Trong những năm qua, công tác cán bộ nữ trên địa bàn tỉnh luôn được các cấp ủy quan tâm, nhờ đó đội ngũ cán bộ nữ đã không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đáng kể là sau khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007 “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chương trình số 35-CTr/TU ngày 27-8-2007 về thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Qua gần 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ và Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ nữ của tỉnh đã tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành. Hầu hết các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể chính trị – xã hội đã nhận thức sâu sắc hơn về vị trí, vai trò của cán bộ nữ, quan tâm hơn đến việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ, góp phần từng bước nâng cao tỷ lệ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý ở các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh.
Từ năm 2011 đến nay, toàn tỉnh đã đào tạo, bồi dưỡng được 2.446/7.340 lượt cán bộ (chiếm 33,32%); trong đó đào tạo lý luận chính trị: 381 lượt (chiếm 15,57%); chuyên môn nghiệp vụ: trên đại học 18 đồng chí (chiếm 0,74%), đại học: 98 đồng chí (chiếm: 4%) và bồi dưỡng 1.949 lượt cán bộ.
Từ chỗ làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, hiện nay toàn tỉnh có 429/2.058 cán bộ nữ giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã (chiếm 20,85%). Trong đó:
Cấp tỉnh: có 153/693 đồng chí (chiếm 22,08%). Trong số này, giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: 34/181 đồng chí (Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh: 2/10 đồng chí (chiếm 20%, nữ là người dân tộc thiểu số 01 đồng chí); Trưởng các sở, ban, ngành và tương đương 6/47 đồng chí (chiếm 12,76%, nữ là người dân tộc thiểu số 05 đồng chí); Phó các sở, ban, ngành và tương đương 26/124 đồng chí (chiếm 20,97 %, nữ là người dân tộc thiểu số 11 đồng chí); giữ các chức danh Trưởng, phó phòng cấp sở, ban, ngành và tương đương 119/512 đồng chí (chiếm 23,24%) (Trưởng phòng cấp sở, ban, ngành và tương đương 32/134 đồng chí (chiếm 23,88%), phó phòng cấp sở, ban, ngành và tương đương 87/378 đồng chí (chiếm 23,02 %)
Cấp huyện: có 184/773 đồng chí (chiếm 23,8%). Trong đó: giữ các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý: 24/164 đồng chí (chiếm 14,63%, có 20 đồng chí là cán bộ nữ, người dân tộc thiểu số); Trưởng, phó phòng ban, ngành và tương đương 160/609 đồng chí (chiếm 26,27%)
Cấp xã: có 92/592 đồng chí giữ các chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp xã (chiếm 15,51%).
Bên cạnh đó, tỷ lệ cán bộ nữ giới thiệu bầu vào cấp ủy, đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp tăng qua từng năm, cụ thể:
Cán bộ nữ tham gia cấp ủy các cấp nhiệm kỳ 2015-2020 chiếm tỷ lệ 23,2%; trong đó cấp ủy tỉnh có 8/53 đồng chí (chiếm 15,09%), Ban Thường vụ Tỉnh ủy có 2/15 đồng chí (chiếm 13,33%); cấp ủy huyện có 87/508 đồng chí (chiếm 17,13%); cấp ủy xã: 372/1451 đồng chí (chiếm 25,64%)
Cán bộ nữ tham gia Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh 1/6 đồng chí (chiếm 16,67%); đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp chiếm 31,82 % (cấp tỉnh có 19/50 đồng chí (chiếm 38%), cấp huyện có 101/315 đồng chí (chiếm 32,06%), cấp xã có 824/2602 đồng chí (chiếm 31,67%))
Cán bộ nữ là Chủ tịch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân các cấp chiếm 17,49% (cấp tỉnh có 1/5 đồng chí (chiếm 20%), cấp huyện có 5/34 đồng chí (chiếm 14,71%), cấp xã có 47/264 đồng chí (chiếm 17,8%))
Nhìn chung, những năm qua công tác cán bộ nói chung, công tác cán bộ nữ nói riêng đã được Tỉnh uỷ, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ quan tâm chỉ đạo sâu sát. Nhờ đó chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ nữ được nâng lên, nhất là đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý khi được phân công nhiệm vụ ở bất kỳ cương vị công tác nào đều vững vàng về tư tưởng chính trị, giữ vững phẩm chất đạo đức, năng động, sáng tạo, tận tâm, tận lực với công việc, có ý thức tự khắc phục khó khăn, phát huy được vai trò trách nhiệm, đảm bảo hiệu quả công tác; biết sắp xếp hài hòa công việc gia đình với xã hội, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Tuy nhiên, vẫn còn một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa chú trọng đúng mức công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ nữ; thiếu quan tâm chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương về công tác cán bộ nữ của Đảng, Nhà nước dẫn đến việc bố trí, sử dụng cán bộ nữ trong đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý còn thấp; nguồn cán bộ nữ còn hẫng hụt (còn 24/47 đơn vị sở, ban, ngành tỉnh chưa có cán bộ nữ trong ban lãnh đạo). Năng lực tham mưu, quản lý, điều hành và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số cán bộ nữ còn hạn chế, hiệu quả chưa cao. Một số ít cán bộ nữ thiếu ý chí phấn đấu, rèn luyện, nỗ lực vươn lên trong công tác, nhất là ở cơ sở.
