Đã lâu, mới có dịp trở lại thăm nữ anh hùng lực lượng vũ trang Y Buông. Căn nhà xây đã cũ nằm ở khu dân cư yên bình, cạnh Khu di tích lịch sử chiến thắng Đăk Tô- Tân Cảnh vẫn dáng vẻ đơn sơ, khiêm nhường. Không được hẹn trước, nên ban đầu, bà có vẻ hơi bất ngờ, nhưng sau đó, rất vui và hồ hởi.
Người nữ anh hùng bình dị Y Buông. Ảnh: Thanh Như
Thời gian in hằn trên gương mặt nâu sạm của người chị nuôi tận tình chịu khó năm xưa, song nụ cười thì vẫn thế. Nụ cười hồn hậu cùng với ánh nhìn sáng trong như chưa hề đi qua bao gian khổ, khó khăn và cả những mất mát, đau thương của cuộc đời. “Mẹ là vậy đó. Lúc nào cũng nói cũng cười…Hơn 70 tuổi rồi còn gì. Không trái gió trở trời cũng đau cũng nhức, còn được thế này là mừng là vui lắm rồi!…” – Chị Y Thảo, con gái người nữ anh hùng chia sẻ.
Bà Y Buông sinh năm 1945 ở làng nhỏ Đăk Rế, vùng rừng núi căn cứ Cách mạng Đăk Na, H80 ( Nay là Huyện Tu Mơ Rông). Năm 13 tuổi đã làm liên lạc cho cán bộ địa phương, lên 15 tuổi, cô bé dân tộc Xê Đăng được tuyển vào công tác ở vùng căn cứ, làm nhiệm vụ sản xuất, chuyên chăn nuôi heo gà, để cải thiện đời sống cho lực lượng quân chính của tỉnh. Công việc vất vả, nặng nhọc, Y Buông không ngại. Khi được được giao nhiệm vụ nuôi quân tại Đại đội 130 của tỉnh vào đầu năm 1963, Y Buông vui mừng lắm. Gùi cõng mì, gạo, chặt cây, lấy le làm lán trại, lo cho bộ đội những bữa ăn no…,việc gì Y Buông cũng cố gắng chu toàn. Công tác tốt, thời gian này,Y Buông vinh dự đứng vào hàng ngũ của Đảng. Tháng 5/1965, Y Buông được điều về công tác tại Đại đội 1, Tiểu đoàn 304. Đó là Tiểu đoàn bộ binh đầu tiên của tỉnh đội Kon Tum được thành lập ngày 18/5/1965 tại làng Văn Tó, xã Đăk Uy (nay thuộc huyện Đăk Hà). Phụ trách nuôi quân của đại đội, công việc của Y Buông là trực tiếp tham gia và tổ chức bữa ăn hàng ngày cho cán bộ, chiến sĩ. Bộ đội được ăn no mới có sức mà đánh giặc, nhưng lúc đó, gạo thiếu lắm. Đồng bào địa phương có lúa, có bắp, có mì… đều mang đến ủng hộ, nhưng lúc nào cũng phải dành dụm, nấu hôm nay để dành ngày mai. Y Buông và anh chị em phải đi tìm rau dền, rau dệu, lấy thêm đọt măng, cây chuối, bắt cá,… để nấu bữa cho anh em. Công việc càng khó khăn hơn vào những thời điểm địch đánh phá ác liệt, hoạt động vận chuyển lương thực, thực phẩm bị gián đoạn; hàng hóa dự trữ cạn kiệt. Không có rau rừng, cá suối của những người nuôi quân tận tâm nhiệt huyết, bộ đội không thể qua được những bữa cầm hơi. Giữa chiến trường gian khổ, ác liệt, một trong những yêu cầu bắt buộc đối với chiến sĩ nuôi quân là nấu ăn nhưng không được để khói bay lên, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho đơn vị, không xảy ra sơ suất khiến địch phát hiện. Bà Y Buông kể, máy bay bay nhiều lắm, rồi biệt kích, thám báo đi lùng trong rừng,Y Buông và anh em đào cái mương nhỏ, làm cái hố sâu để nấu, không để khói bay lên. Nấu bằng cây to thì khó cháy, khói nhiều, nên phải chịu khó chẻ củi cho nhỏ ra, cháy nhanh, ít khói.
