Thực hiện Đề án “Làng phụ nữ dân tộc thiểu số nông thôn mới” của Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh khóa XIII, nhiệm kỳ 2016-2021, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được 24 Làng phụ nữ dân tộc thiểu số (DTTS) nông thôn mới tại 10 huyện, thành phố cơ bản đạt được 11 tiêu chí trong 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới thông qua nhiều hoạt động hỗ trợ thiết thực, cụ thể của các cấp Hội, được cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, lực lượng ghi nhận, đánh giá cao. Nổi bật có các huyện Đăk Tô, Đăk Hà và Ngọc Hồi xây dựng được từ 03-04 Làng/huyện.
Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy. Ảnh: Tư liệu
Nhằm vừa triển khai, vừa rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, hướng dẫn, Hội LHPN tỉnh đã chọn thôn Kon Lung, xã Đăk Tơ Lung, huyện Kon Rẫy để xây dựng mô hình điểm “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” của tỉnh. Theo đó, Hội LHPN tỉnh đã ký kết chương trình phối hợp cụ thể hằng năm với Đảng ủy, UBND xã Đăk Tơ Lung, đồng thời chủ động huy động các nguồn lực để hỗ trợ mô hình đạt các tiêu chí như: Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hỗ trợ 01 bộ cồng chiêng và 37 bộ trang phục thổ cẩm của người đồng bào dân tộc Sơ Rá trị giá 100 triệu đồng; giúp người dân phát triển kinh tế, đã có 53 hộ gia đình nghèo, cận nghèo được các cấp, các ngành hỗ trợ cây, con giống với tổng trị giá trên 280 triệu đồng; 5km đường liên thôn được bê tông hóa; xây dựng 01 bể nước công cộng chứa nước tự chảy phục vụ sinh hoạt chung. Qua đó, đã giúp 15/34 hộ nghèo trong thôn thoát nghèo, không còn nhà tạm, nhà dột nát; 100% hộ gia đình có hội viên, phụ nữ đều được tham gia bảo hiểm Y tế; thành lập 01 Tổ liên kết “Sản xuất rượu ghè nếp cẩm lên men tự nhiên từ lá cây rừng”; có 01 điểm trường mẫu giáo và 100% trẻ em trong thôn đều đến trường đúng độ tuổi. Cán bộ, công chức cơ quan Hội LHPN tỉnh hướng dẫn nhân dân trong Làng trồng và chăm sóc 500m đường hoa (dẫn vào thôn và xung quanh nhà rông); vận động treo ảnh Bác Hồ tại nơi trang nghiêm nhất của các hộ gia đình; hỗ trợ thành lập và duy trì hoạt động của các mô hình: “Hũ gạo tình thương”; “Nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội” ; “Phòng chống tội phạm”; “Nhóm cha mẹ có con từ 0 đến 8 tuổi” mô hình “Vườn, nhà tôi xanh- sạch – đẹp” và 02 địa chỉ tin cậy… Chi hội phụ nữ duy trì sinh hoạt 01 tháng/lần với sự tham gia đông đủ của hội viên. Làng không có trẻ em suy dinh dưỡng và bỏ học giữa chừng, không còn tình trạng sinh con thứ 3 trở lên; 100% hội viên phụ nữ đạt 8 tiêu chí của Cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không 3 sạch”….
Với sự chủ động, nỗ lực và bằng cách làm cụ thể, thiết thực của các cấp Hội, cùng sự hưởng ứng tích cực của hội viên, phụ nữ toàn tỉnh, đến cuối nhiệm kỳ 2016-2021, đã có 24 làng đạt từ 8 tiêu chí trở lên, trong đó “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” Kon Lung đạt 11/11 tiêu chí mô hình, góp phần thực hiện thành công các tiêu chí về đích nông thôn mới của xã.
