Với mong muốn đảm bảo an toàn cho người sử dụng, 3 năm trở lại đây, cô Phạm Thị Hà ở tổ 4 – phường Trần Hưng Đạo – thành phố Kon Tum quyết tâm làm nhang sạch. Cô tự tìm mua nguyên liệu, các loại vỏ quế, vỏ bời lời ở huyện Ngọc Hồi, Đăk Glei về làm bột rồi se nhang thủ công bằng tay. Không dùng chất tạo hương nhưng nhang của cô rất thơm, an toàn, được người tiêu dùng ưa chuộng.
Sau cái lạnh tê tái của buổi sớm, tầm 9h sáng, mặt trời lên cao mang theo cái nắng, gió đặc trưng của những ngày tháng Chạp. Trong ngôi nhà cấp 4 tuềnh toàng, nhuộm màu thời gian, cô Hà tranh thủ mang nhang ra phơi. Thấy khách vào, vội phủi bụi nhang bám bẩn trên quần áo, cô tươi cười tiếp chuyện: “Từ tháng 10 là đã phải lo hàng Tết rồi. Tất bật làm sớm để bỏ mối cho khách. Làm nghề này không nặng nhọc nhưng quần quật cả ngày. Vào mùa, có hôm làm từ tờ mờ sáng đến 10-11h đêm mới nghỉ”.
Nhang được phơi dưới ánh nắng mang lại mùi thơm dễ chịu. Ảnh: Hoài Tiến
Không máy móc, dụng cụ làm nhang của cô đơn giản chỉ gồm vài cái thau nhồi bột, ghế tựa, bàn gỗ cũ, cái bàn chà hồ bằng gỗ… Cô bảo, máy móc hiện đại, làm nhanh nhưng cô vẫn thích việc làm nhang bằng tay. “Tuy làm thủ công vất vả hơn, năng suất lại không cao bằng làm máy nhưng đó là cách để tôi lưu giữ nghề làm nhang truyền thống” – cô Hà chia sẻ.
Từ thời 17 tuổi, khi ở trong tịnh xá Ngọc Thọ, cô đã được học và biết đến nghề làm nhang. Lập gia đình, việc se nhang trở thành “cần câu cơm” nhưng vì đời sống kinh tế khó khăn, cô tạm gác công việc nhiều vất vả, ít thu nhập này để đi buôn bán, kiếm tiền lo cho đàn con thơ.
Thời gian trở lại đây, đọc tin tức thấy tràn lan các loại nhang gây độc, ảnh hưởng đến sức khỏe, cô chợt nghĩ: hay quay lại với nghề làm nhang để làm nhang sạch, đảm bảo sức khỏe. Được các con động viên, 3 năm nay, cùng với việc bán trái cây, bán hoa ở chợ, những ngày giáp Tết, cô tranh thủ làm nhang để vừa phục vụ trong gia đình, vừa kiếm thêm thu nhập.
Với quyết tâm làm nhang sạch, an toàn, không sử dụng nguyên liệu được bày bán tràn lan, cô lên Ngọc Hồi, Đăk Glei mua vỏ quế, bời lời về xay lấy bột rồi mua thêm một số loại bột trầm, bột hương bài, bột hồi tại những cơ sở uy tín để làm. “Nếu nhang từ hương liệu không tự nhiên sẽ dễ khiến người dùng mắc các chứng bệnh: viêm xoang, viêm mũi dị ứng… Vậy nên, tôi rất cẩn thận trong việc chọn nguyên liệu để có sản phẩm tốt nhất, giúp đảm bảo an toàn cho chính tôi và cho người sử dụng. Tôi không sử dụng thêm bất kể hóa chất hay loại chất tạo hương nào nhưng việc trộn các loại bột quế, bời lời theo đúng tỉ lệ, nhang vẫn rất thơm” – cô Hà nói.
Cô Hà thường làm 2 loại nhang: nhang hương bài và nhang trầm quế. Với nhang hương bài, cô trộn các loại bột: bời lời, hương bài, bắc, hồi lại với nhau theo tỉ lệ nhất định rồi làm. Còn với nhang trầm quế, cô chỉ trộn loại bột trầm và bột quế theo tỉ lệ. Sau khi trộn bột xong, cô se bằng tay rồi đem ra phơi ngoài nắng. Cô bảo, không như sấy, nhang được phơi khô dưới nắng mang lại hương thơm tự nhiên, dễ chịu.
Sau quá trình chuẩn bị nguyên liệu, cứ vào tháng 10 dương lịch hằng năm, cô lại khởi động mùa làm nhang Tết. Một ngày cô làm được khoảng 4000-5000 cây nhang. Cô cho biết, thời gian đầu, vì mẫu mã chưa đẹp nên sản phẩm của cô khó chen chân vào thị trường. Sau, nhiều người dùng thấy nhang thơm tự nhiên, dễ chịu, khuếch tán ra không khí từ từ nên dần ủng hộ. “Bây giờ ngoài việc bỏ sỉ ở các cửa hàng tạp hóa, con trai tôi cũng đăng hình rồi bán trên mạng xã hội. Thông thường 1 mùa Tết, tôi bán được khoảng 500-700 bó nhang lớn; 1.000 bó nhang nhỏ, thu nhập được khoảng 10 triệu đồng” – cô Hà cho hay.
Trưa nắng, tạm biệt khách, cô Hà lại miệt mài bên chiếc bàn gỗ để kịp hàng giao cho khách. Đôi bàn tay thoăn thoắt se từng cây nhang, đôi mắt cô ánh lên niềm vui vì mang được sản phẩm an toàn đến cho mọi người./.
Bài và ảnh: Bình An-PL-HT