Bám sát sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, cấp ủy Đảng các cấp, phát huy truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc tỉnh Kon Tum với tinh thần tự lực, tự cường, đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, đã nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Phụ nữ nhiệm kỳ 2011-2016, góp phần vào sự thành công của Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIV, Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XI.
Trong nhiệm kỳ 2011-2016, các cấp Hội đổi mới nội dung và cách thức triển khai phong trào thi đua thiết thực, phù hợp với nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của Hội, từng bước đáp ứng nguyện vọng của phụ nữ. Bám sát Chỉ thị 34- CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng; các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Thi đua – Khen thưởng của Chính phủ, của Đoàn Chủ tịch TW Hội LHPN Việt Nam; Nghị quyết Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ XI, Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum lần thứ XII, Ban Chấp hành Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp Hội nghiên cứu cụ thể hóa phù hợp với công tác Hội và phong trào phụ nữ; đổi mới phương thức chỉ đạo phong trào thi đua theo phương châm thi đua để thúc đẩy hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của Hội. Các nội dung thi đua hướng về cơ sở, tạo điều kiện để các cấp Hội cải tiến, chủ động đăng ký thi đua, lấy phong trào thi đua làm động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ và công tác Hội; vận động phụ nữ phát huy nội lực là trọng tâm, hỗ trợ phụ nữ là mục đích thực hiện. Vì vậy, trong nhiệm kỳ, phong trào thi đua đã khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường của phụ nữ, huy động được nguồn lực to lớn từ phụ nữ để phát triển kinh tế- xã hội góp phần nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho phụ nữ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức, trình độ, năng lực về mọi mặt cho cán bộ, hội viên, phụ nữ được đổi mới cả về nội dung và hình thức, ngày càng đáp ứng được nhu cầu, sự quan tâm, hưởng ứng của hội viên, phụ nữ. Các cấp Hội bám sát nhiệm vụ chính trị của tỉnh, của Hội xây dựng nội dung tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, tổ chức nhiều hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, trực quan sinh động, tập trung vào những vấn đề liên quan đến phụ nữ đã góp phần vào việc định hướng tư tưởng, đưa chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các phong trào của Hội đến với hội viên, phụ nữ, tạo sự đồng thuận, đoàn kết trong xã hội, ngăn ngừa và đấu tranh làm thất bại âm mưu “Diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế- xã hội.
Công tác xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững gắn với thực hiện Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch đã góp phần thiết thực xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Các cấp Hội đã tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền cung cấp kiến thức, nâng cao nhận thức cho phụ nữ trong xây dựng gia đình, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội. Thông qua thực hiện Đề án 704 “về giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt” và Nghị quyết Liên tịch số 01 về “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội” đã hỗ trợ cho nhiều bà mẹ, ông bố và trẻ vị thanh niên các kiến thức và kỹ năng sống, kỹ năng xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững. Qua 5 năm đã có 32.164/55.005 hộ gia đình đạt 8 tiêu chí Cuộc vận động (chiếm tỷ lệ 58,5%). Xây dựng và nhân rộng được các mô hình, câu lạc bộ về xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, địa chỉ tin cậy hoạt động có hiệu quả, một số mô hình sáng tạo phù hợp đặc thù của địa phương được thực hiện. Thông qua việc triển khai Cuộc vận động đã có tác động tích cực, làm thay đổi nhận thức và hành động của hội viên, phụ nữ, tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, góp phần không nhỏ vào thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới của tỉnh. Bên cạnh đó, các cấp Hội luôn quan tâm thực hiện công tác an sinh xã hội, đền ơn đáp nghĩa, nhân đạo từ thiện. Các cấp Hội đã vận động hội viên, phụ nữ và các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm đóng góp xây dựng mới 86 “Mái ấm tình thương”, sửa chữa 16 mái ấm cho hội viên, phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với số tiền trên 2 tỷ đồng. Hoạt động này đã góp phần nâng cao nhận thức, giáo dục truyền thống “tương thân, tương ái” trong hội viên, phụ nữ và cộng đồng, xã hội.
Hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo ngày càng đa dạng, thiết thực, hiệu quả. Phát huy thế mạnh của Hội trong hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế gắn với phương châm “giúp nhau” thoát nghèo, “giúp nhau” làm kinh tế giỏi và “giúp nhau” làm giàu. Các cấp Hội đã có nhiều hoạt động sáng tạo như hỗ trợ vốn vay, phối hợp dạy nghề, tạo việc làm, phát triển kinh tế gia đình. Hội đã chú trọng thực hiện tốt hoạt động phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và các nguồn tín dụng khác hỗ trợ vốn vay giúp hội viên, phụ nữ đầu tư phát triển kinh tế gia đình. Đến nay, Hội đang quản lý tổng vốn hơn 747 tỷ đồng cho 28.487 phụ nữ vay, tỷ lệ hoàn trả vốn đạt 75%; trong đó, có 9.800 phụ nữ nghèo vay vốn sử dụng vốn có hiệu quả, 2.269 hộ vay vốn đã thoát nghèo vươn lên làm giàu chính đáng. Hội cũng đã quan tâm, trợ giúp 3.401/4.878 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay vốn và đã có 1.153 hộ thoát nghèo. Bên cạnh đó, việc phát huy nội lực bằng huy động nguồn tiết kiệm của hội viên, phụ nữ tại chỗ đã tạo được nguồn vốn hơn 44 tỷ đồng cho chị em vay phát triển kinh tế gia đình đã giúp hội viên, phụ nữ nâng cao đời sống, góp phần thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến cuối năm 2015 còn dưới 11,5% theo Nghị quyết Đảng bộ tỉnh KonTum lần thứ XIV đề ra.
Công tác tham mưu, đề xuất giám sát các chính sách liên quan phụ nữ, trẻ em và liên quan đến cơ chế phối hợp giữa Hội LHPN với các cơ quan quản lý Nhà nước có chuyển biến tích cực. Hội đã tổ chức 2 đợt giám sát độc lập việc thực hiện Nghị định 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ về quy định trách nhiệm của bộ, ngành, UBND các cấp trong bảo đảm cho các cấp Hội LHPN Việt Nam tham gia quản lý Nhà nước. Cùng với hoạt động giám sát độc lập, các cấp Hội đã tham gia với HĐND, UBND, các ban, ngành cùng cấp giám sát các chính sách an sinh xã hội liên quan đến phụ nữ, trẻ em, các chương trình mục tiêu quốc gia. Sau giám sát, Hội đã làm việc với UBND tỉnh để báo cáo kết quả giám sát, có sự tham dự của các ngành liên quan. Những đề xuất, kiến nghị của Hội đã được UBND tỉnh ghi nhận và đưa vào thông báo kết luận để UBND các cấp trong tỉnh thực hiện. Qua giám sát bước đầu đã khẳng định được vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội cũng như năng lực của cán bộ Hội trong thực hiện chức năng đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái.
Công tác tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền ngày càng rõ nét. Phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, Hội đã tổ chức các cuộc họp, hội nghị để hội viên, phụ nữ tham gia ý kiến vào dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam năm 2013, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự (sửa đổi), Luật Bảo hiểm y tế, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Hôn nhân gia đình; văn kiện đại hội Đảng các cấp, các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; kế hoạch hoạt động vì sự tiến bộ phụ nữ; vấn đề dân chủ cơ sở… với 86.392 ý kiến đóng góp đã thể hiện được trách nhiệm, phát huy quyền làm chủ của phụ nữ.
Các cấp Hội đã chủ động, tích cực tham mưu, giới thiệu nhân sự nữ cho đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2015- 2020; đề xuất với cấp uỷ tạo điều kiện cho hàng trăm cán bộ Hội tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị. Tổ chức các hoạt động nâng cao kiến thức và kỹ năng cho các nữ ứng cử viên lần đầu tham gia ứng cử đại biểu HĐND các cấp, góp phần đạt tỷ lệ nữ trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021; nhiều cán bộ nữ được bổ nhiệm, đề bạt vào các vị trí lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện và các sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp; hội viên, phụ nữ được kết nạp Đảng ngày càng tăng.
Nội dung, phương thức hoạt động của Hội tiếp tục được đổi mới; tổ chức bộ máy từng bước được kiện toàn, năng lực tổ chức ngày càng được nâng lên. Điểm mới trong nhiệm kỳ là các cấp Hội đã chú trọng thực hiện đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động chăm lo lợi ích thiết thực, giải quyết những vấn đề đặt ra đối với phụ nữ; đổi mới và từng bước nâng cao chất lượng thực hiện tốt vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ. Phương thức hoạt động tiếp tục được đổi mới theo hướng phát huy sự chủ động sáng tạo của các cấp Hội và nội lực của phụ nữ; đa dạng hóa các hình thức tập hợp phụ nữ; chỉ đạo có trọng tâm, trọng điểm; mở rộng phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể; quan tâm kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm. Công tác kiện toàn tổ chức các cấp Hội được tập trung thực hiện theo hướng hợp lý, chuyên sâu. Việc ban hành các quy chế, quy định đã phát huy dân chủ, tạo sự thống nhất, hiệu quả trong lãnh đạo của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, trong cơ quan chuyên trách Hội. Việc củng cố nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hội được tập trung thực hiện theo phương châm “ở đâu có phụ nữ, ở đó có tổ chức Hội”; xây dựng các mô hình phù hợp tập hợp các nhóm đối tượng phụ nữ (cao tuổi, thanh niên, tôn giáo); tập trung phát triển hội viên, chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt hội, trong nhiệm kỳ đã có 9.000 phụ nữ tham gia vào tổ chức hội, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 68.567 hội viên. Chất lượng hoạt động của tổ chức cơ sở hội được nâng lên có 79,3% cơ sở xếp loại xuất sắc toàn diện và khá, trong đó cơ sở vững mạnh đạt 40-45%. Công tác bồi dưỡng cán bộ theo tiêu chuẩn chức danh, yêu cầu công việc được đa dạng về hình thức, chú trọng về chất lượng, đã có 750 lượt chủ tịch, phó chủ tịch Hội LHPN cơ sở và 4.641 lượt cán bộ Hội, chi hội trưởng, tổ trưởng phụ nữ và hội viên nòng cốt được tập huấn. 100% cán bộ chủ chốt Hội LHPN tỉnh, huyện và 98,94% chủ tịch Hội LHPN xã đảm bảo tiêu chuẩn chung về cán bộ và chức danh theo quy định.
Công tác đối ngoại và hợp tác quốc tế đạt nhiều kết quả rõ nét, góp phần mở rộng hợp tác, hỗ trợ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Trong nhiệm kỳ, công tác đối ngoại của Hội luôn được triển khai đồng bộ, đảm bảo tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hội đã tổ chức 3 lượt ký kết chương trình phối hợp song phương với Hội Phụ nữ tỉnh Attapư, Sê Kông (Lào) và Rattanakiri (Campuchia). Duy trì và thực hiện có hiệu quả nguồn vốn Caritas (Úc), Dự án Bạn hữu trẻ em (hợp phần UNPA), Dự án Plan. Chỉ đạo Hội Phụ nữ các huyện biên giới phối hợp với đồn Biên phòng tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân và các tầng lớp phụ nữ thực hiện tốt các nghị định, hiệp ước về biên giới quốc gia, thực hiện tốt quy chế bảo vệ biên giới góp phần giữ vững đường biên giới hòa bình ổn định.
Bước sang nhiệm kỳ 2016-2021 với tinh thần Đoàn kết- Đổi mới- Sáng tạo- Hội nhập- Phát triển, phụ nữ các dân tộc trong tỉnh tiếp tục chung sức, đồng lòng, phát huy truyền thống phụ nữ Việt Nam và những kết quả đã đạt được, đoàn kết một lòng, tích cực cống hiến sức lực, tài năng, trí tuệ, cùng nhau vượt qua khó khăn thử thách vững bước tiến lên, góp phần xây dựng tỉnh Kon Tum ổn định và phát triển bền vững. Các tầng lớp phụ nữ Kon Tum tiếp tục và thực hiện sâu rộng có hiệu quả Phong trào thi đua “ Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; Cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch và Cuộc vận động rèn luyện 4 phẩm chất “Tự tin, Tự trọng, Trung hậu, Đảm đang”; vận động phụ nữ phát triển toàn diện, xây dựng gia đình hạnh phúc; vận động hỗ trợ phụ nữ phát triển bền vững; xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, thực hiện giám sát, phản biện xã hội theo qui định.
Đồng chí Nguyễn Thị Liên TUV, CT HLHPN tỉnh – MT