Để nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện công tác cán bộ nữ, nâng cao tỷ lệ cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp, nhất là cán bộ nữ diện Tỉnh ủy quản lý trong thời gian tới, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, các đoàn thể chính trị – xã hội tiếp tục chú trọng xây dựng kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện tốt các giải pháp về công tác cán bộ nữ, trong đó tập trung ưu tiên các giải pháp sau:
Tiếp tục quán triệt sâu rộng các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ nữ, Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” và Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác phụ nữ, công tác cán bộ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Các cấp ủy, tập thể lãnh đạo các sở, ban, ngành cần triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch cán bộ nói chung, trong đó xác đinh quy hoạch cán bộ nữ là nhiệm vụ vừa cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài; nắm vững yêu cầu xây dựng đội ngũ cán bộ đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, để tập trung chỉ đạo xuyên suốt với quyết tâm cao trong tổ chức thực hiện công tác quy hoạch cán bộ nữ.
Sau quy hoạch, nhanh chóng xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển cán bộ, đồng thời sớm bố trí cán bộ nữ trong quy hoạch tiếp cận vào chức danh được quy hoạch để thử thách, rèn luyện, đào tạo cán bộ nữ từ thực tiễn công tác ở cơ sở. Phấn đấu thực hiện tốt các chỉ tiêu đề ra trong Chương trình hành động số 35-CTr/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, nhất là đối với các cơ quan, đơn vị chưa có cán bộ nữ trong ban lãnh đạo; cần có kế hoạch rà soát, chọn cán bộ nữ bổ sung quy hoạch, tích cực đào tạo, bồi dưỡng để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ nữ trong quy hoạch.
Các cấp ủy, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị tạo điều kiện để cán bộ nữ phấn đấu vươn lên; mạnh dạn bố trí, sử dụng cán bộ nữ; khắc phục tư tưởng trọng nam, khinh nữ và tình trạng hẫng hụt đội ngũ cán bộ nữ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị, nhất là đối với các chức danh lãnh đạo, quản lý.
Tiếp tục nghiên cứu rà soát, điều chỉnh các quy định, chính sách về công tác cán bộ nữ của địa phương trước đây và vận dụng, cụ thể hóa các văn bản của Trung ương cho phù hợp tình hình hiện nay của tỉnh. Đồng thời, quan tâm tạo điều kiện thuận lợi và có chính sách thỏa đáng để đội ngũ cán bộ, công chức nữ an tâm công tác, phấn đấu vươn lên hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp chủ động, tích cực tham mưu đề xuất, tham gia với cấp ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp xây dựng và thực hiện các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh về công tác cán bộ nữ. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho phụ nữ về bình đẳng giới, truyền thống, phẩm chất tốt đẹp của Phụ nữ Việt Nam; khắc phục tư tưởng tự ti, an phận, nêu cao tinh thần tự chủ, đoàn kết, chịu khó vươn lên để không ngừng tiến bộ.
Ban Tổ chức Tỉnh ủy