Không trực tiếp cầm súng chiến đấu, nhưng trong quá trình phục vụ bộ đội, chị nuôi Y Buông và đồng đội cũng không ít lần bị địch tập kích, gặp biệt kích, thám báo trong rừng. Bằng tinh thần gan dạ, mưu trí, họ đều vượt qua hiểm nguy để trở về an toàn, tiếp tục phục vụ. Có lần,Y Buông lấy rau đầy gùi, trên đường về thì gặp biệt kích lần theo. Y Buông giữ chặt gùi rau, bỏ chạy. Đường rừng hiểm trở, người chị nuôi gan dạ cứ tuôn mà đi, “cắt đuôi” được “cú vọ”. Cũng như bộ đội chiến đấu ngoài mặt trận, ngày ấy, ranh giới giữa sự sống và cái chết của người chiến sĩ nuôi quân phục vụ chiến trường thật mong manh. Nhưng với người chị nuôi thật thà, chân chất, “Bộ đội không sợ thì mình sợ gì. Mang cơm ra trận địa để anh em ăn, mới có sức mà chiến đấu.”. Trong tập sách về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng và anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân của tỉnh Kon Tum, chuyện về “Nồi cơm huyền thoại của nữ anh hùng Y Buông” đã được trích dẫn. Đó là năm 1968, trong một lần đưa cơm lên điểm chốt của Đại đội 1, Tiểu đoàn 304, chị nuôi Y Buông gặp pháo của địch bất ngờ cấp tập. Trong lúc đạn pháo tới tấp, đất đá, cành cây vùi lấp, Y Buông vẫn tìm cách bảo vệ nồi cơm đang nấu dở. Với Y Buông, đơn giản là mình thế nào cũng được, nhưng phải giữ cho nồi cơm không bị đạn pháo, đất đá phá hủy, “Để còn cái nồi nấu cơm và còn cơm cho anh em ăn”, “Và nếu đạn pháo có trúng vào mình, mình hy sinh thì còn cái nồi, còn người khác nấu cơm, chứ mất cái nồi thì lấy gì nấu cơm cho bộ đội ăn mà đánh giặc…”.
Bà Y Buông sống tình cảm, đỡ đần con cháu. Ảnh: Thanh Như
Tận lực, tận tâm, gan dạ, dũng cảm, hơn 15 năm tham gia phục vụ chiến đấu, chiến sĩ nuôi quân Y Buông được tặng nhiều bằng khen, giấy khen, 3 lần được công nhận danh hiệu Chiến sĩ thi đua quyết thắng, được tặng thưởng Huân chương chiến công giải phóng hạng Ba. Ngày 20/12/1973, Trung đội phó nuôi quân Y Buông vinh dự được Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.
Trải qua bao gian nan, vất vả, nhất là sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, chẳng may bị trúng mìn của địch còn sót lại, mất hẳn một chân, người chị nuôi tận tình, nhiệt huyết năm xưa vẫn giữ cho mình niềm lạc quan, yêu đời một cách chân thành, bình dị. Tuổi thanh xuân đi qua chiến trường, bà bảo, ngày ấy siêng năng nên được các anh quý mến lắm, nhưng “Chỉ yêu trong cái đầu thôi. Yêu rồi có con thì làm sao công tác được…” – Bà cười, mắt ánh lên niềm tin yêu, tự hào.
Nhiệt tình, tận tụy công tác, sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, năm 1977, Y Buông mới lập gia đình, hai lần sinh nở nhưng chỉ được một con gái duy nhất. Hiện nay, bà sống cùng vợ chồng con gái và các cháu. “Cuộc sống sinh hoạt hàng ngày của mẹ không có gì phải băn khoăn, nhờ chế độ hàng tháng được đảm bảo, nhưng mấy năm nay, mẹ vẫn nhận nuôi cháu gái nhỏ, con của người thân ở làng bị câm, hoàn cảnh rất khó khăn, lo cho cháu học hành …”- Chị Y Thảo chia sẻ.
Mất chân phải, càng lớn tuổi, bà Y Buông đi lại càng khó khăn, nhưng chiếc xe lăn chỉ được bà dùng mỗi khi đi sự kiện, họp hành, gặp mặt…Hàng ngày, để tiện sinh hoạt trong gia đình, chiếc ghế đẩu bằng nhựa vẫn là một chân thay thế. Bà dùng tay nắm chắc vào thân ghế, lò cò từng bước để di chuyển. Ra vào, cho gà cho vịt ăn, bắc cơm, nấu nước…, bà đều tự làm. “Mình làm được gì thì làm cho con cho cháu chứ…Ngồi không làm gì, buồn lắm.”- Bà cười hồn hậu.
Tuổi ngày càng cao, sức khỏe giảm sút, mỗi tháng đôi lần phải vào bệnh viện để khám và điều trị, nên bây giờ, bà Y Buông ít đi đâu xa. Ở khu dân cư, mọi người thỉnh thoảng vẫn đến thăm hỏi, trò chuyện. Ai cũng kính trọng và quý mến người nữ anh hùng bình dị./.
Cộng tác viên: Thanh Như-PL-HT