Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội; xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, với các đặc trưng dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học; phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa. Trong xây dựng văn hóa, trọng tâm là chăm lo xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp, với các đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Phụ nữ đóng vai trò quan trọng trong việc góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong sự nghiệp phát triển và xây dựng đất nước, vai trò và vị trí của phụ nữ Việt Nam luôn được Đảng và Nhà nước ghi nhận, đánh giá cao và đã được thể chế hóa thông qua hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách[1]. Các tầng lớp phụ nữ đã phát huy truyền thống đoàn kết, sáng tạo trong học tập, lao động và công tác, đạt nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh, quốc phòng, góp phần quan trọng xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội của đất nước. Chuyên đề tập trung đề cập đến hai khía cạnh về vai trò của phụ nữ trong sáng tạo, tiếp thu các giá trị văn hóa và vai trò của phụ nữ trong trao truyền, phổ biến các giá trị văn hóa của cộng đồng. Vai trò của phụ nữ trong xây dựng nền văn hóa tiên tiến giàu bản sắc có thể được nhìn nhận ở hai góc độ: sự sáng tạo, làm giàu các giá trị văn hóa và sự trao truyền phố biến các giá trị văn hóa. Cụ thể:
Vai trò của phụ nữ trong sáng tạo các giá trị văn hóa. Trong quá trình lao động, sản xuất, phụ nữ cũng là đồng tác giả của kho tàng văn hóa dân gian như: âm nhạc – ca giao dân ca; thủ công mỹ nghệ truyền thống; ẩm thực truyền thống; tín ngưỡng; lễ hội…. sự khéo léo và tâm hồn nhạy cảm vồn dĩ của phụ nữ góp nên những sắc thái rất riêng trong việc sáng tạo ra các giá trị văn hóa tích cực của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc. Với vai trò nữ giới, phụ nữ nữ có vai trò đặc biêt quan trọng trong việc với việc hình thành các giá trị đạo đức, nhân cách lối sống của mỗi cá nhân; góp phần củng cố các hệ giá trị đạo đức gia đình, cộng đồng…
Vai trò của phụ nữ trong trao truyền, phổ biến các giá trị văn hóa. Trao truyền các giá trị văn hóa cho các thế hệ trong gia đình, dòng họ. Trao truyền các giá trị văn hóa trong cộng đồng dân cư. Quảng bá, phổ biến các giá trị văn hóa của cộng đồng ra khu vực, thế giới.
Trong xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với địa hình đa dạng và đặc điểm khí hậu đặc trưng, Kon Tum là vùng đất có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như: quần thể sinh thái Măng Đen; quần thể danh lam thắng cảnh và khu bảo tồn Ngọc Linh; Khu bảo tồn thiên nhiên Chư Mo ray, Rừng đặc dụng Đăk Ui, hệ thống 11 điểm suối nước nóng trên địa bàn tỉnh, hệ thống các lòng hồ… Nằm trong vùng Trường Sơn-Tây Nguyên, Kon Tum là địa bàn sinh sống của 7 dân tộc tại chỗ như: Xơ-đăng, Ba-na, Gia-rai, Gié-Triêng, Brâu, Rơ-măm, H Rê. Ngôn ngữ của các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum thuộc hai ngữ hệ chính là Nam Á (Môn – Khơ me) và Nam Đảo (Mã lai – Pôlinêxia). Văn hóa các dân tộc tại chỗ của Kon Tum là văn hóa dân gian với nhiều giá trị độc đáo như ngữ văn dân gian, âm nhạc dân gian, kiến trúc – điêu khắc dân gian, hệ thống các nghi lễ, phong tục tập quán đa dạng. Với vị trí địa lý quan trọng, Kon Tum còn là vùng đất có bề dày văn hoá lịch sử phong phú và đây cũng là vùng đất ghi dấu nhiều di tích lịch sử văn hoá. Theo thống kê, tỉnh có trên 219 di tích lịch sử văn hóa và danh lam. Trong đó: trên 57 di tích văn hóa tiền sử (thời đại đồ đá như: di chỉ Lung Leng, di chỉ plei Krông); gần 100 di tích lịch sử và các di tích thuộc loại hình kiến trúc, danh lam khác. Hiện trên địa bàn toàn tỉnh có 23 di tích đã được xếp hạng quản lý, trong đó 1 di tích quốc gia đặc biệt (di tích lịch sử Đường Trường Sơn – Đường Hồ Chí Minh), 5 di tích cấp quốc gia, 17 di tích cấp tỉnh.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã có chuyển biến, đạt kết quả tích cực. Nhận thức về văn hóa của các cấp, các ngành và toàn dân được nâng lên. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú, nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể được bảo tồn, tôn tạo, phát huy; nhiều phong tục, tập quán của đồng bào dân tộc thiểu số được nghiên cứu, sưu tầm và phục dựng (hiện đã sưu tầm, biên dịch các bộ sử thi của 2 dân tộc Ba-na và Xơ-đăng cùng với nhiều hoạt động bảo tồn loại hình “sử thi sống”; lưu giữ hơn 1.916 bộ cồng chiêng các loại; các thiết chế văn hóa cơ sở được quan tâm đầu tư…). Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo và sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân được quan tâm (sưu tầm, phục dựng, bảo lưu 25 lễ hội truyền thống trong cộng đồng các dân tộc tại chỗ; các công trình kiến trúc tín ngưỡng tuyền thống được phục dựng, tôn tạo….).
Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn một số tồn tại, hạn chế. Tình trạng suy thoái về lý tưởng, đạo đức, lối sống trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Môi trường văn hóa còn tình trạng thiếu lành mạnh, việc tiếp thu dễ dãi, thiếu chọn lọc sản phẩm văn hóa ngoại lai đã tác động tiêu cực đến đời sống văn hóa của một bộ phận nhân dân, nhất là lớp trẻ. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao. Nguy cơ mai một, “đứt gãy” các giá trị văn hóa tốt đẹp chậm được khắc phục; hủ tục, lạc hậu vẫn còn tồn tại ở một số nơi. Hệ thống thiết chế văn hóa và cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động văn hóa còn thiếu và yếu, có nơi xuống cấp, thiếu đồng bộ, hiệu quả sử dụng thấp.
Nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, trong thời gian tới chúng ta cần triển khai đồng bộ các giải pháp sau:
Thứ nhất, tiếp tục nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên và các tầng lớp phụ nữ về các giá trị văn hóa tốt đẹp, nhất là các giá trị văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc tại chỗ ở Kon Tum. Đây là giải pháp cơ bản, trọng tâm nhằm phát huy vai trò của phụ nữ trong điều kiện hiện nay. Với xu thế hội nhập sâu và rộng, sự phát triển của khoa học công nghệ, sự kết nối không giới hạn của thông tin, vấn đề nhận thức các giá trị văn hóa của chính cộng đồng, quốc gia dân tộc là hết sức cần thiết. Để có thể phát huy vai trò của chủ thể văn hóa trong việc xây dựng và phát huy các giá trị văn hóa của cộng đồng, trước hết, mỗi cá nhân phải hiểu để có thể yêu mến và tự hào về các giá trị trong kho tàng văn hóa của mỗi cộng đồng. Trên cơ sở nhận thức được những giá tích cực hay phân biệt được các hiện tượng văn hóa tiêu cực sẽ hình thành nhu cầu nội sinh trong quá trình kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa khi tham gia vào quá trình hội nhập và giao lưu. Việc nâng cao nhận thức cho phụ nữ và hội viên phụ nữ cần được tổ chức đa dạng, phù hợp với đối tượng, điều kiện như: thông qua các sinh hoạt chi hội, tích hợp trong các buổi sinh hoạt thôn, làng; qua hình thức sân khấu; qua chính các hoạt động văn hóa tại gia đình cộng đồng; qua các phương tiên thông tin đại chúng,….
Thứ hai, đội ngũ cán bộ Hội các cấp cần chủ động tham gia góp ý kiến vào quá trình chuẩn bị, tổ chức, triển khai các hoạt động văn hóa, nhất là các hoạt động văn hóa truyền thống tại cộng đồng. Hiện nay, các hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được cộng đồng quan tâm và đẩy mạnh. Bên cạnh đó, những hoạt động văn hóa mới có tích hợp một phần các yếu tố văn hóa truyền thống cũng được tổ chức khá phong phú. Tuy nhiên, không ít các hoạt động trên có sự can thiệp làm mất đi các giá trị truyền thống cao đẹp, nhân văn hoặc thiên về mê tín dị đoan, hủ tục v..v…. Vì vậy, khi tham gia cùng già làng, thôn trưởng, trưởng lễ, cộng đồng trong việc tổ chức các sinh hoạt văn hóa cần “khéo léo” trong vận động thuyết phục nhằm góp phần định hướng để cộng đồng lựa chọn các yếu tố tích cực để kế thừa và loại bỏ các yếu tố lạc hậu để tránh áp đặt, chủ quan.
Thứ ba, xây dựng các mô hình cụ thể tại các chi hội trong việc thực hiện các cuộc vận động, các chương trình, đề án có liên quan đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa; phát hiện và nhân rộng các điển hình tiên tiến của phụ nữ trong việc kết hợp phát triển kinh tế và bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trong gia đình, cộng đồng ở các lĩnh vực như: nghề truyền thống, ẩm thực dân gian….
Thứ tư, phối hợp cùng với các cơ quan, đoàn thể tại cơ sở và phát huy vai trò của người có uy tín, các cá nhân am hiểu trong xây dựng các hoạt động văn hóa văn nghệ, các nội dung sinh hoạt cộng đồng, phát huy các thiết chế văn hóa truyền thống và tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh phù hợp với tâm lý lứa tuổi. Qua các hoạt động văn hóa, các sinh hoạt cộng đồng tích cực này, góp phần nâng cao chất lượng các sinh hoạt văn hóa tinh thần cho cộng đồng; góp phần định hướng các giá trị cho thế hệ trẻ trong tiếp thu các giá trị hiện đại, phù hợp với truyền thống, rèn luyện đạo đức, lối sống và làm giàu thêm bản sắc văn hóa dân tộc.
Thứ năm, phát huy vai trò của hệ thống chính trị cơ sở, cán bộ hội cần chủ động xây dựng kế hoạch hoạt động trong đó chú ý tích hợp các nội dung kế thừa và phát huy các giá trị văn hóa trong điều kiện hiện nay. Tham mưu lên cấp ủy, chính quyền địa phương về chủ trương, các giải pháp nhằm tạo cơ chế thuận lợi cho Hội các hoạt động nói chung trong đó có vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tại cơ sở./.
Đ/c Phạm Thị Trung – MT
GĐ Sở văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh
[1] Nghị quyết số 11-NQ/TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị khóa X “ về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Kết luận 55-KL/TW ngày 18 tháng 1 năm 2013 về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11-NQ/TW ngày 27 tháng 4 năm 2007.