Năm 2021, kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2021) và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2021) là dịp để chúng ta ôn lại và tự hào về lịch sử hào hùng trong bảo vệ Tổ quốc với những chiến công oanh liệt của quân và dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Vào ngày 22/12/1944, tại khu rừng giữa Tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng[1], Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Hồ Chí Minh, gồm 3 tiểu đội với 34 chiến sĩ, do đồng chí Võ Nguyên Giáp trực tiếp chỉ huy. Đây là đơn vị chủ lực đầu tiên của lực lượng vũ trang cách mạng, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ngay sau khi thành lập, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng trận Phai Khắt (25/12/1944) và Nà Ngần (26/12/1944). Tháng 4/1945, Trung ương Đảng triệu tập Hội nghị Quân sự cách mạng Bắc Kỳ, quyết định thống nhất các lực lượng vũ trang cả nước, thành lập Việt Nam Giải phóng quân (15/5/1945)[2], đồng chí Võ Nguyên Giáp được phân công làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang. Tháng 8/1945, lực lượng vũ trang làm nòng cốt, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân, đến năm 1946, đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam và ngày 22/12/1944 được lấy làm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam.
Từ khi được thành lập, Quân đội ta đã liên tiếp lập nên những chiến công hiển hách. Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp, đỉnh cao là chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” là thắng lợi đầu tiên của Quân đội một dân tộc thuộc địa đánh bại một Quân đội thực dân hùng mạnh. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại, ở miền Nam, để đẩy mạnh đấu tranh vũ trang, ngày 15/02/1961, Quân ủy Trung ương quyết định thành lập Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng toàn dân và toàn quân ta “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước vào mùa Xuân năm 1975.
Hòa bình lập lại, Quân đội nhân dân Việt Nam đã tích cực tham gia xây dựng và khôi phục đất nước từ hậu quả nặng nề của chiến tranh; đồng thời cùng toàn dân đánh thắng hai cuộc chiến tranh ở biên giới Tây Nam, biên giới phía Bắc và làm tròn nhiệm vụ quốc tế cao cả ở Campuchia… Bước vào thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước…
Trải qua 77 năm chiến đấu, xây dựng và trưởng thành, đối mặt với biết bao thử thách, khắc nghiệt, nhất là những bước ngoặt của cách mạng, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn tỏ rõ bản lĩnh của một đội quân cách mạng, từ Nhân dân mà ra, vì Nhân dân mà chiến đấu; một lực lượng chính trị đặc biệt, lực lượng chiến đấu tuyệt đối trung thành, tin cậy của Đảng, Nhà nước và Nhân dân. Quân đội Nhân dân Việt Nam không chỉ là một đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất mà còn là đội quân văn hóa, là hình mẫu của quân đội cách mạng. Trong bất kỳ điều kiện, hoàn cảnh nào, dù phải chịu đựng nhiều gian khó, hy sinh; dù phải đương đầu với những âm mưu, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt của kẻ thù, Quân đội Nhân dân Việt Nam luôn nhất mực trung thành, tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, chủ động, sáng tạo, mưu trí dũng cảm, quyết chiến, quyết thắng, gắn bó máu thịt với Nhân dân, thương yêu đồng chí, đồng đội, kỷ luật nghiêm minh; các thế hệ cán bộ, chiến sĩ đã nối tiếp lập nên những chiến công hiển hách, làm rạng rỡ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, xây đắp nên truyền thống vẻ vang, xứng đáng với lời khen ngợi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Quân đội ta trung với Đảng, hiếu với dân, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì Chủ nghĩa xã hội. Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”… Đảng, Nhà nước và Nhân dân ta đặt trọn niềm tin yêu vào Quân đội Nhân dân Việt Nam, vào sức mạnh của nền Quốc phòng toàn dân. Dù trong bất cứ điều kiện, hoàn cảnh nào, Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cũng luôn chăm lo củng cố quốc phòng, xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân lớn mạnh, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Hiện nay, hòa bình, hợp tác, phát triển vẫn là xu thế chủ đạo, nhưng tình hình thế giới và khu vực có những biến động rất phức tạp, khó lường, tác động lớn và đặt ra nhiều vấn đề mới đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Nhân dân ta. Tình hình trong nước, những năm qua và hiện nay các thế lực thù địch đã và đang tăng cường hoạt động chống phá sự nghiệp cách mạng nước ta trên nhiều phương diện, trong đó chúng đẩy mạnh tuyên truyền các luận điệu đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang; thực hiện âm mưu phi chính trị hóa quân đội, công an. Phi chính trị hóa lực lượng vũ trang thực chất là nhằm tách quân đội, công an ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm cho lực lượng vũ trang không còn mang bản chất giai cấp công nhân, không còn là lực lượng vũ trang của giai cấp công nhân, của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân nữa. Vì thế, hơn bao giờ hết, mỗi người chúng ta càng phải thường xuyên nêu cao tinh thần cảnh giác, chủ động đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động nguy hiểm đó của địch; xác định đấu tranh phòng chống mưu đồ đòi phi chính trị hóa lực lượng vũ trang là nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết, thường xuyên của Đảng, Nhà nước, cả hệ thống chính trị, của lực lượng vũ trang nhân dân và mỗi cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang. Xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam có bản lĩnh vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, chế độ, nhà nước và Nhân dân ta là vấn đề cốt lõi; Đảng lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt đối với quân đội được đảng ta khẳng định nhất quán trong suốt tiến trình cách mạng Việt Nam. Xây dựng Quân đội Nhân dân vững mạnh về mọi mặt theo mục tiêu cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Đại hội XIII của Đảng khẳng định: “ Giữ vững và tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng; sự quản lý tập trung, thống nhất của Nhà nước đối với Quân đội nhân dân, Công an nhân dân và sự nghiệp quốc phòng, an ninh. Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác Đảng, công tác chính trị trong Quân đội nhân dân và Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu xây dựng lực lượng vũ trang vững mạnh về chính trị, làm nòng cốt trong sự nghiệp quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới”
Ngày 17/10/1989, Ban Bí thư Trung ương Ðảng (khóa VI) ban hành Chỉ thị số 381-CT/TW, lấy ngày 22/12 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân và ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân đầu tiên được tổ chức ở tất cả các địa phương trong cả nước. Từ đó đến nay, ngày 22/12 đã trở thành ngày hội lớn của toàn dân tộc với các hoạt động hướng vào chủ đề quốc phòng và quân đội. Việc lấy ngày 22/12/1989 là Ngày hội Quốc phòng toàn dân là chủ trương lớn, quan trọng của Đảng, Nhà nước, tiếp tục khẳng định quan điểm toàn dân tham gia xây dựng, củng cố quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, trong đó lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt.
Kỷ niệm 77 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và 32 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân là dịp để chúng ta ôn lại lịch sử vẻ vang, hào hùng của dân tộc và những chiến công oanh liệt của quân và dân ta; khơi dậy niềm vinh dự, tự hào, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường vượt qua mọi khó khăn, thử thách; ra sức xây dựng nền quốc phòng toàn dân vững mạnh, xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, là lực lượng chính trị tin cậy, đội quân chiến đấu trung thành của Đảng, Nhà nước và nhân dân, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa./.
Nguồn: Tài liệu của Ban Tuyên giáo Trung ương; Văn kiện Đại hội XIII của Đảng
[1] Nay là xóm Nà Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng.
[2] Gồm: Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân, Cứu Quốc quân và các tổ chức vũ trang khác…
Nguồn: https://www.tuyengiaokontum.org.vn-HT