Trong những ngày tháng 3 lịch sử, không thể không nhắc đến bà Clara Zetkin, một lãnh tụ của phong trào phụ nữ thế giới. Bà chính là người đưa ra sáng kiến lấy ngày 8/3 hằng năm là Ngày Quốc tế Phụ nữ.
Bà Clara Zetkin sinh ngày 5/7/1857 trong một gia đình nhà giáo tại Wiederau, Saxony, Đức. Trong thời gian đi học, bà đã tham gia các phong trào của phụ nữ và người lao động ở Đức. Sau khi tốt nghiệp trở thành một giáo viên, năm 1878, bà gia nhập Đảng Xã hội Dân chủ Đức.
Ở Đảng Xã hội Dân chủ Đức, Clara Zetkin cùng với Rosa Luxemburg, một người bạn thân là 2 trong số những nhân vật chủ chốt theo lập trường cánh tả và tích cực tham gia vào các hoạt động xã hội. Bà quan tâm đặc biệt đến sự tham gia của phụ nữ trong chính trị và tích cực đấu tranh cho quyền bình đẳng của phụ nữ. Bà đẩy mạnh phát triển phong trào phụ nữ dân chủ ở Đức.
Chân dung bà Clara Zetkin.
Tại Đại hội Quốc tế II, Clara được chọn làm Bí thư và tham gia công tác lãnh đạo, mở ra trang sử mới trong phong trào phụ nữ của giai cấp vô sản. Đại hội cũng thông qua việc bảo vệ đặc biệt đối với lao động nữ, cùng với nghị quyết tiền lương nam nữ ngang nhau.
Năm 1890, khi từ Pháp quay trở về nước Đức, Clara Zetkin đảm nhiệm việc biên tập và phát hành tờ báo Die Gleichheit (Bình đẳng) của phụ nữ và làm công việc này cho đến năm 1917. Khi mới phát hành, báo chỉ có 2.000 bản, về sau số luợng tăng vọt lên hơn 1 triệu bản.
Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ cũng như sự cần thiết phải có tổ chức, có sự lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ, năm 1907, Clara Zetkin cùng với Rosa Luxemburg đã phối hợp với bà Nazheda Krupskaya (vợ đồng chí Lenin) vận động thành lập Ban Thư kí phụ nữ quốc tế và Clara Zetkin được bầu làm Bí thư.
Theo sáng kiến của bà Clara Zetkin, ngày 26 – 27/8/1910, Đại hội Phụ nữ thế giới lần thứ 2 được triệu tập ở Copenhagen (Thủ đô Ðan Mạch) gồm 100 nữ đại biểu của 17 nước, đã quyết định lấy ngày 8/3 làm ngày Quốc tế phụ nữ với mục đích đoàn kết đấu tranh đòi các quyền lợi của phụ nữ, trẻ em. Từ đó, ngày 8/3 trở thành ngày thúc đẩy cuộc đấu tranh giải phóng phụ nữ trên toàn thế giới, gắn với tên tuổi của Clara Zelkin.
Bà là người đưa ra sáng kiến lấy ngày 8/3 hàng năm làm ngày Quốc tế Phụ nữ.
Trong chiến tranh Thế giới thứ nhất, Clara Zetkin tham gia rất tích cực các hoạt động chống chiến tranh. Đặc biệt, bà đã tổ chức Hội Phụ nữ Quốc tế chống chiến tranh vào 1915. Vì những hoạt động chống chiến tranh của mình, bà đã bị bắt không ít lần trong thời gian này.
Năm 1918, Clara Zetkin tham gia thành lập Đảng Cộng sản Đức và trở thành Ủy viên Trung ương Đảng. Bà đại diện cho Đảng Cộng sản tại Quốc Hội Đức suốt 13 năm từ 1920 đến 1933. Khi Quốc tế Cộng sản ra đời, bà là uỷ viên Đoàn Chủ tịch Quốc tế Cộng sản trong những năm 1921 – 1933, tích cực kêu gọi người dân chống lại phát xít Đức.
Tại bức tường Điện Kremlin (Matxcơva, Nga) có một ngôi mộ không có ảnh, đó là ngôi mộ của bà Clara Zetkin – người phụ nữ người Đức đã hy sinh cả cuộc đời vì sự nghiệp đấu tranh để giải phóng phụ nữ.
Tháng 4/1920, bà thành lập Quốc tế Phụ nữ Cộng sản, một bộ phận của Quốc tế Cộng sản và là Chủ tịch đầu tiên của phong trào. Khi Adolf Hitler và Đức Quốc xã trở nên quá mạnh, năm 1933, Clara Zetkin chuyển qua tị nạn tại Liên Xô. Bà được Stalin tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ năm 1927 và Huân chương Lenin năm 1932. Bà qua đời ngày 20/6/1933 tại Archangel Skoye, gần Matxcơva, ở độ tuổi 76 và được chôn tại nghĩa trang tường Điện Kremlin.
Nguồn: phunuvietnam.vn-HT