Hơn 30 năm đứng chân trên bục giảng, cống hiến tâm huyết, năng lực của mình, gắn bó với bảng đen, phấn trắng, với sự nghiệp trồng người, cô giáo Y Phan vẫn tràn đầy nhiệt huyết như ngày mới vào nghề. Động lực duy nhất khiến cô bám trường, bám lớp, bám thôn làng là để mang cái chữ về những vùng sâu, vùng xa.

y phan

Mảnh đất ĐăkHring là nơi cô giáo Y Phan đã sinh ra và lớn lên, cũng chính là nơi cô được phân công công tác sau khi tốt nghiệp trường Trung học sư phạm tỉnh Gia Lai – Kon Tum năm 1985. Lần đầu tiên đứng chân trên bục giảng, cô giáo Y Phan được phân công chủ nhiệm lớp 2 tại trường chính, với tổng số 35 em học sinh, 100% các em là người dân tộc thiểu số, chưa biết tiếng phổ thông. Ngày đó, cuộc sống còn đói khổ, trình độ dân trí thấp, phong trào học tập chưa phát triển nên việc học không mấy được quan tâm. Rồi khó khăn chồng chất khó khăn, một giáo viên trẻ mới vào nghề còn nhiều bỡ ngỡ, phải đối mặt với thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, học sinh đến lớp không có sách vở, đồ dùng học tập, các em nửa buổi đi học, nửa buổi theo cha mẹ ra đồng nên thường xuyên bỏ lớp. Thế nhưng, chính ánh mắt trong veo của những cô cậu học trò nhỏ cùng hình ảnh đói khổ, cơ cực trong cuộc sống mà các em đang trải qua từng ngày đã thôi thúc Y Phan vượt qua mọi khó khăn, quyết tâm đem cái chữ về với thôn làng.  Và thế là, cô giáo trẻ ngày qua ngày lặn lội qua từng cái nương, cái rẫy, tìm gặp phụ huynh để vận động, thuyết phục, giúp họ hiểu tầm quan trọng của cái chữ, của việc đến trường. Rồi để giữ chân các em ở lại lớp, cô mang theo đồ ăn, nước uống, cô ân cần hỏi han, chăm sóc từng em. Dần dần, chính tình thương yêu, sự nhiệt tình cùng niềm đam mê cháy bỏng trong cô đã tiếp cho các em ngọn lửa để vượt qua khó khăn, gắn bó với trường, với lớp, để học cái chữ, sau này giỏi giống như cô giáo, để có 1 tương lai tốt đẹp và tươi sáng hơn.

Cô giáo Y Phan chia sẻ, muốn nâng cao chất lượng dạy và học thì trước tiên người giáo viên phải không ngừng trau dồi kiến thức, nghiệp vụ sư phạm, tính thực tiễn, tính khoa học mới có thể giúp các em hiểu và thực hành có hiệu quả sau mỗi giờ lên lớp, gắn bó với môi trường sư phạm… Và có lẽ, chính những kinh nghiệm đó đã giúp cô giáo Y Phan vượt qua những khó khăn đời thường, hoàn thành tốt mọi công việc, tận tâm, tận lực với học sinh, gắn bó với thôn làng.

Đến nay, trải qua một chặng đường dài cống hiến cho sự nghiệp trồng người, cô giáo Y Phan đã xây dựng nhiều đề tài sáng kiến kinh nghiệm được áp dụng vào thực tiễn có hiệu quả; đào tạo được nhiều học sinh giỏi các cấp; xây dựng đề án lớp ghép trong giảng dạy; nhiều năm liền đạt danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh và được trao tặng nhiều giấy khen, bằng khen của các cấp; và ghi nhận lớn nhất là năm 2002, cô vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú. Tất cả những thành công đó cùng tình yêu nghề chính là nguồn cổ vũ, động viên, giúp cô vững bước trên con đường mình đã chọn. Hiện nay, với cương vị là phó hiệu trưởng trường Tiểu học Bế Văn Đàn – huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum, cô giáo Y Phan luôn thực hiện đúng chức trách được giao, giữ vững nề nếp kỷ cương trong công tác; nêu cao tinh thần đoàn kết, tích cực áp dụng các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, nhất là trong vùng DTTS. Nhờ có chuyên môn sâu lại luôn chia sẻ những kinh nghiệm trong nghề cho đồng chí, đồng nghiệp nên cô được đồng nghiệp trân trọng và quí mến.

Như con ong chăm chỉ, miệt mài tạo nên những giọt mật ngọt cho đời, cả cuộc đời của nhà giáo ưu tú Y Phan đã lặng lẽ, âm thầm chở biết bao thế hệ học sinh cập bến bờ tri thức. Đến nay, gần 50 tuổi đời, 31 năm tâm huyết với nghề giáo, cô giáo Y Phan vẫn nặng lòng với chữ “tâm” của người thầy, để rồi, mỗi năm học trôi qua, cô lại tiếp tục nỗ lực, cống hiến, chỉ với một mong muốn: chắp cánh ước mơ cho học sinh vùng khó khăn vươn tới những thành công./.

Nguồn: www.huyendakha.gov.vn-HT