12 năm rời quê hương Yên Thủy (tỉnh Hòa Bình) vào làng Điệp Lốc, xã Ya Tăng (huyện Sa Thầy) lập nghiệp, chị Quách Thị Tâm cùng chồng là anh Bùi Xuân Mừng luôn chí thú, nỗ lực làm ăn. Từ hai bàn tay trắng, đến nay, vợ chồng trẻ, người Mường này đã là hộ gia đình khấm khá.
Ở quê, dù gia cảnh nghèo khó nhưng anh Bùi Xuân Mừng cũng ráng theo được nghề giáo viên. Ra trường, anh được người bà con xin vào dạy học ở xã Ya Ly (huyện Sa Thầy). Năm 2005, chị Quách Thị Tâm cũng đã theo chồng vào đây lập nghiệp. Dành dùm được ít tiền, vợ chồng anh chị mua được khoảnh đất ở làng Điệp Lốc (xã Ya Tăng) để dựng nhà tạm ở. Hàng ngày, anh Mừng qua xã kế bên để dạy học, còn chị Tâm ở nhà tăng gia trồng trọt, chăn nuôi; rảnh rỗi thì đi làm thuê để kiếm thêm thu nhập.
Không chỉ phát triển chăn nuôi tăng thêm thu nhập cho gia đình, chị Tâm (trái) còn giúp hơn chục gia đình hội viên, phụ nữ trong thôn mỗi hộ 1 cặp gà, vịt để phát triển chăn nuôi. Ảnh TQ
Với quyết tâm làm giàu trên quê hương mới, năm 2008, chị Tâm bàn với chồng thuê 2 ha đất của bà con trong vùng để trồng mì. Là người phụ nữ tháo vát, hay lam hay làm nên chị Tâm luôn động viên chồng yên tâm công tác còn mình bắt tay ngay vào việc trồng trọt, chăm sóc vườn cây. Năm đầu tiên rẫy mì cho thu hoạch, giá cả tăng cao đã giúp chị Tâm thu về cả trăm triệu đồng. Cầm số tiền quá lớn trong tay, chị Tâm nghĩ ngay đến việc mua đất rẫy, đất vườn để trồng trọt vì làm nông mà không có tư liệu sản xuất trong tay thì không mơ đến chuyện thoát nghèo chứ đừng nói làm giàu. Vậy là chị tiếp tục bàn với chồng dùng hết số tiền có được mua lại 2 ha đất của bà con trong vùng.
Chị Tâm kể trong niềm vui: “Dù bận với việc giảng dạy ở trường nhưng anh Mừng cũng chí thú làm ăn lắm. Những lúc rảnh rỗi, anh thường nghiên cứu, rồi đi tham quan, học hỏi các mô hình trồng trọt ở nhiều nơi trong tỉnh. Qua nhiều mô hình, anh nhận thấy hợp nhất vẫn là trồng cây cao su nên bàn với vợ trồng hết loại cây công nghiệp có giá trị kinh tế cao này trên mảnh đất mới mua. Bắt đầu triển khai mô hình, những ngày nghỉ cuối tuần, anh chở vợ đi học hỏi kinh nghiệm, kỹ thuật trồng trọt ở nhiều nhà vườn”.
Để lấy ngắn nuôi dài, chị Tâm trồng xen mì trong rẫy cao su trong 3 năm đầu vườn cây kiến thiết cơ bản. Mọi chi tiêu sinh hoạt trong gia đình, vợ chồng chị chắt chiu, tằn tiện gói gọn trong đồng lương của anh. Số tiền chị Tâm làm thuê làm mướn và thu hoạch rẫy mì hàng năm được chị tích góp để tiếp tục mua thêm đất để trồng trọt. Đến nay, gia đình chị Tâm và anh Mừng đã mua đất và trồng được 4 ha cao su, 1 ha bời lời.
Năm 2015, vợ chồng chị Tâm và anh Mừng quyết định xây lại ngôi nhà ở đàng hoàng hơn, khang trang hơn. Xung quanh ngôi nhà được vợ chồng anh chị rào kín để nuôi hàng trăm con gà, vịt, ngan, heo… theo mô hình khép kín. Từ việc chăn nuôi này đã giúp gia đình chị tăng thêm thu nhập vài chục triệu đồng/năm. Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, vợ chồng chị Tâm cũng tiết kiệm được 60 triệu đồng. Dự tính, trong năm 2017, 4 ha cao su cho thu hoạch, chắc chắn thu nhập của gia đình anh chị sẽ còn tăng lên gấp nhiều lần.
Thấy chị Tâm năng nổ, nhiệt tình và làm kinh tế giỏi, chị em phụ nữ trong thôn đã tín nhiệm bầu chị vào ban chấp hành chi hội phụ nữ thôn. Từ ngày kinh tế khá giả hơn, chị Tâm đã giúp đỡ nhiều chị em phụ nữ trong chi hội cùng phát triển kinh tế. Bản thân chị đã trực tiếp giúp hơn chục gia đình hội viên trong chi hội phụ nữ thôn mỗi gia đình một cặp gà hoặc vịt để phát triển chăn nuôi. Nhiều gia đình hội viên gặp khó khăn đột xuất, chị Tâm cũng rất sẵn lòng giúp đỡ cho mượn ít tiền để trang trải và giải quyết công việc gia đình mà không tính lãi.
Chị Tâm chia sẻ: “Vào đây lập nghiệp, gia đình mình được sống chan hòa trong tình yêu thương của bà con dân làng nên rất trân quý tình cảm của mọi người. Giờ đây, gia đình mình có điều kiện hơn nên giúp được gì cho bà con thì mình sẽ cố gắng giúp đỡ”.
Trong khuôn viên của gia đình chị Tâm hiện đang xây dựng rất nhiều ô chuồng để chuẩn bị cho nhiều dự định sắp tới. Chị Tâm cho biết, hiện tại ngoài giống vịt cỏ, ngan, chị cũng đang thử nghiệm mô hình nuôi vịt trời và dự định sắp tới tiếp tục thử nghiệm thêm mô hình nuôi rắn mối, ếch, cá trê. Đây là những mô hình được vợ chồng chị cất công đi học hỏi nhiều tỉnh, thành vào mỗi dịp hè anh Mừng rảnh rỗi. Chị Tâm cho biết, sở dĩ gia đình chị chọn phát triển những mô hình chăn nuôi này là vì mức đầu tư ban đầu không cao, không tốn nhiều công chăm sóc, vật nuôi lại ít dịch bệnh nhưng mang lại giá trị kinh tế rất cao.
Lắng nghe những lời chị Tâm chia sẻ về kinh nghiệm làm ăn phát triển kinh tế gia đình, được tận mắt chứng kiến mô hình kinh tế khá căn bản, càng thấy ý chí và quyết tâm làm giàu trên quê hương thứ hai của vợ chồng người Mường này.
CTV Tú Quyên-PL-HT