPN tỉnh Kon Tum từng bước xây dựng tổ chức Hội vững mạnh

Ngày 25/9/1930, Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên của tỉnh Kon Tum được thành lập có ý nghĩa quan trọng không chỉ với toàn thể nhân dân mà còn đặc biệt với phong trào phụ nữ trong công tác đấu tranh chống thực dân Pháp. Tháng 10/1945, Xứ ủy Trung kì có chủ trương tăng cường cán bộ cho Kon Tum, Hội phụ nữ Trung bộ cử đồng chí Võ Thị Hồng Sâm (Nguyễn Thị Sâm) lên công tác tại Gia Lai – Kon Tum để xúc tiến công việc, xây dựng lực lượng cách mạng quần chúng, tổ chức đoàn thể.

Tháng 11/1945, tổ chức Phụ nữ cứu quốc tỉnh Kon Tum được thành lập. Đây là tổ chức phụ nữ đầu tiên của phong trào phụ nữ cách mạng tỉnh Kon Tum dưới sự lãnh đạo của Đảng. Cùng với những người vợ, người mẹ kiên cường của 3 miền Tổ quốc, phụ nữ Kon Tum đồng tâm hiệp lực, chung tay đùm bọc lẫn nhau, chiến đấu với tinh thần kiên cường, bất khuất, góp sức xứng đáng trong sự nghiệp bảo vệ và kiến thiết quê hương.

Gắn liền với sự phát triển của Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh Kon Tum từ khi thành lập đến nay đã trải qua 13 kỳ đại hội. Từ 5 hội viên đầu tiên, đến nay, toàn tỉnh có 70.088 hội viên/92.975 phụ nữ đang tham gia sinh hoạt tại 875 chi hội, 2.495 tổ phụ nữ, trong đó có trên 10.000 hội viên nòng cốt. Trong quá trình hoạt động, các cấp Hội luôn giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, bám sát chức năng của Hội và nhiệm vụ chính trị của địa phương, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động để triển khai tốt các phong trào thi đua của Hội gắn với các phong trào thi đua yêu nước của các cấp, các ngành, của tỉnh. Các phong trào thi đua yêu nước, các chương trình, cuộc vận động do tổ chức Hội triển khai đã liên tục được bổ sung, nâng cao chất lượng và phát triển với nhiều phương thức, nội dung ngày càng đa dạng, phong phú, bám sát quyền, lợi ích hợp pháp, nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Với những thành tích đạt được, Hội LHPN tỉnh Kon Tum vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Ba.

Tự hào về truyền thống vẻ vang và những phẩm chất quý báu của phụ nữ Việt Nam qua các thời kỳ lịch sử, càng thấy rõ trách nhiệm của các cấp Hội và cán bộ, hội viên, phụ nữ trong công tác xây dựng tổ chức Hội, sự nghiệp xây dựng quê hương Kon Tum ổn định và phát triển bền vững. Vì vậy, trong những năm qua, với quan điểm lấy phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ và công tác Hội, vận động phụ nữ phát huy nội lực là trọng tâm, hỗ trợ phụ nữ là mục đích thực hiện, các cấp Hội đã đẩy mạnh việc thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh” và rèn luyện phẩm chất đạo đức của người phụ nữ Việt Nam “Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang”, xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động Hội đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụt rong tình hình mới.

Ngay từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo trọng tâm, trọng điểm, sáng tạo, linh hoạt việc triển khai các chỉ tiêu, nhiệm vụ, khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIII đề ra; tăng cường hỗ trợ hoạt động Hội và phong trào phụ nữ ở các địa bàn vùng khó khăn theo hướng sát địa bàn, gần gũi hội viên; chú trọng xây dựng các mô hình, điển hình tiên tiến, cách làm hay. Công tác đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực và chuyên môn nghiệp vụ, cải tiến lề lối, tác phong làm việc của đội ngũ cán bộ Hội từ tỉnh đến cơ sở, chi/tổ phụ nữ được chú trọng. Công tác an sinh xã hội; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho  hội viên, phụ nữ, nhất là phụ nữ nghèo, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa được thực hiện tốt. Nhiều mô hình phát triển kinh tế phù hợp với đặc thù và điều kiện thực tế cơ sở được quan tâm đầu tư đã tạo điều kiện cho hội viên, phụ nữ phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Qua đó, đã kịp thời động viên các tầng lớp phụ nữ Kon Tum phát huy nội lực và truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, cùng với nhân dân các dân tộc trong tỉnh thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, giữ vững an ninh – quốc phòng trên địa bàn tỉnh.

87 năm xây dựng và trưởng thành – một chặng đường phấn đấu không ngừng của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội LHPN ngày càng xứng đáng là tổ chức đại diện, chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ Việt Nam; luôn giữ vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động nhằm phát huy mọi tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp phụ nữ, đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, đáp ứng yêu cầu của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.