Được sự giới thiệu của Phòng VHTT huyện Kon Plông, tôi tìm đến làng Kon Pring (thị trấn Măng Đen) gặp bà Y Lim (50 tuổi, dân tộc Xơ Đăng, nhánh Sơ Đrá), nghe bà “tự sự” về niềm đam mê nghệ thuật dân gian của mình.
Y Lim sinh ra tại xã Ngọc Réo (huyện Đăk Hà). Cuộc đời bà không được may mắn, mồ côi từ nhỏ. Bố mất khi bà chưa chào đời và mẹ cũng mất sau 2 giờ bà được sinh ra. Bà được dân làng gửi vào Cô nhi viện Vinh Sơn 1 (thành phố Kon Tum). Đến 9 tuổi, bà được người bác họ đón về nuôi. Vì gia cảnh bác họ khó khăn, học hết lớp 9, bà xin nghỉ học để làm nông, phụ giúp gia đình.
Năm 1994, bà theo chồng về sống tại làng Kon Pring từ đó đến nay. Hai người có với nhau 4 người con, trong đó 3 con đã có gia đình. Hai vợ chồng chia tay đã vài năm, hiện nay bà dành quãng đời còn lại chú tâm làm du lịch cộng đồng; truyền dạy cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên cho thế hệ trẻ. Bà Y Lim là người nắm giữ kỹ thuật, kỹ năng diễn tấu cồng chiêng. Bà đánh được hầu hết các bài chiêng truyền thống của dân tộc mình. Bên cạnh đó, bà thuộc rất nhiều bài dân ca và các điệu múa xoang của dân tộc Xơ Đăng (nhóm Mơ Nâm).
“Hàng năm, cứ sau mỗi mùa rẫy, các làng của người Mơ Nâm lại tổ chức các lễ hội như: lễ làm chuồng trâu, lễ gieo mạ, lễ làm máng nước…Trong những ngày lễ hội ấy, những người già trong làng, các anh, các chị lại tụ họp đánh cồng chiêng và các điệu múa xoang, các bà hát những bài dân ca. Chính vì vậy, từ thuở ấu thơ chúng đã ăn sâu vào tiềm thức tôi” – bà Y Lim bộc bạch.
Nghệ nhân Y Lim trong ngôi nhà của mình. Ảnh: QĐ
Bà Y Lim cho hay, cồng chiêng là một loại nhạc cụ phổ biến nhất trong nền âm nhạc của người dân tộc bản địa. Cồng chiêng là nguồn lực, là nguồn sống, là tín ngưỡng tâm linh. Để tiếng nhạc cồng chiêng được trầm hùng, dồn dập, ấm áp hoặc du dương và vang xa thì khi diễn tấu phải có sự điều chỉnh độ mạnh nhẹ lực của tay. Điều chỉnh bằng tay và gối chân để ngắt âm, thả âm tạo điểm nhấn của điệu nhạc nhằm lôi cuốn người nghe, tạo sự đồng điệu, hợp âm giữa tiếng cồng, chiêng và trống qua từng bản nhạc truyền thống.
Bên cạnh đó, phải nắm bắt rõ về âm sắc của từng cái cồng, cái chiêng và nắm chắc các bài nhạc chiêng, các làn điệu dân ca. Có như vậy, khi diễn tấu cồng chiêng, âm sắc của từng cồng, chiêng mới hòa quyện với nhau, tạo sự độc đáo của từng bài nhạc chiêng, mới cuốn hút người nghe. Nắm bắt sâu sắc về kỹ thuật, kỹ năng, các bài chiêng thì mới có thể truyền dạy về kỹ thuật diễn tấu cồng chiêng.
Hát dân ca ra đời trong quá trình mọi người đi làm rẫy, trong những dịp lễ cúng cả làng, sau những ngày làm việc mệt nhọc, mọi người cùng ngồi lại với nhau quây quần bên bếp lửa, bên ghè rượu, cùng nhau uống rượu, kể chuyện và hát đối đáp với nhau về những điều xảy ra trong cuộc sống thường nhật, trong lao động và trong sản xuất.
