Ở thị trấn Đăk Rờve, huyện Kon Rẫy ai cũng cảm mến cô thợ may Nguyễn Thị Thảo khéo tay, hoạt bát vui vẻ.
Vượt qua tự ti, mặc cảm của bản thân, nhiều người khuyết tật đã nỗ lực vươn lên gây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
Một chân bị liệt hoàn toàn lúc mới 9 tháng tuổi sau trận sốt quái ác, ký ức tuổi thơ của Nguyễn Thị Thảo, ở thị trấn Đăk Rờve, huyện Kon Rẫy rất ít niềm vui.
Học hết lớp 9, Thảo quyết định nghỉ học ở nhà phần vì gia cảnh khó khăn, phần vì không chịu nổi những lời trêu chọc vô ý thức của chúng bạn.
Bước ngoặt lớn đến với Thảo khi được chứng kiến những người có chung cảnh ngộ bằng ý chí và nghị lực vẫn gây dựng được cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Được gia đình ủng hộ, Thảo đi học nghề may và gắn bó với nghề này nhiều năm qua. Việc làm chủ được cuộc sống cùng với những niềm vui có được trong công việc khiến Thảo thay đổi hoàn toàn. Ở thị trấn Đăk Rờve, ai cũng cảm mến cô thợ may khéo tay, hoạt bát vui vẻ.
Cùng với nghề may, bây giờ Thảo còn tích cực tham gia các hoạt động dành cho người khuyết tật ở tỉnh Kon Tum với vai trò là người “truyền lửa”.
Chia sẻ bí quyết vượt lên số phận, Nguyễn Thị Thảo nói: “Em cứ sống hết mình và làm việc hết mình. Người khuyết tật như chúng em phải chứng tỏ được bản thân thì cuộc sống sẽ tốt hơn”.
Có một thực tế là cơ hội việc làm dành cho người khuyết tật ở tỉnh Kon Tum không nhiều. Bởi vậy, những người có khiếm khuyết trên cơ thể càng phải nỗ lực, cố gắng nhiều hơn. Một điều đáng ghi nhận là đa số người khuyết tật tại địa phương có việc làm, tạo lập được cuộc sống ổn định chủ yếu nhờ nỗ lực cá nhân. Từ những công việc đơn giản, như bán vé số, phụ giúp bán hàng… đến sản xuất nông nghiệp, công nghệ thông tin, hoạt động nghệ thuật… đều có bóng dáng của người khuyết tật.
Cô vươn lên bằng nghề làm tranh gạo
Đã xuất hiện không ít gương điển hình người khuyết tật vươn lên làm giàu, xây dựng cuộc sống gia đình ấm no, hạnh phúc. Gia đình anh Thân Văn Luận, ở tổ dân phố 6, thị trấn Plei Kần, huyện Ngọc Hồi là ví dụ. Mặc dù chân trái bị liệt, đi lại khó khăn song từ sự chăm chỉ, dám nghĩ dám làm vươn lên trong cuộc sống, anh Luận đã tìm được nửa kia của mình và cùng vợ nuôi dạy 2 con trưởng thành. Không chỉ lo cho cuộc sống hiện tại, trước tình hình sức khỏe ngày càng yếu, anh Thân Văn Luận đã tự xây dựng một kế hoạch để đảm bảo cho tương lai.
Anh nói: “Càng già sức khỏe càng yếu. Chúng tôi phải quy đổi lại chương trình chứ không thể mãi thế này được”.
Cùng với nỗ lực vượt qua tự ti, mặc cảm, tự thân vận động, tự mình vươn lên trong cuộc sống, những năm gần đây người khuyết tật ở tỉnh Kon Tum nhận được sự quan tâm rất lớn từ cộng đồng.
Trong Ngày hội việc làm dành cho người khuyết tật vừa được Sở Lao động, Thương binh và Xã hội địa phương tổ chức, đã có 10 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất tham gia ngày hội với vai trò tư vấn, giới thiệu việc làm và trực tiếp tuyển dụng hàng chục lao động.
Là điển hình trong việc đào tạo nghề, tạo công ăn việc làm cho người lao động khuyết tật, ông Lê Sơn Hải, chủ cơ sở mộc mỹ nghệ Nguồn Xanh, số 37 đường Thi Sách, thành phố Kon Tum, nói: “Không phải ai sinh ra cũng may mắn có cuộc sống ổn định. Vì vậy, chúng tôi sẵn sàng chào đón các em. Bây giờ, nhiều em thành đạt, mở xưởng mộc đó là niềm vui của chúng tôi”.
Cùng với nỗ lực của cá nhân, việc được cộng đồng dành nhiều sự quan tâm, hỗ trợ đang là động lực rất lớn giúp người khuyết tật ở tỉnh Kon Tum thêm tự tin để hòa nhập và vươn lên trong cuộc sống.