Món cơm làng của chị em HTX T’Măng Deeng được đông đảo du khách yêu thích.
Qua 3 tháng hợp tác xã T’Măng Deeng đi vào hoạt động, những thành quả ban đầu đã khẳng định hướng đi đúng của Hội LHPN Kon Plông, tỉnh Kon Tum.
Kon Plông là một trong những huyện khó khăn của tỉnh Kon Tum, tỷ lệ hội viên, phụ nữ nghèo vẫn còn cao. Thực tế cho thấy, rất nhiều hội viên, phụ nữ đồng bào DTTS, vùng sâu vùng xa có ý tưởng và mong muốn khởi nghiệp nhưng còn loay hoay không biết bắt đầu từ đâu, làm như thế nào cho hiệu quả. Việc tiếp cận thị trường, xúc tiến thương mại còn nhiều hạn chế nên các sản phẩm làm ra chưa đáp ứng nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng.
Nhận thức được tầm quan trọng của kinh tế tập thể, kinh tế hợp tác trong phát triển kinh tế, tạo nguồn thu nhập ổn định cho cán bộ, hội viên phụ nữ, Hội LHPN Kon Plông đã tích cực tuyên truyền vận động hội viên phụ nữ, bà con nhân dân trong và ngoài địa bàn tham gia thành lập hợp tác xã (HTX) T’Măng Deeng. Qua đó, có điều kiện được tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ hợp pháp, được trau dồi kiến thức, kĩ năng để phát triển kinh tế hiệu quả, bền vững.
Sau nhiều cố gắng, ngày 16/10/2023, HTX T’Măng Deeng chính thức ra đời với đầy đủ logo nhận diện thương hiệu, slogan hành động và hoạch định chiến lược hoạt động, hướng đi bền vững cho tương lai. Qua 3 tháng đi vào hoạt động, với những thành quả ban đầu khẳng định hướng đi đúng, ngày 11/1/2024, HTX T’Măng Deeng (xã Măng Buk) chính thức ra mắt.
Lễ ra mắt HTX T Măng Deeng
Chị Ngô Thị Na, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông (cũng là thành viên HTX T’Măng Deeng) cho biết, sau khi thành lập, các thành viên đã mạnh dạn tham gia các hoạt động tiếp cận thị trường. Tại Chợ phiên Măng Đen (được tổ chức bắt đầu từ tháng 10/2023 vào ngày thứ Bảy và Chủ nhật hàng tuần tại khuôn viên đồi thông, đường Hùng Vương, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông), HTX T’Măng Deeng đã đăng ký 01 gian hàng tại Chợ phiên. Sản phẩm được trình làng bày bán và giới thiệu tại không gian chợ là cơm làng T’Măng Deeng. Các món ăn trong mẹt cơm làng được chị em chau chuốt, tỉ mỉ lựa chọn từ các sản vật địa phương, có lợi cho sức khỏe của người dùng. Mong muốn lớn nhất cũng là mục tiêu của món cơm làng đó là giới thiệu được đặc sản của đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) vùng Măng Đen tới với du khách, để mọi du khách có thể cảm nhận được vị mộc mạc, bình dị trong văn hóa ẩm thực của người dân địa phương. Rất đáng mừng, sản phẩm cơm làng tạo được ấn tượng tốt tại chợ phiên.
Chị Ngô Thị Na chia sẻ, mong muốn của chị em trong HTX là giúp du khách thưởng thức món cơm làng không chỉ no bụng mà còn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực của địa phương. Đây là cách làm hiệu quả để giới thiệu những đặc sản của đồng bào DTTS huyện Kon Plông đến với du khách, để mọi du khách có thể cảm nhận được vị mộc mạc, bình dị trong văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây.
Gian hàng của HTX T’Măng Deeng tại chợ phiên Măng Đen, huyện Kon Plông
Ở Kon Plông, lúa gạo đỏ (gạo lứt) là một trong những sản phẩm nông nghiệp đặc trưng. Đây là giống lúa truyền thống của đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện Kon Plông nói chung, đồng bào Xơ Đăng xã Măng Buk nói riêng. Sở dĩ, gạo đỏ nơi đây được coi là mặt hàng đặc sản vì có hàm lượng dinh dưỡng cao, sản phẩm thuần khiết từ tự nhiên, chất lượng tốt. Giống lúa này mỗi năm chỉ cấy được một mùa. Cứ đến tháng 4 hằng năm, người Xơ Đăng ở xã vùng cao Măng Buk bắt đầu cấy lúa và phải tới tháng 10 mới thu hoạch.
Không dừng lại ở đó, thành viên HTX T’Măng Deeng còn chủ động phát triển các sản phẩm chế biến từ gạo đỏ như thanh gạo đỏ siêu hạt, thanh gạo đỏ siêu chà bông và trà gạo đỏ. Đây là những sản phẩm đáp ứng nhu cầu cho những bữa ăn nhanh, tiện lợi những vẫn đảm bảo dinh dưỡng, với chỉ số đường huyết thấp, đặc biệt giàu chất chống oxy hoá không chỉ là món quà đối với khách du lịch khi đến với Kon Tum mà còn là một sản phẩm tiềm năng cho thị trường tiêu dùng cả nước. Đối với dòng sản phẩm thủ công truyền thống, sau khi nghiên cứu, học tập, trao đổi kinh nghiệm từ các địa phương khác, HTX đã ưu tiên phát triển nghề dệt thủ công truyền thống của dân tộc Xơ Đăng.
Nhờ sự nỗ lực học hỏi không ngừng, chỉ mới thành lập được 03 tháng nhưng HTX T’Măng Deeng dần lớn mạnh cả về lượng và chất, góp phần vào sự phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của huyện Kon Plông nói riêng, tỉnh Kon Tum nói chung.
Một số sản phẩn của HTX T’Măng Deeng, huyện Kon Plông
nguồn: phunuvietnam.vn