Bên ghè rượu cần, khi mọi người bắt đầu thấm rượu, mọi người bắt đầu ngồi hát với nhau. Những điệu hát Cheo là một hình thức hát đối đáp giao duyên giữa một người nam và một người nữ. Đây là lối hát giãi bày tâm sự, ứng tác, là lối hát phổ biến trên nền nhạc chiêng Guông. Hình thức đối đáp này rất phù hợp với mọi lứa tuổi. Đây là nghệ thuật trình diễn dân gian truyền miệng từ thế hệ này sang thế hệ khác, người hát phải có trí nhớ và có khả năng diễn đạt mới có thể thực hành những tri thức dân gian này.
Còn múa xoang thể hiện bằng những đường nét mềm mại của thân hình các cô gái dân tộc cộng với vẻ đẹp của y phục, thể hiện được động tác mềm mại, duyên dáng. Với tính cách mạnh mẽ, những người múa nam thực hiện những bước di chuyển đều xen kẽ những bước nhảy chuyển đổi vị trí, đi lên phía trước hoặc hai bên để biểu dương sức mạnh vào những giây phút cao trào của vũ điệu. Người phụ nữ thể hiện hứng khởi cũng chỉ bằng những cái giật nhẹ ở khuỷu tay, lắc nhẹ mông và những nụ cười giao cảm tình tứ. Những người tham gia đội hình xoang di chuyển bằng những bước đi ngắn, nhịp nhàng trong đội hình đồng điệu, phối hợp giữa co duỗi chân, tay, nhún nhẩy, đung đưa thân mình.
Bà Y Lim chia sẻ, khoảng 9-10 tuổi, bà đã miệt mài học cách đánh cồng chiêng và hát đối đáp giao duyên, múa xoang từ những nghệ nhân lớn tuổi. Bà hiểu biết về âm sắc của từng cái cồng, cái chiêng và thuộc nhiều bài chiêng cổ. Bà biết đánh nhiều bài cồng chiêng khác nhau; thuần thục các điệu múa xoang và thuộc nhiều bài hát dân ca, hát đối đáp. Bà khéo léo làm chúng hòa quyện vào nhau thành một thể thống nhất không thể tách rời ra được.
Khi biết cách đánh và múa hát thành thục, bà không dừng lại ở đó, mà tiếp tục truyền dạy cho các em, các cháu biết về cồng chiêng, múa xoang, hát giao duyên. Đến nay, bà đã truyền dạy cho 50 người biết diễn tấu thuần thục cồng chiêng, hát dân ca, múa xoang một cách bài bản.
Ngoài việc truyền dạy, bà còn tận tình chỉ bảo cách bảo quản cồng chiêng, kỹ thuật cảm âm cồng chiêng cho các cháu nhằm nâng cao lòng tự hào về vốn di sản văn hóa phi vật thể to lớn của ông cha để lại, để cho thế hệ trẻ nâng cao nhận thức, tích cực tham gia bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của người Mơ Nâm, Sơ Đrá nói riêng và của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên nói chung trường tồn mãi với thời gian.
Ngoài việc thường xuyên tham gia thực hành di sản văn hóa cồng chiêng, hát dân ca trong cộng đồng làng, bà Y Lim cùng đội nghệ nhân của làng thường xuyên tham gia các hoạt động văn hóa do xã, huyện, tỉnh tổ chức.
Trong quá trình tham gia thực hành, bảo tồn, phát huy giá trị di sản không gian văn hóa cồng chiêng của dân tộc, bà được các cấp, các ngành khen tặng. Được Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc tham gia trình diễn Lễ hội dân gian và nghệ thuật cồng chiêng các dân tộc tỉnh Kon Tum năm 2008; được Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, UBND huyện Kon Plông tặng nhiều Giấy khen tại các kỳ Liên hoan. Đặc biệt, năm 2019, bà Y Lim được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”.
Quang Định. Nguồn: http://baokontum.com.vn-HT