Kỷ niệm 127 năm ngày của sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2017), cùng nhớ về bà Hoàng Thị Loan, người mẹ tảo tần đã sinh ra vị anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa.

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cả hai gia đình nội, ngoại của bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời. Chính bởi thế mà ngay từ khi sinh ra đến suốt cuộc đời, bà Loan vẫn khiến người đời ngưỡng mộ bởi tài, đức vẹn toàn.

Lớn lên trong sự bao bọc và giáo dục của một gia đình tiến bộ, lại sống tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, bà Loan tiếp thu các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất nhanh, không chỉ thuộc nhiều điệu hò câu ví mà sự am hiểu của bà về các loại hình này cũng không ai bì kịp. Nổi tiếng với dung nhan xinh đẹp, duyên dáng, tình tình luôn nhã nhặn, nết na và cởi mở hết với tất cả mọi người, bà Loan còn được biết đến là một thiếu nữ chăm chỉ việc đồng áng và là một trong ít những thợ dệt lụa có tiếng trong vùng ngày đó.

Vượt lên những quan niệm cổ hủ của xã hội lúc bấy giờ, bà Hoàng Thị Loan đem lòng yêu thương và kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc – một người mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ tú Hoàng Xuân Đường (thân sinh bà Loan) xin về nuôi từ bé. Nhận thấy tư chất thông minh, chịu thương chịu khó của ông Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hoàng Xuân Đường đã tác hợp cho ông bà nên duyên.

Từ đó, ông Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng của người vợ trẻ. Tình yêu, sự đảm đang, tháo vát và sự hy sinh thầm lặng cho gia đình của bà Hoàng Thị Loan là nguồn động viên lớn lao, cơ sở vững chắc trên con đường cử nghiệp của ông.

Ngôi nhà tranh ba gian ghi đậm dấu ấn những tháng ngày vất vả nhưng đầm ấm, hạnh phúc của gia đình bà. Để chồng yên tâm học hành, ban ngày, bà Loan không quản ngại khó khăn, vất vả, một nắng hai sương lao động ngoài đồng ruộng; tối đến lại ngồi bên khung cửi, vừa dệt vải, vừa đưa võng ru con ngủ, nhiều đêm thức tới khuya để động viên chồng ôn luyện văn chương cho đỡ phần hiu quạnh.

Hai ông bà có với nhau 4 người con là Nguyễn Thị Thanh (1884 – 1954), Nguyễn Sinh Khiêm (1888 – 1950), Nguyễn Sinh Cung (1890 – 1969) và Nguyễn Sinh Nhuận (1900 – 1901). Cuộc sống gia đình tuy khó khăn nhưng tất cả mọi người đều yêu thương và hết lòng vì nhau.

Nếu ảnh hưởng của ông Nguyễn Sinh Sắc đối với các con là nền học vấn với một nhân cách yêu nước thương nòi mang đậm tính nhân văn thì bằng tấm lòng nhân hậu và mẫn cảm của người mẹ, bà Hoàng Thị Loan đã vun trồng, uốn nắn, dạy dỗ con cái những bài học đầu tiên về đạo lý làm người. Bà đã truyền vốn hiểu biết văn học dân gian phong phú của mình cho con qua những lời ru ngọt ngào, chan chứa tình cảm. Chính điều này đã góp phần tạo nên tâm hồn rộng mở, tấm lòng nhân ái, nhen nhóm tình yêu quê hương, đất nước sâu nặng trong tâm hồn cậu bé Nguyễn Sinh Cung.

CA

 Khung cửi bà Hoàng Thị Loan đã ngồi dệt vải tại ngôi nhà ở làng Hoàng Trù

CA1

Nhờ có bà động viên, khuyến khích nên dù cuộc sống nghèo khó, khốn khổ ông Nguyễn Sinh Sắc vẫn gắng lòng cho sự nghiệp học hành. Khi ông Nguyễn Sinh Sắc lên Huế tu học, để hỗ trợ chồng, bà Hoàng Thị Loan đã gửi con gái đầu lòng mới 11 tuổi ở lại với mẹ già, rồi đưa hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm (7 tuổi) và Nguyễn Sinh Cung (5 tuổi) gồng gánh theo chồng vào Huế. Hình ảnh người vợ chân đi dép mo cau, vai quẩy đôi gánh, một bên là con nhỏ, một bên là cả gia tài mang theo, vượt qua chặng đường dài vào Huế giữa những cơn mưa rào, giữa những ngày nắng gắt không bao giờ phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Sinh Sắc. Ở Huế, bà tảo tần làm nhiều nghề khác nhau để nuôi gia đình.

Năm 1900, sau khi sinh người con thứ tư là Nguyễn Sinh Nhuận, cộng với sự vất vả khó nhọc trước đó bà Hoàng Thị Loan sinh bệnh nặng rồi qua đời ở tuổi 33, vào ngày 10/2/1901 (tức ngày 22 tháng Chạp năm Canh Tý). Không lâu sau đó, người con trai út của bà vì sức khỏe kém cũng qua đời.

Thi hài của bà được mai táng ở núi Tam Tầng bên dòng sông Hương tại Huế. Năm 1922, hài cốt của bà được con gái Nguyễn Thị Thanh đưa về mai táng tại vườn nhà ở làng Sen. Năm 1942, cậu cả Nguyễn Sinh Khiêm cải táng thi hài bà tại ngọn núi Động Tranh Thấp trong dãy Đại Huệ. Năm 1984, để bày tỏ tấm lòng biết ơn sâu sắc đối với người đã có công sinh thành và dưỡng dục Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh và lực lượng vũ trang Quân khu 4 thay mặt cho đồng bào và chiến sỹ cả nước đã xây dựng khu mộ của bà đàng hoàng, khang trang và đẹp đẽ trên núi Động Tranh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

PNVN

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT