Phải rất vất vả chúng tôi mới có thể lên đến mô hình trang trại của chị Y Bắp – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Tê Xăng, huyện TuMơRông – nằm trên những triền núi cao  thuộc thôn Đăk Viên. Trang trại rộng gần chục hécta, được chị Y Bắp đầu tư rào chắn cẩn thận bằng hàng rào kẽm gai.

Untitled

Chị Y Bắp hướng dẫn chị em phụ nữ kỹ thuật trồng xen Sâm dây với cà phê

Đứng ở rẫy cà phê bạt ngàn bên này, chị Y Bắp chỉ tay về thảm xanh trải dài ở triền núi bên kia cho biết đó cũng là rẫy bời lời của gia đình chị được trồng xen lẫn Sâm dây (Hồng Đảng sâm)… Mô hình trang trại của người phụ nữ được mệnh danh là lao động giỏi nhất thôn Đăk Viên kể ra ai cũng ngưỡng mộ bởi có đến 4,5 ha bời lời, 2,3 ha cà phê, 1 ha mì, trong đó có đến 4 sào Sâm dây được trồng xen với các loại cây trồng, kết hợp chăn nuôi bò, heo và các loại gia cầm…

Theo lời kể của chị Y Bắp, ngày trước gia đình chị nghèo lắm, năm nào cũng thiếu ăn vào mùa giáp hạt, con cái không có quần áo đẹp để đến trường. Năm 1995, sau khi lập gia đình, chị đã mạnh dạn vay vốn của Hội Nông dân để mở quán hàng tạp hóa. Có được chút vốn, chị lại thu mua nông sản của bà con trong làng bán lại cho tư thương kiếm lời.

Từ nghề thu mua nông sản, chị Y Bắp nhận thấy ngày càng nhiều người ở vùng xuôi tìm lên đây thu mua Sâm dây nên chợt nảy ra ý tưởng phải trồng loại cây này bởi “nếu chỉ biết khai thác ở rừng tự nhiên thì đến một lúc rừng cạn kiệt lấy gì để khai thác”. Dám nghĩ, dám làm, chị Y Bắp quyết định trồng thử nghiệm 01 sào Sâm dây xen vào rẫy mỳ, bo bo (sau này chuyển đổi cây trồng nên chuyển sang trồng xen với cà phê, bời lời). Thành công hơn sự mong đợi, cây trồng phát triển tốt, cho năng suất cao nên chị đã nhân rộng mô hình lên 4 sào Sâm dây. Với giá thu mua 70.000-100.000 đồng/kg củ tươi, mỗi năm chị Y Bắp thu được từ vườn Sâm dây cả trăm triệu đồng.

Thấy mô hình trồng Sâm dây mang lại hiệu quả, chị Y Bắp vận động chị em phụ nữ trong thôn Đăk Viên cùng trồng Sâm dây để bảo vệ cây dược liệu quý, đồng thời nâng thu nhập cho gia đình. Đặc biệt, năm 2013, chị đã vận động 64 chị em phụ nữ trong xã tham gia vào mô hình Tổ phụ nữ liên kết trồng Sâm dây từ nguồn hỗ trợ của Trung ương Hội LHPN Việt Nam và công ty Sâm Ngọc Linh (hỗ trợ mỗi người 01 sào). Đến nay, hội viên phụ nữ đã phát triển được 11 ha Sâm dây Những hộ gia đình hội viên phụ nữ gặp khó khăn về kỹ thuật trồng, chăm sóc Sâm dây, chị Y Bắp đều tận tình hướng dẫn, giúp đỡ. Điều phấn khởi là đến nay đã có hơn 43 hội viên, phụ nữ ở xã Tê Xăng tiếp tục đăng ký nhân rộng mô hình.

Kết hợp với trồng Sâm dây, cà phê, bời lời, chị còn chăn nuôi hơn chục con bò để lấy phân chuồng bón cho cây trồng; nấu rượu nuôi heo, mỗi năm xuất khoảng 2 lứa heo thịt, mỗi lứa được vài chục triệu đồng…, nâng tổng thu nhập của gia đình lên 500 triệu đồng/năm.

Còn nhớ năm 1998, sau khi được bầu làm chi hội trưởng phụ nữ thôn Đăk Viên, chứng kiến nhiều gia đình hội viên phụ nữ thiếu con giống, phân bón cho cây trồng, chị Y Bắp đã bàn với chồng đem bò gia đình mình giúp cho 7 hội viên phụ nữ khó khăn trong thôn về nuôi rẽ (con bò giống đẻ ra bê con thì con thứ nhất chuyển cho chị Y Bắp, con thứ hai cho hộ gia đình nuôi, cứ thế luân phiên).

anh2

Chị Y Ngoi chăm sóc con bò nuôi rẽ được chị Y Bắp giúp đỡ với hy vọng sớm thoát nghèo

Các hộ gia đình phụ nữ may mắn được chị Y Bắp giúp đỡ gồm: chị Y Phông, Y Nhé, Y Nhiên, Y Du, Y Ngôi, Y Đoi và Y Hòa. Để các chị em phát triển chăn nuôi hiệu quả, chị Y Bắp còn giúp đỡ, vận động chị em rào vườn trên rẫy để vừa kết hợp trồng trọt, vừa chăn thả gia súc. Đến nay, không chỉ 7 hộ gia đình được chị Y Bắp hỗ trợ nuôi bò rào vườn mà đã có thêm 9 hộ gia đình khác cũng học theo cách làm này của chị Y Bắp. Các hộ gia đình được hỗ trợ từ mô hình chăn nuôi bò rẽ của chị Y Bắp đều đã phát triển số lượng đàn bò lên từ 5-7 con, trong đó có 6 hộ gia đình đã thoát nghèo. Điển hình như gia đình chị Y Du đã phát triển được đàn bò 7 con, trong đó đã bán 01 con để lo cho con học Đại học; mới đây tiếp tục bán thêm 2 con để xây nhà. Gia đình chị Y Đoi phát triển được 7 con, vừa bán 2 con để làm nhà. Gia đình chị Y Hòa phát triển được đàn bò 7 con…

Chị Y Ngoi vui mừng: Trước đây, gia đình không có điều kiện để chăn nuôi bò. Được chị Y Bắp hỗ trợ nuôi bò rẽ, đến nay gia đình đã phát triển đàn bò 5 con. Năm ngoái, gia đình bán thêm 2 con bò được 30 triệu đồng để thêm vào số tiền đã dành dụm lâu nay xây dựng được căn nhà 3 gian. Gia đình hiện đang phấn đấu để cuối năm nay thoát nghèo.

Thành công từ mô hình nuôi bò rẽ, đầu năm 2015, chị Y Bắp tiếp tục cho chị Y Bền – hộ nghèo ở thôn Đăk Viên dắt một con bò sinh sản của gia đình mình về nuôi rẽ để có điều kiện thoát nghèo.

Phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế đang lan tỏa mạnh ở thôn Đăk Viên và một số thôn (làng) khác ở Tê Xăng. Để tạo động lực cho chị em xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, Hội Phụ nữ xã còn thành lập nhiều mô hình hỗ trợ phụ nữ nghèo như mô hình “hũ gạo tình thương”, “ống tiền tiết kiệm”, “phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình”, “tổ đổi công”…, vận động hội viên góp 680 ký gạo giúp phụ nữ khó khăn và đóng góp được 32 triệu đồng giúp hội viên phụ nữ mua 1.600 cây giống, 70 con giống và gần 300 ký hạt giống các loại để phát triển chăn nuôi, trồng trọt…

Bên cạnh đó, hàng năm, Hội Phụ nữ xã còn đứng ra tín chấp các nguồn vốn vay giúp cho hội viên, phụ nữ phát triển chăn nuôi bò, trồng cà phê, bời lời. Đến nay, tổng số vốn tín chấp lên đến gần 3 tỷ đồng, giúp 140 hộ vay. Các hộ gia đình vay vốn đều đã xây dựng được mô hình trồng cà phê, bời lời, mỗi hộ trung bình phát triển từ 1-2 sào.

Theo tiêu chí nghèo đa chiều, đến nay, tỉ lệ hội viên phụ nữ nghèo ở xã Tê Xăng vẫn còn nhiều. Hội Phụ nữ xã đang tiếp tục vận động chị em xây dựng và nhân rộng mô hình phụ nữ giúp nhau làm kinh tế, trong đó đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi bò rẽ và phát triển diện tích Sâm dây trồng xen với cà phê, bời lời bởi phù hợp với thổ nhưỡng và điều kiện sản xuất của bà con; vận động những gia đình đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu quay lại giúp đỡ những gia đình khó khăn – chị Y Bắp chia sẻ.

CTV Tú Quyên – MT