TW Hội LHPN Việt Nam vừa tổ chức hội nghị đánh giá kết quả triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017 – 2027” năm 2018. Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Trần Thị Hương chủ trì hội nghị cùng sự tham gia của đại diện 10 tỉnh cụm Đồng bằng sông Hồng và các tỉnh/thành điểm triển khai thực hiện Đề án.

tw

Hội nghị đánh giá kết quả triển khai Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ

Báo cáo tại hội nghị đánh giá, sau hơn 1,5 năm triển khai thực hiện, đề án 938 đã bước đầu có kết quả tốt. Đề án đã nhận được sự quan tâm, phối hợp chặt chẽ của chính quyền và các ngành, 61/63 tỉnh/thành đã có kế hoạch của UBND tỉnh; nhiều tỉnh đã được phân bổ kinh phí và vận động được nguồn lực từ nhiều nguồn khác để thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu của đề án.

Xác định chủ đề năm 2018 là “An toàn thực phẩm”, các cấp Hội đã chủ động, sáng tạo thực hiện, góp phần tạo chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành vi của cán bộ, hội viên, phụ nữ và nhân dân về đảm bảo an toàn thực phẩm. TW Hội phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Hội Nông dân Việt Nam tổ chức Lễ phát động thực hiện Chương trình phối hợp về tuyên truyền, vận động sản xuất, kinh doanh nông sản thực phẩm an toàn vì sức khỏe cộng đồng giai đoạn 2017-2020; biên soạn, phát hành tờ thông tin chuyên đề an toàn thực phẩm tới hơn 800 xã vùng biên, vùng giáp biển; phối hợp với các cơ quan truyền thông đại chúng tuyên truyền rộng rãi về giáo dục chuyển đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, về vai trò của phụ nữ tham gia giữ gìn vệ sinh an toàn trong sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm.

Trong năm 2018, Hội đã phối hợp với các ngành tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: Giao lưu truyền hình Gia đình hạnh phúc với chủ đề “Nơi ấy bình yên” nhằm chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm, bí quyết để giữ gìn hạnh phúc gia đình; tổ chức Ngày Hội Gia đình Việt Nam năm 2018 và Triển lãm về gia đình với chủ đề “Điểm tựa yêu thương”; tập huấn tiền hôn nhân cho 360 nam nữ thanh niên, nâng cao kiến thức kỹ năng về phòng, chống bạo lực, tư vấn hòa giải, hỗ trợ nạn nhân bị bạo lực gia đình cho 140 đại biểu là ban chủ nhiệm, tuyên truyền viên các mô hình phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc; xây dựng phim, lồng tiếng HMong và Hà Nhì tuyên truyền về phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết; tổ chức diễn đàn “Cùng xây tổ ấm vì sự an toàn và phát triển của trẻ em”, trưng bày “Phía sau cánh cửa”…

Cùng với TW, các cấp Hội ở địa phương đã đồng loạt tổ chức truyền thông về an toàn thực phẩm và phòng chống bạo lực gia đình với nhiều hình thức, qua đó góp phần nâng cao nhận thức, kiến thức cho phụ nữ và cộng đồng về các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, các mối nguy mất an toàn thực phẩm, các điều kiện, quy trình sản xuất, chế biến thực phẩm an toàn, các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ ký cam kết thực hiện an toàn thực phẩm; nâng cao nhận thức và trách nhiệm của các cấp, các ngành chung tay phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới và giáo dục cha mẹ trong chăm sóc và phát triển trẻ em; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho hội viên phụ nữ; tập huấn kiến thức phòng chống bạo lực gia đình, tổ chức cuộc sống gia đình cho cán bộ Hội các cấp; nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn và trợ giúp pháp lý,tham gia các tổ hòa giải tại cơ sở…

Bên cạnh việc đánh giá, ghi nhận kết quả đạt được trong triển khai Đề án thời gian qua, Phó Chủ tịch Trần Thị Hương cũng chỉ ra những khó khăn, tồn tại trong quá trình thực hiện như: nhiều tỉnh chưa được phân phân bổ kinh phí, hoạt động chủ yếu lồng ghép vào công tác Hội nên hiệu quả còn hạn chế; phương pháp tuyên truyền, vận động chưa được đổi mới, sáng tạo; các mô hình đề án còn dàn trải, thiếu chọn lọc.

Phó Chủ tịch Hội đặc biệt nhấn mạnh tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em ngày càng phức tạp, nghiêm trọng, gây bức xúc trong dư luận xã hội; tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng dân tộc miền núi….Việc phát hiện các trường hợp phụ nữ, trẻ em bị xâm hại, bạo lực và lên tiếng, hỗ trợ, tham gia giải quyết của các cấp Hội còn hạn chế, chưa chủ động, chưa quyết liệt; Tình trạng mất an toàn thực phẩm vẫn xảy ra tại nhiều địa phương…
Phó Chủ tịch Hội đề nghị trong thời gian tới, các cấp Hội cần dày công đầu tư, quyết liệt thực hiện các mục tiêu của Đề án. Chủ đề năm 2019 được Hội xác định là năm an toàn cho phụ nữ và trẻ em vì vậy, các tỉnh/thành cần căn cứ vào tình hình thực tiễn và những vấn đề ưu tiên của địa phương để triển khai có hiệu quả. Trong quá trình thực hiện, chú trọng vận động nguồn lực từ nhiều kênh, chú trọng công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan.Tập trung các hoạt động truyền thông nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các vấn đề đặt ra hiện nay ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em gái; cung cấp kiến thức, kỹ năng cho cha mẹ có con dưới 16 tuổi kiến thức về chăm sóc sức khỏe thể chất, tinh thần cho trẻ theo từng độ tuổi; kỹ năng sống cho trẻ, bảo vệ trẻ khỏi xâm hại, bạo lực, an toàn giao thông; phòng chống đuối nước. Quyết liệt thực hiện mục tiêu “Không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời”.

Tuyết Mai

Nguồn: http://hoilhpn.org.vn-HT