Tuy nhiên, đến nay phần lớn các “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” vẫn chưa đạt đủ 11 tiêu chí, tập trung ở một số tiêu chí về nhà ở dân cư; tiêu chí về giao thông: đường làng, ngõ xóm sạch, không lầy lội vào mùa mưa và tiêu chí hộ nghèo theo tiêu chí nghèo đa chiều dưới 7%; tiêu chí phụ nữ DTTS tự tạo được việc làm tại gia đình hoặc tại địa phương… Nguyên nhân là do Ban chỉ đạo nông thôn mới ở một số địa phương chưa thật sự quan tâm lãnh đạo và phối hợp với các cấp Hội trong xây dựng mô hình. Cán bộ Hội các cấp năng lực có mặt chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là trong công tác tham mưu, đề xuất cho cấp ủy và phối hợp với chính quyền địa phương trong tổ chức triển khai; kỹ năng tuyên truyền, vận động còn hạn chế nên chưa thực sự huy động và phát huy nội lực của hội viên, phụ nữ tham gia xây dựng mô hình. Bên cạnh đó, các cấp Hội không có nguồn kinh phí để hỗ trợ trực tiếp cho triển khai thực hiện mô hình; hầu hết là lồng ghép hoặc huy động sự hỗ trợ từ các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân…nên nhiều hoạt động còn bị động hoặc hiệu quả chưa cao. Vẫn còn một bộ phận phụ nữ có tư tưởng ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ, không mạnh dạn tham gia các mô hình phát triển kinh tế tập thể và áp dụng các kiến thức khoa học – kỹ thuật trong sản xuất, kinh doanh…
Trong nhiệm kỳ 2021-2026, Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XIV đã xác định tiếp tục duy trì mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”. Để hoàn thành chỉ tiêu Nghị quyết đề ra, trong thời gian tới các cấp Hội cần tập trung thực hiện các giải pháp sau:
Một là, Hội LHPN tỉnh rà soát các mục tiêu, nhiệm vụ được xác định tại Đề án “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” gắn với Bộ tiêu chí thôn (làng) nông thôn mới ở vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025 theo Quyết định số 147/QĐ-UBND ngày 28/3/2022 của Ủy ban Nhân dân tỉnh; để tiếp tục chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội hoàn thành các chỉ tiêu triển khai Đề án đã đề ra trong giai đoạn 2021-2026.
Hai là, các cấp Hội chủ động ký kết kế hoạch phối hợp với cấp ủy, chính quyền nơi triển khai mô hình trong giai đoạn tiếp theo và hằng năm với những nội dung cụ thể, rõ trách nhiệm, rõ nguồn lực triển khai, đồng thời cần phối hợp chặt chẽ với Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới cùng cấp để quan tâm hỗ trợ kinh phí thực hiện các các tiêu chí về giao thông, nhà ở, việc làm..; tăng cường kết nối, huy động các nguồn lực duy trì bền vững các tiêu chí đối với các Làng đã đạt.
Ba là, cán bộ Hội các cấp cần tiếp tục rèn luyện kỹ năng, đổi mới phương thức tuyên truyền, vận động để nâng cao nhận thức và phát huy vai trò, sự chủ động của các tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ DTTS trong tham gia xây dựng “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới” gắn với thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào DTTS, làm cho đồng bào DTTS vươn lên thoát nghèo bền vững”.
Bốn là, tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu các cấp Hội trong công tác lãnh đạo và tổ chức thực hiện mô hình “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”, đổi mới, sáng tạo trong cách làm để phù hợp với tình hình thực tế ở từng địa phương, cơ sở cũng như lồng ghép các chương trình, đề án nhằm tranh thủ huy động các nguồn lực hỗ trợ các mô hình đạt các tiêu chí bền vững.
Năm là, cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, hướng dẫn, đánh giá đúng thực chất việc thực hiện các tiêu chí của các “Làng phụ nữ DTTS nông thôn mới”. Chú trọng phát hiện, đúc rút kinh nghiệm cách làm hay, hiệu quả trong tổ chức triển khai của các cấp Hội để biểu dương, tuyên truyền.
Thanh Thủy- PL-HT