Ngày 12/12/1931, tại nhà ngục Kon Tum, đã diễn ra cuộc đấu tranh lưu huyết của các chiến sĩ Cộng sản, chống lại chế độ nhà tù hà khắc, khổ sai của thực dân Pháp. Ngày này đã trở thành ngày giỗ chung của những người con ưu tú đã ngã xuống vì độc lập tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân, trên mảnh đất bên dòng sông Đăk Bla lịch sử. 85 năm đã qua, tinh thần của cuộc đấu tranh “Vang động núi rừng” vẫn còn sống mãi trong lòng đồng bào các dân tộc tỉnh Kon Tum.
Hát múa dưới chân tượng đài ghi dấu cuộc đấu tranh lưu huyết
Ngục Kon Tum là nơi thực dân Pháp giam cầm các tù chính trị, các chiến sĩ Cộng sản bị bắt bớ, đàn áp trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh và các tỉnh miền Trung, trong cao điểm phong trào Cách mạng những năm 1930-1931. Bị bóc lột sức lao động một cách tàn bạo để làm đường 14 và chịu muôn vàn sự tra tấn, hành hạ dã man, nên chỉ trong 6 tháng cuối năm 1930, trong tổng số gần 300 tù chính trị, đã có đến 150 người thiệt mạng. Phong trào đấu tranh chống lại chế độ nhà tù khổ sai, chống lại chính quyền thực dân tàn ác của các chiến sĩ Cộng sản tại nhà ngục phát triển mạnh mẽ, đỉnh điểm là cuộc đấu tranh lưu huyết ngày 12/12/1931 và cuộc đấu tranh tuyệt thực trong thời gian từ 13 đến 16/12/1931.Trong cả 2 cuộc đấu tranh can trường, quả cảm ấy, 15 chiến sĩ đã anh dũng ngã xuống, 16 đồng chí bị thương.